Nghề chèo thuyền thúng ngắm san hô ở đảo An Bình
Không dễ dàng như chèo thuyền trên sông, những người thợ chèo thuyền thúng ở đảo An Bình phải oằn mình vượt sóng mới đưa được du khách đến địa điểm ngắm san hô đẹp nhất của Lý Sơn.
Chèo thuyền thúng – nghề lạ mà quen.
Lý Sơn là một trong những địa điểm du lịch lý tưởng mới nổi những năm trở lại đây dành cho những người yêu thích khám phá, trải nghiệm sự hoang sơ của vùng đất nằm cách xa đất liền hàng tiếng đồng hồ đi tàu.
Đến Lý Sơn bạn sẽ được thưởng thức vị mặn mòi của biển, nước biển trong vắt không giống như những bãi biển gần đất liền. Huyện đảo Lý Sơn nằm cách đất liền khoảng 15 hải lý (khoảng 27km) gồm có đảo Lớn và đảo Bé (còn gọi là đảo An Bình) - một hòn đảo xinh đẹp, nhỏ bé nhưng chứa đựng biết bao điều kỳ thú.
Xã đảo An Bình (đảo Bé), địa điểm không thể bỏ qua khi đến Lý Sơn
Ở đảo Bé, nài việc được tắm nước biển trong xanh, đùa giỡn với những con sóng lớn, du khách còn được trải nghiệm một hình thức khám phá biển vô cùng độc đáo đó là ngắm san hô dưới đáy biển. Để có thể thưởng thức trọn vẹn vẻ đẹp của san hô biển tại đảo Bé không thể không kể đến công sức của những người thợ chèo thuyền thúng ở nơi đây.
Những người làm nghề chèo thuyền ngắm san hô ở đảo An Bình hầu hết đều là những người có kinh nghiệm lâu năm trong nghề, là những trai tráng sống trên đảo và tuyệt nhiên không có phụ nữ bởi họ không thể đủ sức vượt được những con sóng mạnh mẽ của khơi xa.
Những chiếc thuyền thúng nằm gọn chờ khách du lịch tới tải nghiệm
Để đến được bãi san hô đẹp tại đảo, du khách sẽ được những người thợ thuyền đưa qua một đoạn đường biển trên chiếc thuyền thúng, đoạn đường chỉ mất khoảng 15 phút nhưng vô cùng khó khăn và tốn nhiều công sức.
Chiếc thuyền tối đa có thể chở được 5 khách du lịch. Nếu như những chiếc thuyền trên sông chỉ cần tháo dây là có thể nhẹ nhàng di chuyển được thì với thuyền thúng phải huy động ít nhất 3 thanh niên trai tráng làm nhiệm vụ đẩy thuyền ra khơi, đẩy phải khéo, phải chuẩn, căn đúng nhịp sóng ra khơi thì thuyền mới ra được nếu không thuyền sẽ bị đẩy ngay tức khắc vào bờ.
Người thợ thuyền đang cố gắng vượt sóng tới bãi san hô
Sau khi vượt qua được sóng lớn, chiếc thuyền thúng được cho là tạm thời an toàn, lúc này việc di chuyển chiếc thuyền hoàn thoàn phụ thuộc vào người chèo thuyền. Những người thợ thuyền phải xoay lắc mái chèo liên tục thì chiếc thuyền mới vượt qua được những đợt sóng lớn trên biển.
Nhọc nhằn nghề chèo thuyền thúng
Chú Cua (58 tuổi) đã có hơn hai năm chèo thuyền thúng chở khách ra khơi cho biết chú đã làm nghề này được hơn hai năm kể từ ngày du lịch Lý Sơn rộ lên. Trước đây, chú cũng chèo thuyền nhưng chỉ là chèo thuyền ra khơi đánh cá chứ không chở khách. Chú chia sẻ để làm được nghề này không phải dễ bởi chèo thuyền nài khơi này rất vất vả, sóng chỉ lớn một chút thôi là dễ lật thuyền.
Chú Cua (58 tuổi) đã chèo thuyền thúng cho khách du lịch được hơn 2 năm
Làn da ngăm đen của chú Cua đã nói lên sự từng trải của con người hơn một nửa cuộc đời gắn bó với biển cả. Cũng nhờ nghề chèo thuyền đã giúp gia đình chú kiếm thêm thu nhập trang trải cuộc sống.
Bãi ngắm san hô sâu nhất khoảng 5m và nông nhất là khoảng 1 – 2m. San hô ở đây được mệnh danh là một trong những nơi đẹp nhất của đảo Lý Sơn. Phí trải nghiệm lặn ngắm san hô trung bình mỗi khách du lịch là 60.000 đồng cho một lượt tuy nhiên số tiền này bao gồm cả tiền cho thuê áo phao và kính lặn do vậy tiền công những người thợ thuyền nhận được cũng chẳng la bao so với sức lực họ bỏ ra.
Sự tập trung cao độ của người thợ thuyền là điều vô cùng quan trọng
Chú Cua kể ngày đắt khách nhất thì chở được khoảng trăm lượt khách chính vì vậy mà không ít người vẫn cố gắng sống với nghề bằng cả tình yêu biển cả và tình yêu nghề “cha sinh mẹ đẻ”.
Đưa khách đến bãi san hô, thợ thuyền sẽ là người hỗ trợ khách xuống nước. Nếu ai không biết lặn họ lại người hướng dẫn tỉ mỉ cách sử dụng kính, cách hít thở để lặn rồi họ lại kiên nhẫn trên thuyền chờ khách ngắm thỏa thích.
Tuy vất vả nhưng những nụ cười vẫn luôn thường trực trên môi
Vất vả là vậy nhưng trên môi của những người thợ thuyền thúng vẫn luôn tươi cười bởi với họ đây là niềm vui cũng là cách họ giới thiệu đến du khách những thắng cảnh ở quê hương.
Chia sẻ về bí quyết chèo thuyền, chú Cua cho hay: “Thực ra chẳng có bí quyết nào cả mà “trăm hay không bằng tay quen”, thanh niên trên đảo sinh ra đã thấy biển, sống trên biển, ăn trên biển nên ai cũng phải biết chèo thuyền”.
Người thợ chèo thuyền sẽ kiêm cả hướng dẫn cho khách du lịch
Một công việc tuy vất vả song lại mang ý nghĩa rất lớn đối với những người dân ở đảo An Bình. Nếu đến Lý Sơn mà không một lần thử trải nghiệm ngắm san hô dưới đáy biển thì quả là một điều thiếu sót rất lớn.
Mai Yên
Nội dung box.
|
Cùng chuyên mục
Bình luận