Nghệ thuật múa rối nước
(Sóng trẻ)- Nghệ thuật múa rối nước truyền thống Việt Nam không còn xa lạ với mọi người và là môn nghệ thuật được du khách nước nài yêu thích.
Nhà hát múa rối Việt Nam thuộc Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch. Đây là trung tâm nghệ thuật múa rối lớn nhất của cả nước với nhiệm vụ bảo tồn và phát triển nghệ thuật truyền thống. Nhà hát có một đội ngũ nghệ sĩ giỏi trong lĩnh vực chuyên môn như đạo diễn, biên kịch, họa sĩ mỹ thuật tạo hình, kỹ thuật âm thanh, ánh sáng, diễn viên trong đó đáng chú ý là đội ngũ diễn viên của nhà hát ở độ tuổi còn khá trẻ nhưng rất tâm huyết với nghề.
Nghệ thuật múa rối nước
Nghệ sĩ Nguyễn Lan Hương (Nhà hát múa rối Việt Nam) chia sẻ: “Khi mình phải gồng gánh những con rối nhiều lúc nó phải con nhẹ thì nặng từ 2 đến 3 cân nhiều lúc đến 4 hoặc 5 cân rất là khó khăn lại còn phải di chuyển dưới nước nữa thế nhưng mà mình đi ở trên cạn dễ dàng nhưng mà việc di chuyển dưới nước thì rất là khó, đi lại chậm chạp hơn, nặng nề hơn. Thế nhưng khi mình đã thích, yêu nghề thì khi mình làm việc với nó thì mình thấy quen. Và khi mình đã rất yêu nó rồi thì mọi sự cản trở ấy dường như bị xóa nhòa hết.”
Múa rối nước là môn nghệ thuật đặc sắc được ra đời từ nền văn hóa lúa nước. Từ một nghệ thuật mang yếu tố dân gian, múa rối nước đã trở thành một môn nghệ thuật truyền thống. Nói đến múa rối thì hầu như dân tộc nào cũng có nhưng rối nước thì chỉ có Việt Nam. Tinh hoa của nghệ thuật múa rối nước ngày càng nhận được sự ngưỡng mộ của bạn bè quốc tế, trở thành một sản phẩm nghệ thuật độc đáo của Việt Nam.
Phỏng vấn nghệ sĩ Nguyễn Tiến Dũng (Phó Giám đốc Nhà hát múa rối Việt Nam): “Chúng tôi đang được sở hữu một thể loại rối, một loại hình nghệ thuật mà các cụ đã để lại thì phải ơn các cụ rất nhiều. Và thế hệ chúng tôi đang có nhiệm vụ phải phát huy nó. Không chỉ phát huy mà còn sáng tạo nữa để làm thế nào ngày càng phát triển nghệ thuật múa rối nước để xứng tầm với một môn nghệ thuật độc đáo của Việt Nam. Tôi nghĩ rằng rối nước có thể đại diện cho nền văn hóa Việt Nam để nói lên được tiếng nói Việt Nam với thế giới.”
Không giống như những nghệ sĩ trình diễn trên sân khấu với ánh đèn lung linh, người nghệ sĩ rối nước phải trầm mình trong làn nước lạnh. Đôi tay thoăn thoắt điều khiển những chú rối nước và miệng vẫn phải hát, nói như diễn viên chèo. Phái sau màn che, người nghệ sĩ hoạt động âm thầm để những chú rối được tỏa sáng. Chính vì thế mà người nghệ sĩ rối nước được ví là người nghệ sĩ ẩn danh và khá thiệt thòi.
Múa rối nước được coi là linh hồn của đồng ruộng Việt Nam. Nhà hát múa rối Việt Nam chật kín khán giả như một tín hiệu đáng mừng cho ngành rối nước nói riêng và các bộ môn nghệ thuật truyền thống của Việt Nam nói chung.
Hồng Vân
ĐPTK35
Cùng chuyên mục
Bình luận