Người chiến sĩ Cảnh sát cơ động chung sức cùng cộng đồng phòng, chống dịch Covid-19
(Sóng trẻ) - Với tinh thần nhiệt huyết của tuổi trẻ, trên cương vị Bí thư Đoàn Thanh niên Trung đoàn Cảnh sát cơ động - Công an TP. Hà Nội, Trung uý Lê Văn Ba thấu hiểu rằng tuổi trẻ là phải xung kích, tình nguyện trong mọi hoạt động, đặc biệt là trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
Đồng sức đồng lòng
“Trong đại dịch Covid-19, chúng ta – những người trẻ nhiệt huyết, năng động, sáng tạo, có thể làm được những điều gì để chung sức cùng cộng đồng phòng chống dịch bệnh?” - đó là câu hỏi mà Trung uý Lê Văn Ba cùng những người đồng hành của mình luôn đau đáu khi làn sóng Covid-19 ập đến.
Bản thân là người hoạt động công tác Đoàn và phong trào thanh niên nhiều năm, thấm nhuần lời dạy của chủ tịch Hồ Chí Minh: “Đâu cần thanh niên có, việc gì khó có thanh niên”, đồng chí Lê Văn Ba đã khởi xướng, xây dựng kế hoạch thực hiện “Chuỗi hoạt động chung sức cùng cộng đồng phòng chống dịch Covid-19”.
Ngay từ khi Thủ đô Hà Nội bắt đầu đối diện với dịch Covid-19 vào tháng 2/2020, chính quyền TP. Hà Nội đã kêu gọi người dân chủ động đeo khẩu trang để phòng dịch. Tại thời điểm này, nhiều nhà cung cấp tạo ra nguồn khan hiếm giả đối với khẩu trang y tế nhằm tăng giá bán trên thị trường. Trước tình hình đó, Trung uý Lê Văn Ba cùng Trung đoàn Cảnh sát cơ động, Công an TP. Hà Nội đã phối hợp với một số tổ chức, kêu gọi hỗ trợ cũng như liên hệ với các đơn vị cung cấp khẩu trang y tế uy tín với giá cả phù hợp và tiến hành phát tặng cho người dân, người nhà bệnh nhân tại một số bệnh viện trên địa bàn. Đây chính là bước đầu của chuỗi hoạt động “dài hơi” nhằm chung sức cùng cộng đồng phòng chống dịch Covid-19.
Sau đó, đồng chí Lê Văn Ba cùng những cá nhân, tổ chức đồng hành đã tiếp tục triển khai những chương trình hỗ trợ phù hợp với diễn biến của dịch bệnh. Các hoạt động có thể kể đến như: Hỗ trợ trang thiết bị bảo hộ y tế như mũ chắn giọt bắn, khẩu trang y tế, nước sát khuẩn cho các chốt kiểm dịch trên địa bàn Hà Nội; Hỗ trợ, chuyển hàng tiếp sức cho tuyến đầu chống dịch và người dân tại các tâm dịch Bắc Giang, Hải Dương, Bắc Ninh…; Hỗ trợ lao động, sinh viên ngoại tỉnh tại Hà Nội gặp khó khăn do dịch Covid-19...
“Chứng kiến những khó khăn, vất vả của đồng bào do ảnh hưởng bởi đại dịch, cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương đều chung tay, chúng tôi quyết đồng lòng góp sức vào công cuộc chung, cùng cộng đồng đẩy lùi dịch bệnh”, đó là lời khẳng định của đồng chí Ba. Với tinh thần đó, anh luôn cố gắng thu xếp công việc để trực tiếp tham gia các hoạt động: từ tự tay làm những chiếc mũ chắn giọt bắn, tự tay bốc dỡ nông sản khi hỗ trợ nông dân các tỉnh tâm dịch tiêu thụ nông sản, đến trực tiếp vận chuyển quà hỗ trợ trao tận tay những cá nhân, tổ chức.
Trao yêu thương để nhận lại yêu thương
Do ảnh hưởng của dịch bệnh nên việc vận hành chuỗi hoạt động gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên điều đó cũng góp phần nâng cao tinh thần tương thân, tương ái, sẻ chia trong cộng đồng. Là một trong những người trực tiếp đứng ra kêu gọi hỗ trợ từ các tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm cho các chương trình, đồng chí Ba cho biết: “Do dịch bệnh nên điều kiện về thu nhập kinh tế của các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp cũng rất khó khăn. Tuy nhiên khi tinh thần sẻ chia, đoàn kết dâng cao trong xã hội, chúng tôi nhận được rất nhiều sự hỗ trợ, đặc biệt là từ một số doanh nghiệp chuyên về trang thiết bị y tế. Ngoài ra, vì chúng tôi công tác bên Đoàn Thanh niên nhiều năm nên chúng tôi có thể liên hệ trực tiếp với Đoàn Thanh niên của các địa phương có dịch và nhận được sự hỗ trợ tích cực từ phía các đơn vị đó trong lưu thông các vật phẩm mà chúng tôi ủng hộ”.
Tính đến 15/9/2021, trải qua 60 chương trình lớn nhỏ, “Chuỗi hoạt động chung sức cùng cộng đồng phòng chống dịch Covid-19” đã nhận được hỗ trợ lên đến 1 tỷ 300 triệu đồng bao gồm cả tiền và hiện vật (trang thiết bị y tế, nhu yếu phẩm…). Với hơn 7 năm làm công tác kêu gọi hỗ trợ, cá nhân đồng chí Lê Văn Ba và những cá nhân, tổ chức đồng hành luôn công khai tổng số tiền đã nhận được và khi trao hỗ trợ đều có biên bản với cấp chính quyền. Đây chính là một trong những yếu tố đảm bảo uy tín, tính công khai minh bạch để anh cùng những người đồng hành triển khai các chương trình trong thời gian tới.
“Một cung đường, hai điểm đến” là một trong nhiều phương án được đưa ra nhằm ứng phó với dịch Covid-19. Tuy nhiên nếu đặt vào chuỗi hoạt động trên, dưới sự liên tưởng sáng tạo, đó phải chăng là lộ trình giữa trao – nhận? Hai đầu cầu: cá nhân, tổ chức tham gia hỗ trợ và cá nhân, tổ chức nhận hỗ trợ được kết nối bởi con đường lưu thông hai chiều trao - nhận mang tên chia sẻ yêu thương. Bởi khi đó, những người trực tiếp tham gia công tác hỗ trợ như đồng chí Ba nhận được những giá trị tinh thần đáng trân quý: “Qua mỗi chương trình, chúng tôi vui bởi thấy nụ cười của những hoàn cảnh khó khăn khi nhận được những phần quà hỗ trợ; chúng tôi cảm nhận được bầu không khí tương thân, tương ái của cả cộng đồng; chúng tôi có thêm những người bạn cùng chung lý tưởng và đặc biệt tuổi trẻ chúng tôi tham gia các hoạt động chung sức cùng cộng đồng thì vừa được rèn luyện, vừa được khẳng định và lan tỏa những điều tốt đẹp”, anh Ba nói.
Quyết tâm gắn bó với hoạt động chung sức vì cộng đồng
Kể từ khi tham gia chương trình thiện nguyện đầu tiên tại xã Tiến Xuân (Thạch Thất, Hà Nội) vào năm 2014 dưới vai trò Bí thư Đoàn, trung uý Lê Văn Ba đã xác định: “Các hoạt động chung sức vì cộng đồng mang lại những giá trị rất lớn, không chỉ giá trị vật chất mà còn là những giá trị tình cảm, giáo dục, tư tưởng. Đặc biệt đối với lực lượng chính trị, vũ trang như chúng tôi thì tham gia những hoạt động đó còn góp phần lan toả hình ảnh người chiến sĩ, công an nhân dân: vì nước quên thân, vì dân phục vụ”. Bởi vậy, không chỉ xung kích trong các công tác Đoàn hay phong trào thanh niên với vai trò Bí thư Đoàn, anh Ba còn là thành viên tích cực của nhóm Cầu nối từ tâm và Quỹ Kết nối Từ Tâm nhằm chung tay kêu gọi, tổ chức các hoạt động chung sức vì cộng đồng.
Bản thân thường xuyên đi dạy kỹ năng cho các bạn học sinh cấp 1 và cấp 2 trên địa bàn Hà Nội, đồng chí Ba cùng những người bạn đồng hành dự kiến sẽ thành lập một Quỹ Giáo dục trong tương lai gần: “Chúng tôi sẽ cung cấp những sản phẩm giáo dục gồm những bộ khung kỹ năng cần thiết dựa trên yêu cầu của cuộc sống, phù hợp với nhóm tuổi này và tin rằng nó sẽ mang lại những giá trị mang tính lâu bền và hiệu quả hơn so với việc trao đi những giá trị hiện vật đơn thuần”.
Từ những nỗ lực không ngừng nghỉ cùng trái tim “rực lửa” luôn hướng về các hoạt động chung sức vì cộng đồng, trung uý Lê Văn Ba được Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động tuyên dương là gương mặt thanh niên Cảnh sát cơ động tiêu biểu năm 2019. Tháng 10/2021 vừa qua, anh vinh dự nhận Bằng khen do Ban Chấp hành Công đoàn Công an nhân dân cấp vì có thành tích xuất sắc trong công tác phòng, chống dịch Covid-19.