Nhà văn Quỳnh Phạm: “Tôi muốn lý giải những nhân vật lịch sử ấy, làm họ sống lại bằng ngòi bút vụng về của mình”
(Sóng trẻ) - Xuất sắc lọt vào vòng Chung khảo cuộc thi Văn học tuổi 20 lần VI, Quỳnh Phạm – một nhà văn thuộc lứa tuổi cuối 9x, đã một lần nữa chứng minh bản thân mình. Không giống như những tác giả khác chọn dòng văn học lãng mạn, Quỳnh chọn cho mình đề tài giã sử.
Văn học tuổi 20 lần VI là cuộc thi về văn học diễn ra từ tháng 12/2015 – 9/2018 và do NXB Trẻ tổ chức. Ban giám khảo của cuộc thi bao gồm: PGS.TS Nguyễn Thành Thi; nhà phê bình Nguyễn Thanh Sơn; nhà văn Nguyễn Bình Phương; nhà văn Nguyễn Ngọc Tư; nhà văn Phan Hồn Nhiên.

Tác giả Quỳnh Phạm. (Ảnh: Nguyễn Hồng)
Quỳnh là một trong 20 cái tên trên cả nước lọt vào vòng Chung khảo bằng tác phẩm “Trăng trong cõi” và đã được in sách vào tháng 8/2018. Nhân dịp này, Quỳnh Phạm trò chuyện về công việc viết lách, về cơ duyên cũng như lý do chọn dã sử, và về “văn học trẻ” hiện nay.
Phóng viên (PV): Chào Quỳnh, được biết bạn vừa xuất bản cuốn “Trăng trong cõi” và sắp tới bạn sẽ tham gia sự kiện “công bố 20 tác phẩm lọt vào Chung khảo Văn học tuổi 20 lần VI”, bạn có thể chia sẻ thêm về cuốn sách và sự kiện này?
Quỳnh Phạm: Về sự kiện Văn học tuổi 20 lần VI, tôi cho rằng đây là một sân chơi thú vị và trẻ trung, thích hợp để cho các tác giả trẻ đưa được tác phẩm của mình đến với độc giả.
Riêng về “Trăng trong cõi”, đây là cuốn tiểu thuyết lấy cảm hứng từ cuộc đời của Lê Long Đĩnh (vua Lê Ngọa Triều), Bá Đa Lộc và cuốn thiên thư được nhắc tới trong truyền thuyết Sơn Tinh - Thủy Tinh. Tôi không muốn câu chuyện của mình bị bó chặt trong một thời nên đã tìm một nhân vật làm chất dẫn, nối suốt chặng lịch sử từ thời Lê Long Đĩnh tại vị cho đến hiện tại.
PV: Quỳnh là một trong số ít những tác giả trẻ chọn cho mình dòng văn học dã sử. Bạn có thể chia sẻ lý do và cơ duyên chọn dòng văn học này được không?
Quỳnh Phạm: Cơ duyên của tôi chính là những tập sách lịch sử hiếm hoi trong nhà trường thời cấp ba, chính cuộc đời của các nhân vật trong đó là nguồn cảm hứng lớn.
Song tôi không rõ lí do mình chọn dòng văn học đề tài dã sử, có lẽ nó là món nợ mà tôi phải trả ở kiếp này.

Tác giả Quỳnh Phạm (váy đen đứng giữa) tham gia Trại sáng tác Văn học cùng những tên tuổi nổi tiếng của làng Văn học.
Song tôi không rõ lí do mình chọn dòng văn học đề tài dã sử, có lẽ nó là món nợ mà tôi phải trả ở kiếp này. Tôi muốn lí giải những nhân vật lịch sử ấy, làm họ sống lại bằng ngòi bút vụng về của mình. Từ đó “vẽ lại” những không gian, thời gian, những con người lịch sử mà vô tình lớp bụi thời gian đã làm mờ đi. Để lịch sử không bị lãng quên, bớt khô khan và trở nên gần gũi với người đọc hơn.
PV: Vậy bạn thấy hiện nay độc giả đón nhận dòng văn học này ra sao?
Quỳnh Phạm: Hiện nay, độc giả đã cởi mở hơn trong việc đón nhận các tác phẩm lấy cảm hứng lịch sử. Tuy nhiên họ cũng chia thành hai hướng, một cởi mở, hai là cố hữu bám chấp lấy tư liệu. Nhiều độc giả cho rằng tiểu thuyết dã sử sẽ làm sai lệch đi lịch sử và đều do các tác giả thỏa sức tưởng tượng ra. Nhưng điều này không đúng, để viết các tác phẩm dã sử như vậy, bản thân tôi phải tìm hiểu rất kỹ về lịch sử. Bởi tiểu thuyết dã sử trước tiên phải đúng với lịch sử đã.
PV: Trong quá trình sáng tác và hoàn thiện Tràng Giang, Huy Cận phải sửa tới bảy lần. Vậy bạn viết như thế nào? Có cần sửa đi sửa lại nhiều lần không?
Quỳnh Phạm: Quá trình sáng tác của tôi không cố định, nó phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Có những tác phẩm tôi viết nhanh, nhưng thai nghén trong thời gian nửa năm, điển hình là “Trăng trong cõi”. Tôi viết “Trăng trong cõi” trong hai tháng, khi hoàn thành cũng không phải sửa lại nhiều. Còn một dự án giã sử khác tôi đã tiến hành 5 năm, chỉnh lí khoảng 20 lần và vẫn đang hoàn thiện. Riêng về truyện ngắn thì tôi cần khoảng 2 tuần để viết và 1 đến 2 tuần để sửa.

Tiểu thuyết dã sử “Trăng trong cõi” của tác giả Quỳnh Phạm
PV: Mỗi nhà văn cần có một phong cách riêng trong văn học. Theo bạn, phong cách ấy là do bẩm sinh hay do quá trình tôi luyện?
Quỳnh Phạm: Tôi cho rằng phong cách đó hình thành do cả hai phương diện trên. Bởi tôi tin trong quá trình thai nghén, mỗi đứa trẻ đều có một phần thiên bẩm, trong đó có văn phong. Tuy nhiên môi trường bên nài sẽ ảnh hưởng đến bạn rất nhiều, bạn đọc sách gì, nghe thể loại nhạc nào, tiếp xúc với cộng đồng người ra sao, có sở thích và thói quen gì, tất thảy đều gây biến đổi và định hướng văn phong. Nên tôi luôn khuyên đàn em và học viên của mình rằng phải chọn đúng sách.
PV: Khi sáng tác bạn có cần một không gian đặc biệt nào không?
Quỳnh Phạm: Tôi có thể viết ở mọi nơi, tuy nhiên chỉ làm việc hiệu quả khi ở trong phòng riêng của mình.
PV: Bạn có nhận xét gì về "văn học trẻ" hiện nay? Cả về người viết và người đọc?
Quỳnh Phạm: Nhiều năm trước, tôi có cái nhìn khá phiến diện về văn học trẻ và độc giả trẻ, nhưng nay tôi chấp nhận được cả hai luồng văn học thị trường và (nói nôm na) văn học hàn lâm. Tác giả đi theo dòng nào sẽ có độc giả thuộc dòng đó, tôi luôn biết ơn vì mình có một lượng độc giả nhất định luôn đồng hành trong suốt con đường mà mình chọn. Tôi cảm thấy công việc của các nhà văn là viết, tác phẩm sẽ định hình độc giả, không phải độc giả định hình tác phẩm.
Về phương diện cá nhân, tôi không đánh giá cao các tác phẩm chạy theo thị trường bởi điều đó rất giống việc đẽo cày giữa đường. Độc giả thuộc mỗi lứa tuổi sẽ có một gu thưởng thức khác nhau, tôi vẫn mong mình sẽ viết ra những cuốn sách khiến người ta có thể đọc đi đọc lại nhiều lần trong nhiều thời đoạn của cuộc đời, có như vậy sách mới sống và nhà văn mới có thể sống.
Cảm ơn những chia sẻ của bạn. Chúc bạn luôn an lạc và thành công trong những dự định sắp tới!
Quỳnh Phạm tên thật là Phạm Thị Thúy Quỳnh, sinh năm 1997 tại Mường Chiềng, thuộc huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình, Việt Nam. Quỳnh đạt nhiều giải thưởng về Văn học như Giải A Cây Bút Tuổi Hồng tỉnh Hòa Bình, 2015; Giải C cho tập truyện ngắn “Nhện, Trịnh, và Thiên thu” – Giải văn học 5 năm tỉnh Hòa Bình, 2016... Sách đã xuất bản: – Nhện , Trịnh và thiên thu (Tập truyện ngắn, NXB Hội nhà văn và công ty Thiên Đức liên kết ấn hành, 2015) – Có một tuổi hai mươi khác trở về (Tập truyện ngăn in chung, NXB Văn học, 2015) – Sợi chỉ đỏ kết nối (Tập truyện ngắn, NXB Hội nhà văn và công ty Thiên Đức liên kết ấn hành, 2016) – Phố chất đầy năm tháng (Tập tản văn in chung do Báo Hà Nội Mới ấn hành, 2017) – Trăng trong cõi (Tiểu thuyết dã sử do NXB Trẻ ấn hành, 2018) Nài ra còn có các truyện ngắn, tản văn, bút ký đăng trên những báo, tạp chí như Văn Nghệ, Văn nghệ Công an, Lao động Cuối tuần, Hà Nội mới, Gia Lai cuối tuần, Sông Hương, Văn nghệ Hòa Bình, ChưYangShin,… |
Nguyễn Hồng
Báo mạng điện tử K36A2
Cùng chuyên mục
Bình luận