Những người giữ “hồn” cho quan họ cổ

(Sóng trẻ) - Đều ở độ tuổi “gần đất, xa trời”, đôi chân đi đã chậm, bàn tay đã nhăn nheo điểm chấm đồi mồi theo sương gió của thời gian nhưng các cụ vẫn còn minh mẫn, giọng nói hào sảng và say sưa hát những làn điệu quan họ cổ. Làn điệu Đầu canh ô quan họ với giọng la rằng, tình tang, hừ la…gợi  trong ta một nét đẹp mộc mạc, giản dị mà tinh tế, một nét rất riêng, rất Kinh Bắc.

Theo con đường nhỏ, nằn nèo ven đê sông Cầu, tôi tìm đến làng Diềm (Viêm Xá, Hòa Long, Yên Phong) - một trong 49 làng quan họ cổ của Bắc Ninh. Ở làng Diềm hầu như ai cũng biết hát quan họ, kể từ những đứa trẻ khoảng 7 – 8 tuổi đã ê a hát những điệu hát đối, điệu ra. Tuy nhiên, những người còn biết hát những làn điệu qua họ cổ không nhiều, chỉ còn lại những nghệ nhân thực sự yêu quan họ và trong lời hát vẫn còn đó cái thần, cái hồn cốt của quan họ cổ.

Cô du kích mê quan họ

Sinh ra và lớn lên trên vùng đất Kinh Bắc, được tiếp xúc với những làn điệu dân ca quan họ nên chất quan họ đã ngấm vào da thịt nghệ nhân Nguyễn Thị Bàn. Ở cái tuổi 82 nhưng tóc cụ vẫn dài, mượt và hàm răng đen nhánh hạt la toát lên nét duyên dáng của con gái quan họ.

Miệng bỏm bẻm nhai trầu, tay thoăn thoắt têm những miếng trầu cánh phượng,cụ vui vẻ kể về cuộc đời và những làn điệu quan họ. Sinh ra trong gia đình có bà nại là “nhà chứa” (là nơi các liền anh, liền chị đến tập luyện) nên cụ Bàn được tiếp xúc với quan họ từ bé.  Năm 7 tuổi, cụ đã được bà nại truyền dạy và học được gần 100 câu hát quan họ. “Vì tôi cũng khá sáng dạ nên nhanh thuộc. Có những hôm vừa nấu cơm vừa hát. Mà ngày xưa làm gì có điện như bây giờ, học hát đều học vào buổi đêm, có trăng, có gió” – Bà Bàn nhớ lại.

00aa876a3_cu_ban.jpg

Nghệ nhân Nguyễn Thị Bàn

Đến năm 11 tuổi, khi đã hát được nhiều điệu quan họ cổ, cụ được làm “em bé” của hội hát trong làng lúc bấy giờ. Như người mới vào nghề, cụ được các chị dạy về cách ăn nói sao cho có duyên, cách đi đứng lịch sự, khuôn phép…Kháng chiến bùng nổ (1945), khi đó mới 15 tuổi, bà xung phong đi du kích và hoạt động văn nghệ tại quê nhà. Vừa tham gia chiến đấu, bà vừa tham gia vào những buổi văn nghệ phục vụ cho các đơn vị đóng trên địa bàn. Trong những ngày tháng loạn lạc ấy, nhiều người bỏ hát quan họ để chiến đấu. Tại quê nhà, cụ cùng một số người lập nên nhóm hát quan họ mà cụ làm chị cả để dạy cho những người sau. Đã nhiều lần đi du kích và bị bắt nhốt trong đền Chúa Bà – đến thờ thủy tổ của hát quan họ bây giờ nhưng cụ không hề sợ hãi. “Bị nhốt trong đền ấy mấy đêm nhưng mà mình cũng không sợ, những lúc sợ thì lại hát vài điệu là hết ngay” – Cụ xúc động nhớ lại những ngày thàng đau thương đó.

00aa876a3_chung_nhan.jpg

Giấy chứng nhận nghệ nhân của cụ Bàn

Đến khi miền Bắc giải phóng, mọi người tập trung vào HTX để làm ăn kinh tế, hát quan họ bị mai một dần. Nhưng với cụ Bàn, quan họ đã ngấm vào máu thịt nên vừa chạy chợ nuôi con vừa tham gia hội phụ nữa của làng để duy trì hội hát quan họ. May mắn cho cụ Bàn, chồng cụ là người tâm lí, rất hiểu và thông cảm nên ủng hộ cụ tham gia công tác xã hội. Đã có lần, vì mải hát quan họ mà cụ “quên”cả con. Nhắc lại kỉ niệm xưa, cụ cười hề hà, đôi mắt mờ đục ánh lên. Ngày đấy, khi bác Hùng (con trai lớn của bà) mới được gần một tuổi. Đang cho con ngủ thì có người báo là có hội quan họ bên Châm Khê sang giao lưu, hát quan họ. Nhận được tin, cụ vội vàng đặt con ngủ, thay quần áo rồi ra đình làng để hát. Hôm đó buổi diễn văn nghệ diễn ra từ chiều đến tối. Vì mải hát nên cũng quên khấy đi mất là có con nhỏ ờ nhà. Đến chiều tối về nhà, cụ hốt hoảng không thấy con đâu. “Lúc đó, vừa vội vàng đi tìm con quanh nhà, vừa hối hận, tự trách mình vì hát quan họ mà quên cả con” – Cụ kể lại. Cuối cùng, bà mới phát hiện ra, do con ngủ say nên ngã xuống gầm giường từ lúc nào không hay.

Quan họ là một phần không thể thiếu trong cuộc sống của bà. Cụ đem quan họ ra chợ lúc vẫn còn buôn bán, cụ mang quan họ vào bếp qua những bữa cơm chiều. Ru con, cụ cũng ra bằng những câu đối - câu ra, thành thử những người con của cụ đều biết hát quan họ cả. Nhưng chỉ có cô cháu nội của bà là hát hay và hát được những điệu quan họ cổ. 

Tuổi hát bằng tuổi đời

Tìm đến nhà cụ Ngô Thị Lịch, 86 tuổi - chị dâu của cụ Bàn và là người hát đôi với bà Bàn trong ngày nắng nhạt cuối đông, cơn gió nhẹ thoáng qua con ngõ nhỏ khiến tôi thấy bồi hồi .Trong căn nhà ba gian cổ, còn nguyên những nét kiến trúc thời xưa: ngói ta, cột kèo bằng gỗ… cụ Lịch niềm nở đón khách. Mái tóc bạc trắng, khuôn mặt hiền hậu, cụ nói về quan họ một cách say sưa. Cũng sống trong cái nôi quan họ từ bé vì cha, mẹ của bà đều là người chơi quan họ. Trong những năm 30 của thế kỉ trước, vì gia đình có điều kiện nên cụ được cha mẹ cho học nhiều loại hình nghệ thuật: hát quan họ, hát tuồng, múa... “Vì cái chất quan họ nó ngấm sẵn từ trọng bụng mẹ, nên dù học nhiều như vậy, cuối cũng bà lại mê quan họ nhất” – cụ Lịch tâm sự. Ngay từ khi 10 tuổi, cụ được cha truyền dạy cho 36 câu gọi ra và đối lại của quan họ. Đó là những câu cơ bản của quan họ cổ mà không phải ai cũng dễ dàng học được. Được cha rèn rũa về cách hát, về nhịp phách, còn mẹ giáo dục cho cách ứng xử khéo léo, tinh tế…nên “ năm 18 tuổi, cụ đã được mặc nữ trang, áo yếm, khăn đào theo các chị ra sân đình hát” – Cụ Lịch cho biết
.
00aa876a3_cu_lich.jpg

Cụ Lịch kể về cuộc đời hát quan họ

Người xưa có câu “hồng nhan bạc mệnh” , xinh đẹp và tài năng nhưng cụ Lịch lại lần đận trong chuyện tình duyên. Vì chiền tranh khốc liệt đã khiến cụ trở thành thiếu phụ khi tuổi đời mới đôi mươi, cái tuổi đẹp nhất của đời người. Cụ đi bước nữa, làm lẽ người trong làng. Trong những năm kháng chiến chống Pháp, cụ đã từng bỏ quan họ vì cuộc sống khó khăn nên bà phải chạy chợ nuôi mấy người con để ông yên tâm chiến đấu. “Những ngày chống Pháp, biết là hát quan họ không đủ nuôi mấy miệng ăn trong nhà, lại thiếu cơm thiếu gạo nên đành phải theo các chị sang bên kia sông buôn hàng xén kiếm mấy đồng đong gạo” – Cụ Lịch ngậm ngùi kể. 

Mặc dù không được chồng ủng hộ vì ông vốn là người không thích quan họ nhưng cụ vẫn tích cực tham gia các hoạt động văn nghệ tại địa phương và dạy hát cho sinh viên của trường Trung cấp Nghệ thuật Bắc Ninh. Cụ đem tình yêu quan họ vào những câu hát ru con, vì vậy những người con của cụ đều biết hát những câu, những giọng của quan họ cổ. Một trong những người con của cụ, hiện nay cũng tham gia hát hội hát quan họ của tỉnh Bắc Ninh. Là người gắn bó với những làn điệu quan họ cổ từ bé, nên với cụ Lịch, “quan họ cổ cũng có cái hồn cốt của nó. Đó là lời tâm tình kín đáo, duyên dáng của các liền anh, liền chị. Nếu ai không hiểu thì chỉ hát được phần lời còn phần hồn thì không có được” – Cụ Lịch cho biết thêm.

Còn đâu cái “hồn” quan họ cổ 

Hiện nay, ở vùng Kinh Bắc (gồm cả Bắc Ninh, Bắc Giang) có 49 làng quan họ truyền thống, số người được công nhận là nghệ nhân còn lại rất ít. Ở làng Diềm, nơi được coi là thủy tổ của hát quan họ chỉ còn lạ 5 nghệ nhân biết hát những điệu quan họ cổ. Cô Hạ, người dân làng Diềm cho biết: “ Giờ ở làng chỉ còn 5 cụ: Cụ Bàn, cụ Nhi, cụ Lịch, cụ Trạch, cụ Phụng là biết hát quan họ cổ. Chứ như chúng tôi thì chịu, chỉ văn nghệ vài điệu thôi chứ không dẻo như các cụ được”.

Hát quan họ không chỉ cần thuộc lời, thuộc nhạc là có thể hát được mà cái quan trọng nhất là tâm hồn của người hát gửi gắm vào đó. “Không phải ai cũng hát được những điệu quan họ cổ vì có thể họ thuộc lời nhưng giọng điệu và cái hồn của họ không ăn nhập thì cũng không gọi là hát quan họ được. Với lại, những người hát quan họ phải tròn vành rõ chữ, giọng không bị sượng, bị khê thì mới được” – Cụ Nhi, 93 tuổi, một trong năm nghệ nhân tâm sự.

de65ef374_27_9_49_14_564.jpg

Quan họ cổ đang mai một

Để bảo tồn những làn điệu quan họ, chính quyền tình Bắc Ninh phối hợp với trường Trung cấp nghệ thuật Bắc Ninh, đưa các nghệ nhân truyền dạy cho sinh viên từ năm 1991. Đã qua nhiều thế hệ học sinh nhưng với cụ Bàn thì “Thế hệ của Thúy Hường, Thúy Cải còn học được cái cốt, cái hồn của quan họ. Còn  sinh viên bây giờ hầu như chỉ học lời và học những câu đối – câu ra cơ bản nhất thôi. Mà học sinh bây giờ mất trật tự nhiều lắm, số người thực sực có tâm muốn theo quan họ không nhiều”. Vậy mới nói, cái hồn cốt của quan họ cổ “nay chỉ còn vang bóng”.

Rời làng Diềm khi chiều tàn, không khí lễ hội đang chảy tràn trong từng con ngõ nhỏ. Trong đầu tôi vẫn còn đó điệu canh đầu ô còn vang vọng, vương vấn:
“Mong người như cá mong mưa
Mong người như bữa cơm trưa đói lòng
Mong người đã mấy tháng ròng
Hôm nay người lại có lòng tới chơi…”

Lưu Nhạn
Lớp Báo mạng điện tử K30

Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
Bế mạc Hội báo toàn quốc năm 2024: Học viện Báo chí và Tuyên truyền đạt giải B Gian hàng trưng bày xuất sắc

Bế mạc Hội báo toàn quốc năm 2024: Học viện Báo chí và Tuyên truyền đạt giải B Gian hàng trưng bày xuất sắc

Tin nổi bật1 tháng trước

(Sóng trẻ) - Sáng 17/3/2024, tại TP Hồ Chí Minh, Hội Báo toàn quốc 2024 với chủ đề “Báo chí Việt Nam - Tiên phong, Đổi mới vì sự nghiệp cách mạng của Đảng và Nhân dân” đã bế mạc trọng thể.

Thời tiết Noel 2023: Miền Bắc chìm trong rét đậm, Trung và Nam Bộ khả năng có mưa lớn

Thời tiết Noel 2023: Miền Bắc chìm trong rét đậm, Trung và Nam Bộ khả năng có mưa lớn

Tin nổi bật4 tháng trước

(Sóng trẻ) - Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia dự báo thời tiết trong 10 ngày tới, từ đêm nay 17/12 đến ngày 27/12, cho các khu vực trên cả nước.

Chấp nhận ngủ lề đường "chờ mua iPhone 15"

Chấp nhận ngủ lề đường "chờ mua iPhone 15"

Tin nổi bật7 tháng trước

(Sóng trẻ) - Như thường lệ, thời điểm tháng 9 sẽ là lúc Apple - một tập đoàn công nghệ về ngành công nghệ thông tin lớn bậc nhất thế giới cho “trình làng” các sản phẩm mới nhất. Vào ngày 13/9, Apple đã cho ra mắt iPhone 15.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN