Nan giải tình trạng học sinh đi xe máy đến trường
(Sóng trẻ) Theo thống kê, trung bình mỗi năm có tới 2.000 trẻ em thiệt mạng vì tai nạn giao thông trên cả nước. Theo Ủy ban an toàn giao thông quốc gia, có tới gần 50% các vụ tai nạn giao thông trong độ tuổi từ 16 - 18 tuổi. Trong số những người bị xử lý vi phạm có khoảng 60% là học sinh không có giấy phép lái xe. Mặc dù nhà trường và cơ quan chức năng đã tuyên truyền, nhắc nhở và xử phạt các trường hợp vi phạm, nhưng tình trạng này vẫn thường xuyên diễn ra.
Tình trạng học sinh đi xe máy diễn ra phổ biến
Theo quan sát ở nhiều trường cấp ba các quận huyện, số ít được phụ huynh đón, hầu hết là các học sinh tự túc về bằng các phương tiện như xe đạp, xe điện. Tuy nhiên vẫn có một số học sinh đi xe máy đến trường, gửi xe ở các điểm trông xe tự phát do người dân mở ra. Không khó để bắt gặp hình ảnh các học sinh đi xe máy lạng lách, đánh võng, không gương, không đội mũ bảo hiểm, thậm chí tụ tập hàng hai, hàng ba, tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn giao thông cao. Theo quy định của Luật Giao thông đường bộ, người phải đủ 18 tuổi trở lên mới đủ điều kiện cấp giấy phép lái xe, còn từ 16 đến 18 tuổi chỉ được đi xe dưới 50 phân khối. Phần lớn các học sinh sử dụng xe mô tô quá phân khối cho phép và không có bằng lái xe.
Theo thống kê của Phòng Cảnh sát giao thông Hà Nội, từ tháng 3-2020 đến nay, đơn vị đã xử lý 42.814 trường hợp người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy vi phạm quy định hiện hành, trong đó có 230 trường hợp vi phạm là học sinh, sinh viên. Cơ quan chức năng cũng xử lý 5.095 trường hợp vi phạm khi điều khiển xe máy điện, xe đạp điện, trong đó có 266 trường hợp vi phạm là học sinh, sinh viên.
Muôn vàn lí do vi phạm
Chia sẻ với phóng viên, bác Nguyễn Thế Tùng (sống tại quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết rằng vì nhà không có ai đưa con đi học và đón về, nên bác quyết định mua xe máy để tiện cho việc đi học THPT và sau này lên đại học. Mặc dù biết là con chưa đủ tuổi đi xe máy và chưa có bằng lái nhưng bác vẫn để con đi hằng ngày. Bên cạnh đó bác có chia sẻ rằng bác chỉ cho phép con đi xe từ nhà đến trường khoảng 5km chứ không cho đi chơi bằng phương tiện này.
Ngoài ra, em Nguyễn Bảo Long (ở quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội), học sinh lớp 11 tại trường THPT Xuân Phương, Hà Nội còn cho biết: “Em thích đi xe máy vì nhanh và tiện, không phải lo lắng hết điện giữa đường như xe đạp điện. Việc đưa đón các bạn cùng lớp đi học cũng dễ dàng hơn nên em xin bố mẹ cho đi xe máy đến trường.”
Vì nhiều lý do, tình trạng học sinh đi xe máy đến trường khá phổ biến. Dạo qua một số cổng trường THPT ở trung tâm thành phố vào giờ đến lớp hay tan trường, có thể dễ dàng thấy không ít thanh thiếu niên mặc đồng phục học sinh tự điều khiển xe máy đi học dù các trường đã có lệnh cấm và không nhận gửi xe máy trong khuôn viên nhà trường.
Trách nhiệm thuộc về ai?
Có thể thấy nhiều phụ huynh mặc dù biết con em mình vi phạm luật nhưng mặc nhiên chấp nhận. Trong khi đó, đây chính là những nguy cơ tiềm ẩn tai nạn giao thông. Nhất là đối với lứa tuổi học sinh, nhiều em thích “thể hiện”, thử cảm giác lạ mà coi thường tính mạng của mình cũng như những người xung quanh. Nhiều trường học đã tuyên truyền, quán triệt cho học sinh và giáo viên về tình trạng này và phổ biến luật an toàn giao thông với phụ huynh, tuy nhiên khoảng cách giữa việc tuyên truyền và thực hiện còn rất lớn. Vấn đề chính ở đây là phụ huynh còn thiếu trách nhiệm trong việc quản lý con em mình khi đi học, giao xe cho con khi chưa đủ 18 tuổi.
Cô Nguyễn Thị Liên (Hiệu phó trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, Hà Nội) nêu quan điểm:”...Trường cũng đã xử lí nghiêm những trường hợp vi phạm như mời phụ huynh, đánh vào hạnh kiểm các em. Nhưng các em ra khỏi cổng trường thì rất khó kiểm soát nên chúng tôi mong gia đình phối hợp với nhà trường để quán triệt về tình trạng này. Việc đi xe máy đến trường là rất nguy hiểm nhất là ở độ tuổi các em, gần như toàn bộ học sinh đi xe máy đều chưa có bằng lái. Chúng tôi cũng mong các cơ quan chức năng xử lí nghiêm những em vi phạm luật Giao thông”.
Mặt khác, ở độ tuổi này các em đã có nhận thức về luật pháp cũng như kĩ năng bảo vệ bản thân khi tham gia giao thông. Để ngăn ngừa, hạn chế tình trạng đi xe máy khi chưa đủ tuổi thì một phần cũng phụ thuộc vào chính ý thức của học sinh. Kết hợp với sự nhắc nhở, giáo dục của gia đình và nhà trường thì các em sẽ nâng cao sự tự giác chấp hành các quy định về trật tự an toàn giao thông.