Lắng nghe kinh nghiệm viết báo điều tra của các chuyên gia trong và nài nước
(Sóng trẻ) - Sáng nay, 31/3, Học viện báo chí và Tuyên truyền phối hợp với Trung tâm Sáng kiến Truyền thông và Phát triển cùng Đại sứ quán Đan Mạch, văn phòng Hội nhà báo Việt Nam tại T.P HCM tổ chức buổi hội thảo: “Kinh nghiệm Việt Nam và quốc tế về nghiệp vụ báo chí điều tra”. Sự kiện là nơi giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm làm báo điều tra của các chuyên gia, nhà báo hàng đầu trong và nài nước.
Phiên hội thảo sẽ kéo dài từ 9h-16h30 ngày 31/3 tại Hà Nội và tiếp nối vào ngày 2/4 tại thành phố Hồ Chí Minh. Đây cũng là lần đầu tiên Học viện Báo chí và tuyên truyền phối hợp với Trung tâm sáng kiến Truyền thông và phát triển tổ chức thành công buổi hội thảo quốc tế chuyên sâu về báo chí điều tra. Sự kiện thu hút hơn 100 phóng viên và các nhà quản lý báo chí trong nước tham dự.
Sự kiện có sự góp mặt: PGS.TS. Trương Ngọc Nam, Giám đốc Học viện Báo chí & Tuyên truyền; Nhà báo Trần Lệ Thùy, Giám đốc trung tâm MDI; Nhà báo Hoàng Hữu Lượng, Cục trưởng Báo chí, Bộ thông tin truyền thông; Ngài John Neilsen, Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam... cùng đông đảo sinh viên Học viện tham dự.
Các vị khách mời của buổi hội thảo
Phát biểu mở đầu hội thảo, PGS.TS. Trương Ngọc Nam, Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho biết: “Là cơ sở đào tạo báo chí lớn tại Việt Nam, Học viện Báo chí và Tuyên truyền coi xây dựng và phát triển chương trình giảng dạy là nhiệm vụ trọng tâm. Chương trình mang tính hiện đại, thiết thực và hiệu quả. Nghiệp vụ báo chí điều tra cần được giảng dạy một cách bài bản để sinh viên hành nghề phù hợp với đạo đức và pháp luật”.
Quang cảnh buổi hội thảo
Phát biểu tại hội thảo, Ngài John Neilsen, Đại sứ Đan Mạch, nhấn mạnh: “Đại sứ quán Đan Mạch tại Việt Nam rất vinh dự tài trợ hội thảo lần này. Chúng tôi đánh giá cao những tiến bộ trong nền báo chí Việt Nam những năm gần đây và tin rằng các bạn đang trên con đường xây dựng một nền báo chí tiến bộ, công bằng. Tôi cũng tin rằng, buổi hội thảo lần này sẽ là khởi đầu cho những sự hợp tác sâu hơn giữa Việt Nam và Đan Mạch trong lĩnh vực phát triển báo chí truyền thông”.
Đại sứ Đan Mạch phát biểu tại hội thảo
Nhà báo Trần Lệ Thùy, Giám đốc Trung tâm MDI khẳng định: “Một số nhà báo làm báo điều ttra tại Việt Nam đang đứng trước những khó khăn, thách thức không kém gì những nhà báo quốc tế. Họ có nguy cơ bị các thế lực xấu đe dọa tính mạng, danh dự, nhân phẩm, thậm chí có thể mắc vào vòng lao lý nếu như vô tình mắc phải các lỗi nghiệp vụ... Điều đó đặt ra cho chúng ta trách nhiệm phải cùng nhau chia sẻ những kinh nghiệm làm báo điều tra, đạo tạo nghiệp vụ làm báo điều tra một cách chuyên nghiệp để tránh những tai nạn đáng tiếc”.
Chia sẻ tại buổi hội thảo, nhà báo Đặng Anh Tuấn, phóng viên báo Tuổi trẻ nói: “Tôi đã từng mất 10 tháng để làm một phóng sự điều tra về đinh tặc. Đối với tôi, báo chí điều tra thực sự là một cái gì đó rất gian nan và đòi hỏi người làm báo phải có đủ lòng kiên trì, đam mê cùng với những bản lĩnh làm báo thực sự”.
Với sự chia sẻ của những nhà báo điều tra lão luyện như nhà báo Đặng Anh Tuấn, nhà báo Hoài Nam, phóng viên báo Thanh Niên, nhà báo Nguyễn Thu Trang, phóng viên báo Phụ nữ TP.HCM, buổi hội thảo đã vượt ra khỏi khuôn khổ những tham luận lý thuyết mà thực sự là nơi chia sẻ những kinh nghiệm thực tế về báo chí điều tra. Mảng báo chí mà theo nhà báo Trần Lệ Thùy “luôn xứng đáng là đỉnh cao của nghề báo”.
Nguyễn Thùy Trang
Báo mạng điện tử K33
Cùng chuyên mục
Bình luận