Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng: “Làm điều tra về động vật hoang dã cần rất nhiều cảm xúc”
(Sóng trẻ) – Đó là chia sẻ của nhà báo Đỗ Doãn Hoàng trong buổi tập tập huấn báo chí điều tra về buôn bán động vật hoang dã diễn ra sáng ngày 13/12 tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền.
Buổi tập huấn được tổ chức bởi khoa Phát thanh – Truyền hình kết hợp với Tổ chức WCS tại Việt Nam. Chương trình nhằm tăng cường kiến thức và kĩ năng điều tra viết bài cho các nhà báo liên quan đến bảo tồn động vật hoang dã.
Tham dự chương trình có PGS. TS Nguyễn Thị Trường Giang – Trưởng khoa PT - TH, Th.S Đinh Ngọc Sơn – Phó Trưởng khoa PT – TH, bà Hoàng Bích Thủy – Giám đốc Tổ chức WCS chương trình Việt Nam, nhà báo Đỗ Doãn Hoàng – Trưởng ban điều tra báo Lao Động, 30 nhà báo thuộc các cơ quan báo chí, đông đảo giảng viên và sinh viên khoa PT – TH.
Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng có những chia sẻ về kĩ năng điều tra và viết bài về vấn đề buôn bán trái pháp luật động vật hoang dã. Theo anh, để sản xuất những tác phẩm báo chí có tác động xã hội, nhà báo cần phải có rất nhiều cảm xúc. “Đề tài dù có hay nhưng sẽ không thực sự hấp dẫn nếu nhà báo không lăn xả, không sống cùng nó”.
Những hình ảnh được anh ghi lại trong quá trình tác nghiệp tại chợ chim trời Long An tạo ra nhiều bất ngờ với người tham gia về thực trạng buôn bán động vật hoang dã hiện nay.
Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng có những chia sẻ tại buổi tập huấn
Anh chia sẻ thêm về cách thâm nhập trong quá trình điều tra tại buổi tập huấn. Đó là việc phải nắm bắt tâm lý đối tượng, vào cuộc một cách có phương pháp, vào vai một cách hoàn hảo, chuẩn bị sẵn sàng các thiết bị ghi hình. Nài ra, nhà báo cần tính đến tất cả các tình huống có thể xảy ra, nhập vai làm sao các đối tượng thuyết phục.
Nói về trách nhiệm của nhà báo đối với vấn đề bảo vệ động vật hoang dã, anh chia sẻ: “Đứng trước thực trạng công khai buôn bán động vật hoang dã, chỉ có người mù mới không nhìn thấy, người điếc không thể nghe và người câm mới không lên tiếng.”
Các học viên đã thảo luận sôi nổi về kiến thức chung, các quy định pháp luật, kĩ năng điều tra và viết bài về động vật hoang dã.
Trước đó, PGS. TS Nguyễn Thị Trường Giang có những phát biểu về buổi tập huấn: “Hai năm trở lại đây, khoa PT–TH đã kết hợp với tổ chức WCS chương trình Việt Nam tổ chức một loạt chương trình về bảo vệ động vật hoang dã. Chúng tôi hy vọng buổi tập huấn hôm nay sẽ là cơ hội để mọi người cùng nhau chia sẻ những kinh nghiệm, quan điểm, những điều mà các nhà báo, thầy cô hằng ngày tiếp xúc trong đời sống báo chí”.
PGS. TS Nguyễn Thị Trường Giang phát biểu mục đích của buổi tập huấn
Tại lớp tập huấn, bà Hoàng Bích Thủy cũng có thảo luận về những điều luật được quy định đối với các trang trại nuôi động vật hoang dã. “Thông thường bên kiểm lâm sẽ cấp phép cho các trang trại nhưng các danh sách những loài nuôi ấy người ta sẽ có những giấy phép quy định riêng về việc đưa các loại động vật tự nhiên về nuôi của các hộ gia đình”.
Bà Hoàng Bích Thủy có những chia sẻ về quy định bảo vệ động vật hoang dã
Khoa Phát thanh – Truyền hình là một trong những khoa đào tạo lớn nhất của Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Trong nhiều năm qua, khoa đã cùng phối hợp với các tổ chức để có nhiều hoạt động liên quan đến đào tạo, nghiên cứu chuyên sâu trên nhiều lĩnh vực đặc biệt là về buôn bán động vật hoang dã.
Nguyễn Hằng – Dương Lan
Cùng chuyên mục
Bình luận