Nghệ thuật có khả năng chữa lành tâm hồn
(Sóng trẻ) - Chiều ngày 24/4, workshop “Sáng tạo để chữa lành” đã được tổ chức nhằm khuyến khích người trẻ khám phá và xây dựng kết nối bền vững hơn với cảm xúc của bản thân thông qua thực hành sáng tạo nghệ thuật.
Sự kiện nằm trong khuôn khổ dự án “To be kind” của nhóm sinh viên đến từ khoa Quan hệ công chúng và Quảng cáo, Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Buổi workshop có sự góp mặt của Th.S Nguyễn Hương Linh, người sáng lập không gian trị liệu nghệ thuật MAI, tốt nghiệp chương trình Thạc sĩ Trị liệu nghệ thuật tại School of Visual Arts (New York, Mỹ).
Buổi workshop đề cập tới các chủ đề xoay quanh việc chăm sóc sức khỏe tâm lý bằng phương pháp trị liệu nghệ thuật, từ đó góp phần bình thường hóa các cuộc thảo luận về sức khỏe tâm thần trong cuộc sống hàng ngày.
Nuôi dưỡng lòng trắc ẩn bằng nghệ thuật
Theo Th.S Nguyễn Hương Linh, “art therapy” (trị liệu nghệ thuật) là một nghề nghiệp, dịch vụ chăm sóc sức khỏe tinh thần cho con người. Những người làm nghề này được gọi là chuyên viên trị liệu nghệ thuật hoặc nhà trị liệu nghệ thuật. Trị liệu nghệ thuật bao gồm các yếu tố như thực hành nghệ thuật và sáng tạo, kết hợp với tâm lý học ứng dụng, được diễn ra trong mối quan hệ trị liệu.
Mục đích của trị liệu nghệ thuật là nhằm nâng cao chất lượng đời sống của cá nhân, gia đình hay cộng đồng. Diễn giả bày tỏ, hiện tại ở Việt Nam không có nhiều nơi sử dụng phương pháp này nhưng ta có thể thấy trị liệu nghệ thuật xuất hiện nhiều tại Mỹ và chúng được sử dụng ở những nơi như bệnh viện, trường học, phòng khám, viện dưỡng lão, tổ chức phi chính phủ, nhà trú ẩn, …
Tại buổi workshop, Th.S Nguyễn Hương Linh chia sẻ với khán giả về một số ca trị liệu nghệ thuật mà diễn giả từng thực hiện với thân chủ ở các lứa tuổi khác nhau. Từ những trải nghiệm thực tế với các thân chủ, diễn giả từng bước dẫn dắt người xem đi sâu vào các khía cạnh của sang chấn tâm lý và vai trò của trị liệu nghệ thuật trong việc phục hồi sang chấn.
Chuyên viên trị liệu tâm lý Nguyễn Hương Linh cho biết: “Sang chấn là những phản ứng của con người trước những sự kiện, được hình thành khi chúng ta rơi vào một tình huống hiểm họa và bị bế tắc ở các trạng thái sinh tồn. Nó ảnh hưởng lên chức năng và sức khỏe thể lý, hệ thần kinh, cảm xúc, sức khỏe xã hội, sự an lạc và đời sống tâm linh nói chung của con người. Sang chấn có thể hình thành nếu nó được diễn ra một cách quá nhiều, quá ít, quá sớm hoặc quá muộn, phụ thuộc vào hoàn cảnh thực tế của người gặp vấn đề.”
Theo thạc sĩ, khi đối mặt với sang chấn, nhiều người có xu hướng trầm cảm, lo âu và tự hại. Đây là những phản ứng bình thường của con người trong các tình huống bất thường, là cơ chế của cơ thể nhằm bảo vệ bản thân để giảm bớt và xoa dịu nỗi đau, mặc dù về mặt lâu dài chúng không có lợi.
Diễn giả cũng chỉ rõ sự nâng đỡ của nghệ thuật thị giác trong quá trình trị liệu tâm lý. Cụ thể, trị liệu nghệ thuật cho ta khả năng tự điều tiết, đồng điều tiết, sự khám phá và phục hồi.
“Làm bạn với cảm xúc”
Dưới sự điều phối của diễn giả, người tham gia sự kiện có cơ hội được trải nghiệm nhận diện và kết nối cảm xúc thông qua việc sáng tạo nghệ thuật với các bài tập trị liệu nghệ thuật phi lâm sàng (non-clinical art therapy).
Theo diễn giả, trong trị liệu nghệ thuật, không có khuôn mẫu nhất định để đánh giá về cái đẹp trong tác phẩm. Có rất nhiều cách biểu đạt khác nhau và cách nào cũng đều được đón nhận. Diễn giả khuyến khích người tham gia vẽ những gì bản thân cảm nhận và tự mình đặt tên cho những xúc cảm ấy.
Buổi workshop kết lại với hoạt động tương tác “vòng tròn sẻ chia”, người tham gia có thể kể câu chuyện và những cảm xúc của bản thân mà họ đã truyền tải trong bài tập trước đó.