Mùng 6 Tết ghé Cổ Loa dự lễ chơi hội

(Sóng Trẻ) - Lễ hội Cổ Loa nhằm giáo dục truyền thống mang ý nghĩa sâu rộng trong nhân dân, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” đồng thời duy trì, bảo tồn và phát huy hoạt động văn hóa truyền thống, giá trị di sản vật thể và phi vật thể khu di tích Cổ Loa – di tích Quốc gia đặc biệt. 

Về với làng Cổ Loa

“Ai về qua huyện Đông Anh
Ghé thăm phong cảnh Loa thành Thục Vương
Cổ Loa thành cũ khác thường
Trải bao năm tháng dấu thành còn ghi”.
(Ca dao)

Cổ Loa được xây dựng từ thời An Dương Vương dựng nước và trở thành kinh đô của đất nước đến hai lần (lần thứ nhất kinh đô của nhà nước Âu Lạc thời kỳ An Dương Vương vào thế kỷ III TCN, lần thứ hai là Ngô Quyền chọn làm kinh đô từ năm 938). Thành Cổ Loa được biết tới là tòa thành cổ nhất, to lớn nhất của Việt Nam và Đông Nam Á thời cổ đại với quy mô rộng lớn và cấu trúc nhiều lớp uốn lượn. Tại các di chỉ khảo cổ học đã phát hiện được trống đồng, hàng vạn mũi tên đồng, khuôn đúc đồng, hàng trăm mũi giáo, lưỡi cày, rìu. Cổ Loa là một quần thể các công trình kiến trúc mang ý nghĩa tôn thờ, tôn giáo, tín ngưỡng với các đình, đền, chùa, am, miếu… Bên cạnh những giá trị văn hóa vật thể, Cổ Loa ngày nay còn bảo lưu nhiều giá trị văn hóa phi vật thể, trong đó nổi bật là lễ hội Cổ Loa. Bởi thế mà người dân Cổ Loa, từ xưa đã có câu:
 “Chết thì bỏ con bỏ cháu
Sống không bỏ mồng sáu tháng Giêng”.

91ad09fe2_toan_canh.jpg
Toàn cảnh đền Thượng – Cổ Loa

Làng Cổ Loa gồm 12 xóm nhưng lễ hội Cổ Loa lớn nhất trong năm là “của chung” một cụm tám làng (gọi là Bát Xã) gồm: Cổ Loa, Văn Thượng, Nại Sát, Mạch Tràng, Đài Bi, Cầu Cả, Sằn Giã, Thư Cưu. Nài ra, tham gia lễ còn có làng Hà Vĩ, thường gọi là Quậy – một làng gốc ở Cổ Loa, xưa đã phải di dời đến vùng Hà Vĩ (cuối sông), nhường đất để Vua Thục xây thành, được Bát xã tôn làm anh Cả.

Linh thiêng lễ, tưng bừng hội

Phần nghi lễ mở đầu của hội Cổ Loa hướng về An Dương Vương – người có công lớn trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước thời tiền sử. Ngay từ sáng sớm mùng 6 Tết, các tiên chỉ và các chức sắc áo mũ nghiêm chỉnh đến trước giá văn làm lễ. Đám rước gồm có phường bát âm đi đầu, đến các chức sắc và các ông tiên chỉ của các làng cùng các dân đinh khiêng giá văn tế, kiệu long đình, cờ lọng đi đến đền An Dương Vương tức đền Thượng. Sau tiếng trống lệnh, “anh Cả Quậy” bước vào đầu tiên, sau đó là Bát xã theo thứ tự tiến vào cung vua, tiến lễ bằng oản phẩm dâng vua, gọi là “thi lễ” cho Bát xã. Tục lệ này nhằm động viên nhân dân Bát xã thi đua lao động sản xuất, khuyến khích nghề truyền thống của địa phương.

91ad09fe2_le.jpg
Nghi thức tế lễ linh thiêng

Sau khi tế lễ ở đền Thượng, đám rước tiếp tục đi từ đền Thượng vòng quanh giếng Ngọc rồi theo đường chân thành Nội tới đình Ngự Triều. Ði sau mỗi kiệu có 4 trai đinh mỗi người cầm một cây cờ đại, vừa đi vừa múa. Tới ngã tư ở cửa điếm làng Cổ Loa kiệu làng nào quay về làng ấy. Riêng kiệu của làng Cổ Loa thì quay vào đình Ngự Triều, được đặt trước sân đình và dân Cổ Loa lại làm lễ thần lần nữa. 

Trong dịp lễ hội, tại đình Cổ Loa cũng tổ chức các nghi thức tế lễ, rước từ đền lên đình và ngược lại, rước bỏng Chủ, tổ chức các sinh hoạt văn hóa dân gian như hát tuồng, hát chèo, đấu vật, chơi cờ người; các trò chơi thu hút dân làng như múa rối, chọi gà, nấu ăn, giã bỏng, cờ người, đấu vật, ném còn, đánh đu, leo dây, bắn nỏ… Thường thì mỗi ngày sẽ tế tại đình hai chầu vào buổi sáng và buổi chiều, riêng ngày khai hội mùng 6 Tết có thể tế đến bốn chầu. Lễ hội Cổ Loa có thể kéo dài từ mùng 6 Tết đến tận 16 tháng Giêng.

Một vài trò chơi dân gian trong lễ hội Cổ Loa

91ad09fe2_1.jpg
Trò chơi cờ người mang tính trí tuệ
878358e38_2.1.jpg
Hát quan họ trên thuyền
8b8bbd755_2.jpg
Trò chơi đấu vật thể hiện sức mạnh

Lịch lễ hội Cổ Loa và hoạt động đồng hành năm Đinh Dậu 2017:
- Từ ngày 27/01 đến 28/02/2017: Triển lãm ảnh nghệ thuật về Cổ Loa.
- Từ 20/01 đến 24/02/2017: Triển lãm cây cảnh nghệ thuật (tại khu vực đền Thượng và đình Ngự Triều Di Quy).
- Từ 01/02 đến 02/02/2017 (tức mùng 5 – mùng 6 Tết): Lễ hội Cổ Loa.

Đỗ Diễm Hằng Minh
Báo in K35A1
Ảnh Internet

Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
Bế mạc Hội báo toàn quốc năm 2024: Học viện Báo chí và Tuyên truyền đạt giải B Gian hàng trưng bày xuất sắc

Bế mạc Hội báo toàn quốc năm 2024: Học viện Báo chí và Tuyên truyền đạt giải B Gian hàng trưng bày xuất sắc

Tin nổi bật2 tháng trước

(Sóng trẻ) - Sáng 17/3/2024, tại TP Hồ Chí Minh, Hội Báo toàn quốc 2024 với chủ đề “Báo chí Việt Nam - Tiên phong, Đổi mới vì sự nghiệp cách mạng của Đảng và Nhân dân” đã bế mạc trọng thể.

Thời tiết Noel 2023: Miền Bắc chìm trong rét đậm, Trung và Nam Bộ khả năng có mưa lớn

Thời tiết Noel 2023: Miền Bắc chìm trong rét đậm, Trung và Nam Bộ khả năng có mưa lớn

Tin nổi bật4 tháng trước

(Sóng trẻ) - Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia dự báo thời tiết trong 10 ngày tới, từ đêm nay 17/12 đến ngày 27/12, cho các khu vực trên cả nước.

Chấp nhận ngủ lề đường "chờ mua iPhone 15"

Chấp nhận ngủ lề đường "chờ mua iPhone 15"

Tin nổi bật7 tháng trước

(Sóng trẻ) - Như thường lệ, thời điểm tháng 9 sẽ là lúc Apple - một tập đoàn công nghệ về ngành công nghệ thông tin lớn bậc nhất thế giới cho “trình làng” các sản phẩm mới nhất. Vào ngày 13/9, Apple đã cho ra mắt iPhone 15.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN