Nhọc nhằn nghề lao công - Kì 2: Tâm sự của người dọn rác
(Sóng trẻ) - Dù là ngày thường hay ngày lễ, Tết những người lao công vẫn miệt mài “làm đẹp” đường phố cùng chiếc chổi và chiếc xe đẩy quen thuộc. Nhưng họ vẫn hạnh phúc vì có thể kiếm thêm thu nhập, phục vụ cuộc sống gia đình; vẫn vui vì có nhiều người hiểu và đồng cảm với công việc nhọc nhằn, hôi bẩn.
Không có ngày lễ, Tết
Chính vì đặc thù công việc mà chị Trinh ít có thời gian chăm sóc gia đình, chị tâm sự: “Mới đầu đi làm, các con cứ phụng phịu, vì tôi không có thời gian đưa chúng đi chơi. Nhiều lúc thấy chạnh lòng, nghĩ thương 2 đứa con, nhưng công việc mà biết phải làm sao. Nhiều hôm đi làm, cả ngày chẳng được nói chuyện, chơi cùng con. Vì lúc đi thì thì các con chưa đi học về, còn lúc mình về các con đã đi ngủ”.
Và những ngày lễ, ngày Tết, khi mọi gia đình nhộn nhịp chuẩn bị sắm sửa, lên kế hoạch du lịch cùng gia đình, thì những công nhân vệ sinh vẫn miệt mài quét dọn để phố phường luôn sạch sẽ. Thậm chí có những đêm 30 Tết, họ đón giao thừa ngoài đường, bên cạnh người bạn là chiếc xe chở rác.
"Bao nhiêu năm trong nghề là chừng ấy năm không được đón giao thừa cùng gia đình. Những ngày cuối năm, nhìn những gia đình ấm cúng quây quần bên nhau, cùng nhau chuẩn bị đón năm mới, nhiều lúc cũng buồn, thấy tội cho chồng và cho con, bởi không giao thừa nào có mặt ở nhà", chị Trinh bùi ngùi tâm sự.
Càng vào những dịp lễ, Tết, thì công việc của những người công nhân vệ sinh môi trường lại càng thêm bề bộn, vất vả. Họ vẫn phải miệt mài trên từng góc phố mà không được nghỉ ngơi, vui chơi. "Mỗi nghề đều có những vất vả riêng. Làm công nhân quét và gom rác như chúng tôi, ngày bình thường thì hầu như đã không có ngày nghỉ rồi, chứ đừng nói chuyện ngày lễ, Tết; chỉ cần nghỉ một buổi, rác sẽ tràn ngập đường phố”, anh Nguyên cho hay.
Dù công việc dọn rác vào ngày lễ, Tết vất vả và mệt mỏi hơn thường ngày rất nhiều, nhưng đối với họ, vất vả thêm nhưng có thêm 1 chút tiền lương cũng là một niềm hạnh phúc. “Làm tăng ca, thêm giờ ngày lễ, Tết, chúng tôi được công ty thưởng thêm. Nghề này vốn dĩ vất vả và lương thấp nên ngay từ lúc bắt đầu, chúng tôi cũng không trông đợi nhiều. Chỉ mong công việc, thu nhập ổn định để lo cho cuộc sống gia đình một cách chu tất nhất” - bà Trịnh Thị Lan (sinh năm 1965, Hà Nội), lao công trên đường Lê Duẩn cho hay.
Giữa cuộc sống tấp nập, hổi hả, bất kể là đêm hay ngày, lúc mưa gió hay khi trời đổ nắng chang chang, là sự bụi bặm của đường phố hay sự im lặng đáng sợ về đêm, khi mọi người chìm sâu trong giấc ngủ, thì ở đâu đó, trên các nẻo đường, những người công nhân vệ sinh môi trường vẫn lặng lẽ kéo xe dọn rác tản đi khắp nơi. Họ âm thầm dọn sạch đường phố, tỉ mẩn nhặt từng túi rác dính bết trên vỉa hè, lòng đường, để khi bình minh lên là những góc phố tinh tươm, sạch sẽ.
Tâm sự đằng sau công việc lặng lẽ
Điều mà những công nhân vệ sinh môi trường băn khoăn, là không phải lúc nào, ở đâu, người dân cũng có ý thức bảo vệ môi trường chung, không vứt rác bừa bãi xuống lòng đường, hè phố. Nếu trong cuộc sống hàng ngày, mọi người đều tự giác giữ gìn môi trường sạch, đẹp thì sẽ góp phần giảm đi bao nhiêu nhọc nhằn, vất vả cho những công nhân, cho họ được thêm chút thời gian nghỉ ngơi trong công việc không kém phần độc hại này.
Không chỉ chị Trinh, anh Nguyên mà tất cả công nhân vệ sinh môi trường đều chung tâm sự, tiền bạc ai cũng quý, và đã là người lao động thì ai cũng muốn thu nhập cao, muốn chọn một công việc tốt, nhàn hạ, nhưng phải tùy vào điều kiện, sức khỏe và hoàn cảnh gia đình. Song, điều mà những công nhân vệ sinh môi trường luôn trăn trở, muốn được gửi gắm đến mọi người là: người dân cần ý thức hơn trong việc thu gom rác thải và sự tôn trọng của họ đối với những người làm nghề “quét rác” như các anh, chị.
Trong 23 năm gắn bó với nghề lao công, chị Đỗ Thị Hoa (sinh năm 1967) chia sẻ: “Quả thật, nhiều lúc tôi cũng thấy khó hiểu vì hành vi của một số người dân. Mặc dù xe thu gom rác ngay trước mặt, họ vẫn cứ vô tư ném rác xuống mặt đường. Khi nhắc thì họ to tiếng, nói rằng mình đã đóng tiền thì đổ rác ở đâu chẳng được; còn dọn rác là công việc của lao công; “có đổ rác ra thì các bà mới có việc mà làm”; đã lĩnh lương rồi thì phải làm…”.
Chuyện nghề lao công quét dọn rác bị một số người dân nói bóng gió đại loại như "không thể kiếm đâu ra việc làm mới phải đi thu gom rác" không phải là hãn hữu. Song, vẫn còn có nhiều những người dân hiểu, thông cảm và ủng hộ. “Rất nhiều người, tiện thể đã giúp bỏ rác vào xe gọn gàng. Thậm chí họ còn phân loại rác cẩn thận, để đưa cho mình những đồ có thể bán như vỏ chai, bìa… Họ không ngại nói lời “cảm ơn” vì chúng tôi đã giúp họ dọn rác”. Có lẽ, những hành động nhỏ ấy đã tiếp thêm sức mạnh, thôi thúc những người lao công cố gắng hơn để hoàn thành tốt công việc khó nhọc này.
Hết.