Người trẻ và tình yêu đặc biệt nơi cửa Phật
(Sóng trẻ) - Chùa vốn được biết đến là điểm tụ họp tâm linh của những người theo đạo Phật. Ngày nay, nhiều bạn trẻ có xu hướng đi chùa để giải tỏa áp lực, kết nối duyên lành và kiếm tìm trải nghiệm mới dựa trên giáo lý nhà Phật.
Thay vì lựa chọn đi chơi vào thời gian rảnh rỗi, bạn Lưu Hoài (19 tuổi, Thanh Hóa) lại quyết định ghé thăm những ngôi chùa xung quanh: “Hầu như tháng nào mình cũng đến chùa, ngoài đi lễ mình còn đến chấp tác cùng các bạn”, Hoài chia sẻ.
Gạt bỏ rèm pha của những người xung quanh, Hoài cho rằng, việc đi chùa không chỉ dành cho người già đến để tu học mà điều này còn thực sự cần thiết với giới trẻ. “Xã hội đang ngày càng phát triển kéo theo nhiều tệ nạn xã hội không hay xảy ra, đặc biệt ở lứa tuổi thanh thiếu niên. Mình cảm thấy chùa thực sự cần thiết và là nơi đáng để chúng ta quay về để tâm mình được bình an, thoải mái. Về chùa, mình gặp được rất nhiều thiện nhân duyên, cho mình rất nhiều cơ hội ở cả ở tu học và ở ngoài cuộc sống”, nữ sinh tâm sự.
Cũng theo cô bạn, Đạo Phật đang ngày càng đến gần hơn với giới trẻ. Có nhiều ngôi chùa tổ chức khóa tu ngắn ngày cho học sinh, sinh viên. Cũng từ đây, các tổ chức cộng đồng, câu lạc bộ tuổi trẻ được thành lập trên nền tảng về Phật giáo. Đây là cơ hội để các bạn trẻ được gieo duyên với Phật pháp, được trở về chùa vui chơi, tu tập và nhìn lại những ngày tháng mà mỗi người đã đi qua.
Điều khiến Hoài ấn tượng khi đến với một ngôi chùa nào đó không chỉ là kiến trúc, quang cảnh, không khí thanh bình, an yên mà còn bởi các vị chư tôn đức Tăng Ni tinh tấn, tu tập. "Khi đến chùa, mình sẽ cảm nhận được năng lượng tu tập truyền cho mình nhiều cảm hứng để mình an lạc hơn", Hoài nói.
“Trước khi đến chùa, chúng ta hãy chịu khó tìm hiểu những kiến thức căn bản về Phật giáo về chùa để mình có những hành xử phù hợp. Chúng mình cũng nên xác định rằng, đi chùa mục đích chính là để cho tâm mình bình an chứ không phải để cầu tiền tài danh vọng. Hãy để cho mình một tâm thái hoan hỷ nhất khi đến chùa. Việc đi chùa là do bản thân mỗi chúng ta mong muốn chứ không phải đi theo phong trào, gây mất thiện cảm và xao nhãng những người xung quanh’’, Hoài nhắn nhủ.
Chúc Hữu Phúc (19 tuổi, Hà Nội) xuất thân trong gia đình có truyền thống theo đạo Phật tâm sự: "Cuộc sống hiện nay khá bận rộn và phức tạp. Khi đi chùa, mình sẽ cảm thấy bớt tham sân si hơn, tâm mình sẽ tĩnh hơn. Mỗi khi trong lòng cảm thấy không yên ổn, mình sẽ tìm về chùa và các sư thầy để có thể cảm thấy lòng mình nhẹ nhàng hơn."
Nói về vấn đề hiện nay có một số bạn trẻ đi chùa theo phong trào, Hữu Phúc cho rằng: "Việc các bạn đi theo phong trào cũng thể hiện một phần các bạn có quan tâm đến Phật giáo và đang góp phần củng cố cho vị thế của Phật giáo tại Việt Nam. Dù có đi chùa theo phong trào đi chăng nữa, chỉ cần các bạn giữ thái độ văn minh, lịch sự nơi cửa Phật đã là một điều đáng quý rồi".
“Kể cả bạn có theo Phật giáo hay không thì mình nghĩ tại Việt Nam, việc đi chùa cũng là một nét văn hóa rất đặc biệt. Chính vì vậy, mọi người có thể tham khảo để đi chùa. Khi đặt chân đến một ngôi chùa nào đó, các bạn nên cố gắng giữ đúng quy tắc và chuẩn mực. Nếu có thời gian, các bạn có thể tìm hiểu qua trước một số tập tục như tôn trọng các vị sư, đến chùa phải đi vào cửa nào trước, cách chắp tay, cúi lạy ra sao”, Phúc chia sẻ.
Nói về lý do thích đi chùa, Nguyễn Thị Ánh Ngọc (18 tuổi, Hải Phòng) chia sẻ: “Mỗi khi đến chùa, mình cảm nhận được sự bình yên, thanh tịnh, không có xô bồ của xã hội. Mọi người ở chùa đều đối xử với nhau chân thành. Về chùa cũng như về nhà mình vậy. Mình vừa được yêu thương lại vừa được chỉ bảo, được tu tập. Vậy nên, mình rất thích đi chùa”.
Ánh Ngọc: “Mình được chỉ dạy là mỗi lần đến chùa mà không học được điều gì đem về thì coi như lần đó mình chưa đến. Bởi vậy, mình đi chùa như đi cầu học. Mình đến chùa để được chỉ dạy về giáo lí, về cách thực hành tu tập ra sao, hoặc đơn giản hơn là đi tìm lời khuyên, lời giải đáp cho những thắc mắc, trăn trở của mình trong cuộc sống, học tập, công việc hay trong các mối quan hệ”.
Ánh Ngọc cũng dành lời khuyên cho các bạn trẻ về việc đi chùa: “Không phải cứ rảnh là về chùa mà phải đặt học tập và công việc của các bạn lên hàng đầu. Việc đi chấp táp phụng sự trợ duyên cho chùa, cho quý thầy không phải đi theo kiểu phong trào. Về chùa thấy việc thì làm, không đợi thầy hay phật tử nhắc nhở rồi mới làm trừ những công việc mà cần phải có sự chỉ đạo từ quý thầy thì một mực phải nghe theo. Về vấn đề ăn uống thì không nên đòi hỏi hay chê bai món ăn”.