Chuyện “thằng gù” trong ngành Y

(Sóng trẻ) - Xã hội ta từ lâu đã xuất hiện câu nói: “Trong thế giới của những thằng gù, thằng nào đi thẳng là những thằng ngu”. Vậy người thẳng lưng nên làm gì trong thế giới người gù? Có ý kiến được đưa ra như sau: Thứ nhất là người thẳng lưng có thể học cách mà uốn lưng cho thấp để dần trở thành một thằng gù đích thực. Hoặc người thẳng lưng có thể rèn cho mình tự tin mà tiếp tục đứng thẳng trong thế giới của những thằng gù, dù bị cho là một thằng ngu. Đây có lẽ là cách làm tốt hơn mà người thẳng lưng nên làm, nhưng muốn làm được thì phải chấp nhận những yếu tố khó lường xung quanh.

Xã hội của ta là xã hội của những người thẳng lưng, thế nhưng trong từng ngành nghề, từng nhánh của cuộc sống lại không thiếu những thằng gù. Đơn cử ở đây, trong cuộc sống hiện đại là vấn đề của ngành y.

Ở nài đời thực, trong thế giới của những y bác sĩ, liệu có phải những y bác sĩ cần đi khám bệnh là những người kỳ lạ không? Hiển nhiên điều này chẳng có gì kỳ lạ, bởi chẳng bác sĩ nào có thể tự khám cho chính mình được, họ phải tìm đến những y bác sĩ khác mà khám bệnh. Nhưng liệu có bác sĩ nào có thể chữa cho cái tâm của ngành y vẹn tròn được không? Thế giới của ngành y liệu có phải thế giới của những thằng gù không? Câu trả lời là không, họ là những người thẳng lưng, có kiến thức, có chuyên môn nhưng tiếc thay trong đó lại có một số “thằng gù”, đó là những người không giữ nổi y đức của mình.

Đối với những vấn đề mà xã hội đang lên án như vụ 3 trẻ chết sau tiêm phòng ở Quảng Trị, vụ điều dưỡng làm ngã 5 trẻ sơ sinh, vụ sản phụ chết bất thường tại Thanh Hóa hay gần đây là vụ bác sĩ thẩm mỹ viện ném xác bệnh nhân… Chẳng phải ngành y đã lên tiếng giải thích rồi sao? Đó là do sai sót chuyên môn, bất khả kháng, là do tâm lý của các y bác sĩ bất ổn, hoang mang. Vậy lý do gì mà xã hội lại lên án họ? Xin hỏi những vị lãnh đạo của ngành y, các vị sẽ phân bua gì trong vụ việc “ăn bớt vắc – xin”? các vị sẽ giải thích sao trước vụ “nhân bản” kết quả xét nghiệm? Liệu đây còn là do sai sót chuyên môn hay do tâm trạng của y bác sĩ không ổn định nữa hay không? Những vụ việc trên đã cho thấy, y đức đang xuống cấp trầm trọng, ở mức bị rẻ rúng chứ không phải chỉ là sự vô trách nhiệm vốn đã không hiếm trong xã hội nữa. Có thể thấy, ngành y đang bị nói tới như một thế giới của những thằng gù, cái “gù” về nhân cách, phẩm chất, ngắn gọn là “gù” về cái tâm.

Trong ngành y hoặc bất kỳ ngành nào, không thể vơ đũa cả nắm mà nói rằng tất cả bác sĩ đều mang cái tâm không “lành lặn”, ngành y vẫn còn những y bác sĩ hết sức tận tụy, chăm lo cho bệnh nhân đến từng bữa ăn, giấc ngủ. Họ là những người không chỉ có tài mà còn có cái tâm khỏe mạnh, sống cùng từng hơi thở của bệnh nhân. Tuy nhiên, những vụ việc nổi cộm trong thời gian gần đây đã khiến người dân mất niềm tin vào ngành y.

Nói thêm một điều, các trường ĐH Y, Dược trên toàn quốc luôn luôn là những trường dẫn đầu về điểm đầu vào. Thí sinh 27 điểm 3 môn còn không biết liệu mình có đỗ hay không? Điều này cho thấy rằng, ngành y đã chắt lọc những người xuất sắc nhất, có đủ kiến thức trở thành y bác sĩ để cứu người.

Trong lễ tốt nghiệp ra trường hành nghề, tất cả các sinh viên trường Y, Dược đều phải tuyên thệ, nguyện làm theo Lời thề Đạo đức y khoa (lời thề Hippocrates) với nội dung: Người thầy thuốc phải biết hy sinh bản thân, đặt quyền lợi của người bệnh lên trên quyền lợi của mình, hiểu được nỗi đau của người bệnh, đồng cảm với họ, xem họ như người thân của mình; không được làm điều dối trá, gian lận, đi ngược lại quyền và lợi ích của người bệnh,….nói cách khác, chính họ - những y bác sĩ tương lai đều tự hiểu rằng “lương y như từ mẫu”.

Thế nhưng, những vụ việc gần đây cho thấy, không ít những y bác sĩ đã phản bội lại lời thề Hippocrates. Dùng lý do gì để lý giải cho việc những người có kiến thức, có tài, được đào tạo bài bản, khắt khe, được thực hành, quan sát kỹ lưỡng từ thực tế, được học tập trong môi trường tốt hơn rất nhiều so với những ngành khác và từng tuyên thệ làm theo lời thề cao đẹp, thiêng liêng lại có thể hành xử gây ra những việc đau đớn cho người bệnh, cho gia đình họ, gây bức xúc, nhức nhối cho toàn xã hội?

Nhiều ý kiến cho rằng, đã đến lúc Bộ y tế cần nghiêm túc nhìn lại những vụ việc đau lòng liên tiếp diễn ra trong ngành mình để thẳng thắn nhìn lại những vấn đề tiêu cực trong thời gian qua? Hãy nhìn vào một thực tế đang xảy ra, khi 3 trẻ đã tử vong sau khi tiêm vắc xin rồi mới chấn chỉnh lại quy trình tiêm chủng, thanh tra các trung tâm, cơ sở y tế;  khi bác sĩ không có chuyên môn phẫu thuật thẩm mĩ làm chết bệnh nhân rồi phi tang xác xuống sông, sau đó Bộ mới cho kiểm tra giấy phép hành nghề của các thẩm mỹ viện, chẳng phải Bộ y tế “mất bò mới lo làm chuồng” sao? Bây giờ không phải “đã đến lúc” mà sự thật là “đã muộn” để ngành y tế nhận ra sự “lồi lõm”, không lành lặn trong cái tâm của một bộ phận không nhỏ các y, bác sĩ. Nhưng muộn còn hơn không, điều cần làm bây giờ là Bộ Y tế, toàn bộ ngành Y phải cố gắng chịu áp lực mà dũng cảm đối mặt với thực tế, dù phũ phàng, ngành Y mới có thể tự “kê được đơn thuốc” hiệu quả để chữa trị căn bệnh trầm kha trong chính cơ thể mình.

Xã hội nói chung và ngành y nói riêng đều không thiếu những y bác sĩ luôn đứng thẳng lưng, vậy thì lý do gì mà bộ phận y bác sĩ kia không đứng thẳng lưng lên để hòa đồng với tập thể, để xứng đáng hơn, để nâng tầm vóc của mình lên trong xã hội? Đồng thời, họ cần phải biết rằng: “Trong thế giới của những người luôn đứng thẳng lưng, thì những thằng gù là những thằng ngu”. “Gù” về hình thức nhưng “thẳng” về phẩm chất thì lúc nào cũng được xã hội tôn trọng. Nhưng dù có thẳng lưng đến bao nhiêu mà “gù” về phẩm chất thì mãi mãi là “thằng gù ngu”. Ngành y, các y bác sĩ hãy tự đặt mình vào vị trí của người bệnh, của gia đình họ mà đánh giá, suy xét lại những hành động của mình. Đừng để người dân, đặc biệt là người bệnh, mất lòng tin và chịu hậu quả thêm từ những tiêu cực sinh ra bởi cái tâm không tròn vẹn của mình.

Phạm Nga – Phương Phương
Phát thanh k32

Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Tin nổi bật4 ngày trước

(Sóng trẻ) - Nhiều trường học trên cả nước đã tổ chức các hoạt động thiết thực nhằm hướng tới Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, tạo không khí thi đua phấn khởi cho học sinh, sinh viên và đội ngũ nhà giáo.

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Tin nổi bật4 ngày trước

(Sóng trẻ) - 94 năm qua, Mặt trận Thống nhất Việt Nam đã trở thành biểu tượng của sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, góp phần quan trọng trong sự nghiệp giải phóng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

Tin nổi bật4 ngày trước

(Sóng trẻ) - Ra đời vào năm 1950, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (Vietnam Union of Friendship Organizations - VUFO) đã góp phần to lớn trong việc xây dựng và phát triển mối quan hệ hữu nghị, hợp tác với các quốc gia và tổ chức quốc tế.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN