Người phụ nữ “tiếp sức” cho tình nguyện viên Tiếp sức mùa thi

(Sóng trẻ) - Bác Hoàng Thị Liên – tổ 2, phường Kỳ Bá, thành phố Thái Bình – mặc dù nhiều năm thuộc diện nhà nghèo nhưng bác luôn sẵn lòng cho đội sinh viên tình nguyện Tiếp sức mùa thi ở trọ miễn phí trong những ngày ra quân tiếp sức cho các thí sinh và người nhà khi kỳ thi THPT Quốc gia diễn ra.

Bà chủ trọ “giàu có”

Đã hai năm nay, kể từ khi kỳ thi THPT Quốc gia được tổ chức theo hình thức cụm thi, nhiều sinh viên tình nguyện tham gia Tiếp sức mùa thi tại Thái Bình đều được bác Hoàng Thị Liên ở Tổ 2, phường Kỳ Bá, thành phố Thái Bình tận tình hỗ trợ chỗ ở miễn phí. Trong hai năm 2015 và 2016, số lượng tình nguyện viên ở trọ nhà bác Liên lên đến khoảng 80 người.

Gia đình bác Liên thuộc diện nhà nghèo nhiều năm. Bác trai mang vết thương chiến tranh mất sớm khi đứa con trai còn nhỏ. Một mình bác Liên gồng gánh nuôi con ăn học. 

9c18dbd0d_anh_1.jpg
Bác Hoàng Thị Liên – tổ 2, phường Kỳ Bá, thành phố Thái Bình.

Anh Dũng – người con trai duy nhất của bác Liên là một chàng trai đam mê tình nguyện khi còn là sinh viên. Anh Dũng thấu hiểu những khó khăn khi làm tình nguyện, đặc biệt chỗ ăn ở, sinh hoạt của một tập thể gồm mấy chục con người luôn là vấn đề các tình nguyện viên lo lắng nhất. Chính vì vậy, anh Dũng đã nhiệt tình giúp đỡ các sinh viên tình nguyện Thái Bình ở Hà Nội khi các bạn trở về quê hương hỗ trợ cho các thí sinh. 

Mẹ anh Dũng rất hiểu và hoàn toàn ủng hộ con trai, bác đã cho các tình nguyện viên ở trọ miễn phí dù hoàn cảnh gia đình chẳng khá giả gì. Bác Liên chia sẻ: “Trước thằng Dũng cũng đi tình nguyện suốt nên bác hiểu. Chúng nó (sinh viên tình nguyện) là bạn bè của Dũng nên bác coi như con cháu trong nhà. Chúng nó đến bác vui lắm.”

Ngôi nhà ba gian nhỏ, đơn sơ, nằm cuối con hẻm sâu hun hút trên phố Đồng Lôi của hai mẹ con bác Liên đã trở thành nơi sinh hoạt, nghỉ ngơi của gần 40 tình nguyện viên trong suốt bảy ngày tiếp sức mùa thi trong năm 2016.
Người dân trong ngõ ai cũng ủng hộ việc làm của mẹ con bác Liên. Cô Tám – hàng xóm của bác Liên còn làm thơ tặng bác: “Bao năm thuộc diện nhà nghèo mà vẫn chung sức cùng đoàn áo xanh – Hai năm tài trợ nếp nhà, vườn rau tươi tốt tha hồ mà ăn.”

Người mẹ thứ hai của đội quân áo xanh

Số lượng tình nguyện viên nhiều như thế lại ăn ở chung trong một không gian nhỏ nên việc sinh hoạt gặp nhiều khó khăn. Bác Liên thương các sinh viên tình nguyện nên đã nhường chỗ ngủ của mình cho các bạn, còn bác mỗi đêm lại đi ngủ nhờ nhà bà nại đến sáng sớm trở về. 

Mặc dù bận bịu công việc ở quán hàng ăn đầu ngõ, bác vẫn tận tình chỉ bảo, giúp đỡ các tình nguyện viên làm hậu cần ở nhà trong việc đi chợ, nấu nướng. Mảnh vườn nhỏ bác trồng được ít rau bác cũng bảo thích ăn rau gì bác ra cắt cho. Các sinh viên tình nguyện ai cũng quý bác, coi bác như người thân của mình. 

Bạn Lê Thị Phương – tình nguyện viên Tiếp sức mùa thi năm 2016 ở trọ nhà bác Liên chia sẻ: “Bác rất hiền và thoải mái. Bác coi chúng mình như con cháu trong nhà rất nhiệt tình quan tâm, giúp đỡ. Trong những lúc bọn mình đi chợ, nấu cơm, bác chỉ bảo chúng mình rất nhiều từ việc đi chợ, mua đồ ăn ở đâu cho rẻ đến việc nấu món gì, nấu như thế nào.” 

9c18dbd0d_anh_3.jpg
Mảnh vườn nhỏ phía sau nhà bác Liên. Bác thường lấy rau miễn phí cho các tình nguyện viên.

Bạn Kim Anh – sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền từng ở trọ nhà bác Liên kể lại: “Năm nái, mấy ngày trời mưa to, quần áo của các tình nguyện viên thì nhiều không có chỗ phơi, dây phơi lại bị đứt, quần áo giặt rồi vì thế bẩn hết. Bác Liên cùng các bạn hậu cần giặt lại toàn bộ quần áo bị bẩn. Bác chăng thêm dây phơi, còn lo lắng nhắc nhở các bạn thu quần áo khi trời mưa.” Bác Liên ân cần, quan tâm đến đội tình nguyện chẳng khác nào người mẹ lo lắng, chăm sóc các con của mình.

Căn nhà nhỏ với mảnh vườn khiêm tốn phía sau nhà vốn chỉ có hai mẹ con bác Liên sinh sống, từ khi có thêm gần 40 tình nguyện viên lại trở nên rất đông đúc. Vì thế nhiều lúc không tránh khỏi ồn ào và gây ảnh hưởng đến hàng xóm xung quanh. Bạn Linh, sinh viên Đại học Hà Nội, kể rằng, bác chẳng trách móc gì mà rất vui vẻ và thoải mái, đôi khi chỉ nhắc nhở nhẹ nhàng. Bác Liên còn giao “quyền làm chủ” cho đội tình nguyện, tạo cảm giác thoải mái coi như đây là nhà của mình.

Những ngày cùng chung sống với nhau, dù có chật chội, bất tiện, và nhiều khó khăn nhưng cả bác Liên và các tình nguyện viên đều vui vẻ và hạnh phúc. Căn nhà nhỏ lúc nào cũng tràn ngập niềm vui và tiếng cười. Bác Liên tâm sự: “Hồi  mấy đứa về đây ở bác vui lắm. Chúng nó tuy đông nhưng ăn ở rất có quy củ, nhà cửa lúc nào cũng sạch sẽ, gọn gàng. Bác toàn ra khoe với các bác nài kia (các bác hàng xóm) là các cháu tình nguyện đứa nào cũng nan.” 

Nhớ lại thời gian ấy, bác bảo thích nhất là lúc ăn cơm với các bạn tình nguyện, có nề nếp, rất khí thế và vui vẻ. “Dũng đi học rồi đi làm xa nhà, bác thường ăn cơm một mình, có khi ngày nấu cơm một lần ăn ba bữa,” bác tâm sự, “… lúc chúng nó về bác nhớ chúng nó lắm!” 

Bác Liên còn cười tươi, bảo: “Đứa nào cũng nan, đứa nào bác cũng thích muốn nhận làm con dâu. Bác thích mấy đứa ở nhà hậu cần lắm!” 

Kỳ thi THPT Quốc gia 2017 chỉ còn chưa đầy 20 ngày nữa là diễn ra, bác Liên mong năm nay lại có đoàn tình nguyện viên về nhà bác ở.

Huyền Vũ
Báo chí Đa phương tiện K34A2

Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Tin nổi bật3 ngày trước

(Sóng trẻ) - Nhiều trường học trên cả nước đã tổ chức các hoạt động thiết thực nhằm hướng tới Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, tạo không khí thi đua phấn khởi cho học sinh, sinh viên và đội ngũ nhà giáo.

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Tin nổi bật3 ngày trước

(Sóng trẻ) - 94 năm qua, Mặt trận Thống nhất Việt Nam đã trở thành biểu tượng của sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, góp phần quan trọng trong sự nghiệp giải phóng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

Tin nổi bật4 ngày trước

(Sóng trẻ) - Ra đời vào năm 1950, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (Vietnam Union of Friendship Organizations - VUFO) đã góp phần to lớn trong việc xây dựng và phát triển mối quan hệ hữu nghị, hợp tác với các quốc gia và tổ chức quốc tế.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN