Người thương binh 15 năm "vác tù và hàng tổng"

(Sóng trẻ) - Tiếng còi, tiếng hướng dẫn mọi người tham gia giao thông trong những giờ cao điểm của một người cựu chiến binh đã trở nên quen thuộc với những người dân thị tứ Cống Rút và hàng ngàn học sinh trường Trung học Phổ thông (THPT) Đông Hưng Hà, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình trong suốt 15 năm qua. Họ trìu mến gọi ông là “cảnh sát giao thông bất đắc dĩ”.

Cơ duyên đến với nghề “vác tù và hàng tổng” 

63e5523c0_anh_1.jpg

Ông Nguyễn Đình Hòe – người “vác tù và hàng tổng”

“Cảnh sát giao thông bất đắc dĩ” đó là ông Nguyễn Đình Hòe. Ông sinh năm 1949 tại xã An Châu, huyện Đông Hưng, Thái Bình. Tôi tìm về thị tứ Cống Rút, xã Hùng Dũng, huyện Hưng Hà vào một buổi chiều hè nắng nóng. Con đường nhỏ dẫn về xã tấp nập người và các phương tiện giao thông qua lại. Tới THPT Đông Hưng Hà, thật không khó để nhận ra ông giữa dòng người đông đúc. Nước da ngăm đen, đầu đội chiếc mũ cối đã phai màu thời gian, tay đeo chiếc băng đỏ với dòng chữ: Đội tự quản. Ông vừa thổi còi, vừa nhanh nhẹn hướng dẫn mọi người qua đường. Mỗi ngày ông bắt đầu công việc của mình từ 6h30 sáng, 10h30 trưa và 4h30 chiều, bất kể nắng mưa! 

Ông Nguyễn Đình Hòe sinh ra và lớn lên ở mảnh đất An Châu nghèo khó. Mười tám tuổi nghe theo tiếng gọi của Tổ quốc, ông lên đường nhập ngũ và bị thương ở mặt trận Quảng Đức. Hòa bình lập lại, ông trở về công tác tại UBND huyện Đông Hưng. Những năm tháng ác liệt của chiến tranh đã khiến sức khỏe ông có phần giảm sút. Ông xin nghỉ công tác và chuyển về thị tứ Cống Rút nhỏ bé này để chữa bệnh. Nhà ông cách trường THPT Đông Hưng Hà khoảng 10 mét. Mỗi khi đến giờ học sinh đến lớp và tan trường, ông có mặt tại Cống Rút để điều tiết giao thông. Được hỏi về cái duyên đến với công việc “vác tù và hàng tổng” này, ông cười xòa nói: “Về địa bàn, hàng ngày thấy cảnh tượng thanh niên và học sinh đánh nhau và các vụ va chạm giao thông không ai giải quyết, rất phức tạp nên tôi đã tự nguyện đứng ra giải quyết và xin các đồng chí công an xã, phó chủ tịch xã cho đồng ý cho làm. Tôi làm vài lần đầu thấy được nên các đồng chí công an huyện hướng dẫn thêm nghiệp vụ. Tôi làm cái việc này với tinh thần hoàn toàn tự nguyện…”

Năm 1998, ông về nghỉ chế độ tại thị tứ Cống Rút này cũng là lúc tình hình an toàn giao thông, an ninh trật tự trên địa bàn xã khá phức tạp. Ông Vũ Xuân Chăm – trưởng công an xã Hùng Dũng cho biết: “Khu Cống Rút là điểm giao của nhiều xã trong huyện, là cửa ngõ vì có con đường lộ tỉnh chạy qua. Đây là một địa điểm cực kỳ phức tạp. Ở đây có trường Đông, có bưu điện, ngân hàng. Độc chỗ đấy là trọng điểm kinh tế của xã Hùng Dũng. Mỗi ngày có hàng chục nghìn lượt người qua lại”.

63e5523c0_anh_2.jpg

Đoạn đường Cống Rút đông đúc giờ cao điểm

Không chỉ vậy theo quan sát của tôi, con đường được coi là huyết mạch này khá nhỏ. Cách trường THPT Đông Hưng Hà không xa là một cái chiếc cầu nhỏ bắc qua sông chỉ đủ một xe ô tô qua, xe tải trọng lượng vừa và nhỏ qua lại khá nhiều nên không khỏi tránh được những vụ va quệt nhẹ. Là cựu chiến binh, ông Hòe trăn trở suy nghĩ phải có ai đi tiên phong trong phong trào bảo vệ trật tự cho Cống Rút, hỗ trợ các lực lượng chức năng lập lại kỷ cương. Thế là ông Hòe tự nguyện xin xã cho ông làm việc tự quản an toàn giao thông cho Cống Rút. Ban đầu một mình ông làm công việc “vác tù và hàng tổng này”. Tuy công việc có chút vất vả, một mình điều tiết đoạn đường dài 2km khá khó khăn nhưng được sự ủng hộ của gia đình, ông vẫn kiên trì và nhẫn nại với công việc không lương này.  "Cả nhà biết ông ấy đi làm. Các anh cũng động viên, cô cũng động viên, không kêu ca gì. Có hôm sắp cơm ra rồi, cả nhà ngồi vào ăn cơm rồi, ông ấy nghe thấy tiếng trống tan liền bảo: “Trống tan rồi, chạy ra giúp chúng nó tý”", Bà Tình – vợ ông Nguyễn Đình Hòe tâm sự.

Tận tâm với nghề

Lúc đầu mọi người trong khu Cống Rút còn dửng dưng, thậm chí một số người, theo ông Hòe tâm sự, còn bảo “ông rỗi hơi”, “bày việc”. Nhưng khi thấy ông Hòe điều khiển giao thông có hiệu quả, mà ông lại làm việc một cách tự nguyện, không đòi hỏi thù lao gì, ai cũng tự soi lại mình và thấy cần phải làm gì đó chung tay với ông trong hoạt động gìn giữ an ninh khu phố. Bác Lưu Văn Tịch, thôn Nhân Phú, xã Hùng Dũng cho biết: “Bác ấy không quản ngại thời gian, kể cả sáng, trưa, chiều, tối. Đặc biệt bác ấy không có đòi hỏi gì đến chế độ cả. Mình làm với trách nhiệm của mình, với lương tâm của mình”.

63e5523c0_anh_3.jpg

Ông Hòe phân luồng giao thông giờ tan học

Hàng ngày đứng điều tiết giao thông ở con đường nhỏ của quê nhà, ông chú ý quan sát từng chút một. Những đối tượng khả nghi đứng trước cổng trường, vẻ mặt hung hăng, ông để ý quan sát rồi đề nghị đối tượng di chuyển, nếu không ông sẽ thông báo cho công an xã tới làm việc. Đối với học sinh, ông nhẹ nhàng khuyên bảo các em đi đứng cẩn thận, tránh gây tắc đường. Không một câu quát mắng hay chửi bới. Có những trường hợp va chạm nhẹ, xảy ra xô xát, ông ôn tồn khuyên giải và đôi bên vui vẻ bỏ qua cho nhau. Những trường hợp nặng hơn, có người bị thương, ông nhanh nhẹn sơ cứu rồi gọi xe cứu thương. Đây là những kỹ năng ông đã được học từ những ngày còn trong quân đội.

Yên tâm vì có bác Hòe “tự quản”

Từ ngày có bác Hòe “tự quản”, các bậc phụ huynh yên tâm rất nhiều. Giờ tan học, các em học sinh thấy có bác Hòe đều cảm thấy vui vẻ, an tâm không sợ bị thanh niên quấy rối hay bị tắc đường. Những tiếng chào hỏi ông vang lên không ngớt: “cháu chào bác ạ”, “bác tự quản ạ”... Đáp lại các em là nụ cười thân thiện, là ánh mắt thân thương trìu mến. Mật độ giao thông qua Cống Rút tăng dần theo từng năm nhưng những vụ va chạm giao thông thì giảm đi đáng kể. Dường như thấu hiểu được việc làm bình dị mà ý nghĩa của ông nên mọi người đều nghiêm chỉnh chấp hành theo mọi tín hiệu, hiệu lệnh từ ông. Cống Rút đã không còn phải gồng mình gánh chịu cảnh ùn tắc mỗi giờ tan trường. Em Trần Thị Kiều- học sinh trường THPT Đông Hưng Hà cho biết: “Mỗi khi tan trường mà có bác Hòe tự quản đứng điều tiết giao thông, hướng dẫn người qua lại em thấy rất yên tâm và em khong lo tới lớp học thêm muộn nữa”. 
Bác Nguyễn Đức Nhượng - phụ huynh học sinh cũng chia sẻ: “Con em chúng tôi học ở trường này, chúng tôi rất yên tâm khi có bác Hòe và đội tự quản giúp đỡ, phân luồng giao thông, can thiệp những vụ việc các cháu xô xát trước cổng trường. Chúng tôi – những bậc phụ huynh cảm thấy rất yên tâm”.

63e5523c0_anh_4.jpg

Ông Hòe (đeo băng đỏ) và đội tự quản

Giờ thì tổ tự quản của ông Hòe đã có thêm nhiều người tham gia. Đa số là các bác cựu chiến binh và các đồng chí công an viên nghỉ hưu trong địa phương. Dưới sự chỉ huy của tổ trưởng Hòe, mỗi người phụ trách một đoạn đường khác nhau để đảm bảo giao thông đi lại thuận tiện. Các công cụ phục vụ như gậy, băng đỏ, còi, loa phát thanh đều do đội tự quản bỏ tiền túi mua sắm để hoạt động. Công việc bình dị mà ý nghĩa của ông Hòe và đội tự quản thị tứ Cống Rút được UBND huyện Hưng Hà, công an tỉnh Thái Bình chọn làm mô hình điểm để nhân rộng ra toàn tỉnh.

13205e135_anh_51.jpg

Góc phòng dày đặc bằng khen của ông Hòe

Tạm rời Cống Rút, tôi tới góc phòng nhỏ của ông. Nhìn những tấm bằng khen do các cấp, các ngành tặng được ông treo một cách cẩn thận trên tường, tôi hiểu rằng đó không phải là những gì ông làm trong ngày một ngày hai mà đó là cả cái tâm, cả tấm lòng của người lính cụ Hồ trong việc xây dựng và phát triển quê hương ngày một giàu đẹp hơn.

Nguyễn Thị Dịu

Phát thanh K31

Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
[Infographic] 2 mức quà tặng người có công dịp 27/7 của TP Hà Nội

[Infographic] 2 mức quà tặng người có công dịp 27/7 của TP Hà Nội

Tin nổi bật2 tháng trước

(Sóng trẻ) - Theo quyết định số 590/QĐ-CTN Chủ tịch nước ký ngày 25/6/2024, quà tặng cho người có công với cách mạng nhân dịp kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2024) được chia thành hai mức 600.000 đồng và 300.000 đồng.

Đoàn giảng viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền thực tế tại cơ quan báo chí, xuất bản Thanh Hoá

Đoàn giảng viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền thực tế tại cơ quan báo chí, xuất bản Thanh Hoá

Tin nổi bật4 tháng trước

(Sóng trẻ) - Hoạt động diễn ra vào ngày 6/6, nhằm tăng cường gắn kết lý luận với thực tiễn, nâng cao chất lượng đào tạo ngành báo chí - truyền thông tại các đơn vị.

Xúc động hàng nghìn người dân nối dài vào viếng Lăng Bác

Xúc động hàng nghìn người dân nối dài vào viếng Lăng Bác

Tin nổi bật5 tháng trước

(Sóng trẻ) - Sáng 19/5, tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội), đồng bào khắp mọi miền Tổ quốc đều hướng về Lăng Bác dịp kỷ niệm 134 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1980 - 19/5/2024). Trong tim mỗi người dân đều mang một cảm xúc bồi hồi khó tả.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN