Niềm tự hào với 'bảo tàng' 500 nhạc cụ dân tộc truyền thống
(Sóng trẻ) - Tại thôn Đông Lao, cách trung tâm Hà Nội hơn 15km, là một “bảo tàng” nhạc cụ dân tộc vô cùng đặc biệt. Nơi đây, những âm thanh trầm bổng của các loại nhạc cụ hòa quyện vào nhau, tạo nên một không gian nghệ thuật độc đáo.
Anh Trần Đức Thành (43 tuổi, thôn Đông Lao, xã Đông La, huyện Hoài Đức, TP. Hà Nội) hay còn được biết với cái tên thân thuộc là Tiến Đông Lao. Người đàn ông này đã dành cả thanh xuân để sưu tầm và xem nhạc cụ như báu vật. Theo lời của nhà báo Mai Văn Lạng - Trưởng phòng Dân ca, Đài Tiếng nói Việt Nam chia sẻ với PV: “Tới nhà tham quan mới thấy được hết cái hay của Tiến”. Cái "hay" mà soạn giả Mai Văn Lạng nói là sự quý trọng và nể phục dành cho anh Tiến Đông Lao, bởi tình yêu cháy bỏng của một người bình thường, giản dị đối với nghệ thuật truyền thống nói chung và nhạc cụ dân tộc nói riêng.
Bảo tàng nhạc cụ truyền thống
Đặt chân vào ngôi nhà ba tầng như một bảo tàng “thu nhỏ” với 500 loại nhạc cụ sống động. Tại đây đã lưu giữ những tinh hoa của nền âm nhạc truyền thống. Qua hơn 30 năm mày mò sưu tầm, bộ sưu tập nhạc cụ dân gian của anh Tiến Đông Lao đã lên tới con số 500 từ bao giờ. Hành trình sưu tầm của cậu bé 12 tuổi bắt đầu từ những nét vẽ tay đơn giản trên bìa carton. Đến nay, bộ sưu tập ấy đã được trưng bày bằng hiện vật và hiện hữu khắp ngôi nhà rộng chừng 60m2 của anh.
Ngôi nhà hiện đại ấy có đủ loại nhạc cụ từ trống, kèn, đàn, sáo, nhị... chen chúc nhau trên mọi bức tường, từ phòng khách, cầu thang cho đến cả phòng ngủ. Anh chia sẻ: “Nhiều lúc đi làm về mệt mỏi mà nhìn thấy nhạc cụ của mình ở nhà cũng thấy thoải mái hơn nhiều. Về vấn đề kinh tế thì nó cũng không mang lại lợi ích gì nhưng chủ yếu quan trọng ở sức mạnh tinh thần…”
Với sự cẩn trọng tuyệt đối, anh Tiến đã sắp xếp các nhạc cụ một cách tỉ mỉ, phân loại chúng theo từng loại hình nghệ thuật và vùng miền. Các bức tường vực cầu thang từ tầng một đến tầng ba như có linh hồn của các loại hình nghệ thuật Ca trù, Xẩm và Tuồng, Chầu văn tới Nhã nhạc cung đình Huế. Bên cạnh đó, còn có một số loại nhạc cụ của các dân tộc thiểu số vùng Tây Bắc, Tây Nguyên hay cả những nhạc cụ rất đặc trưng, lạ tai của người Khơ-me như Rô-Niết-ek, Rô-Niết-thung,...
Hơn thế nữa, anh Tiến Đông Lao còn tạo nên một không gian đặc biệt dành riêng cho những “người bạn” đồng hành đã gắn bó với anh trong suốt những năm tháng “phục vụ nhà Thánh” (Anh Tiến thường đi biểu diễn tại các giá hầu đồng và anh Tiến gọi đó là “phục vụ nhà Thánh”). Một giá treo hình khuông nhạc được tạo nên từ chính những chiếc sáo đã cũ và không còn khả năng sử dụng được. Riêng bộ sáo phục vụ cho việc hát chầu văn, anh Tiến đã có khoảng 20 - 30 chiếc.
Để sở hữu một bộ sưu tập nhạc cụ đồ sộ như vậy, anh Tiến đã phải bỏ ra không ít tâm huyết. Ngoài những món quà quý giá từ đồng nghiệp và thầy cô, anh còn tự tay chế tác nhiều nhạc cụ độc đáo. Có những đêm thức trắng, anh miệt mài hoàn thiện chiếc đàn T’rưng vào 2 giờ sáng ngày mùng 1 Tết. Chính niềm đam mê cháy bỏng và sự kiên trì đáng nể đã giúp anh tạo nên một bảo tàng âm nhạc thật sự đặc biệt.
Theo anh Tiến, mỗi loại nhạc cụ không chỉ đơn giản là vật dụng mà còn chứa đựng cả huyết mạch tâm linh, hồn vía của dân tộc. Mỗi loại nhạc cụ còn đi kèm với một câu chuyện riêng biệt, gắn liền với những nghi lễ, phong tục tập quán của từng dân tộc. Thế nên, dù nhận được biết bao lời đề nghị mua lại nhạc cụ với giá cao thì anh vẫn chọn không bán.
"Cái chính là tình cảm của anh em văn nghệ sĩ dành tặng. Như cây cái đàn nguyệt này có người trả giá rất cao nhưng một người em không bán mà để tặng tôi. Cũng có rất nhiều người tới hỏi mua nhưng giá nào tôi cũng không bán. Hay như cây nhị kia cả hơn trăm tuổi là kỷ vật của ông ngoại tôi từ phường bát âm. Có một thời gian bị thất lạc đi, nhưng nhân duyên thế nào tôi tìm được và chuộc lại nó. Được sống trong cái không gian mà nhìn đâu cũng thấy đam mê, một ngày làm việc vất vả cũng tan biến", anh Tiến bộc bạch.
Có người cho rằng số nhạc cụ hỏng giống như rác trong nhà, nhưng anh Tiến không giận họ, vì anh nghĩ mỗi người đều có một quan điểm riêng. Nhưng đối với anh, nhạc cụ dân tộc chẳng khác gì bảo vật vô giá và là một phần không thể thiếu trong cuộc sống của anh.
Vượt lên nghịch cảnh để giữ gìn “hồn cốt” dân tộc
Ít ai biết rằng, người đàn ông sở hữu khối “gia tài” nhạc cụ đồ sộ ấy sinh ra và lớn lên trong một gia đình thuần nông, dường như anh đã được định sẵn cho cuộc sống gắn liền với đồng ruộng. Trong khi bố mẹ đều không hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật, thì vào năm 12 tuổi, anh Tiến đã theo chân ông ngoại tham gia vào phường bát âm ở địa phương. Từ đó, cậu bé Tiến đã theo đuổi sự nghiệp “phục vụ nhà Thánh” rồi tiếp đó là phục vụ quê hương, phục vụ bà con khắp mọi miền Tổ quốc.
Anh Tiến Đông Lao từng là sinh viên của trường Cao đẳng Văn hoá Nghệ thuật Quân đội. Với tấm bằng tốt nghiệp loại Giỏi, anh hoàn toàn có thể theo đuổi con đường nghệ thuật. Thế nhưng, căn bệnh vôi hóa cột sống đã ngăn cản giấc mơ của anh. Mặc dù tương lai bất định nhưng anh vẫn kiên cường vượt lên nghịch cảnh để gìn giữ những giá trị tinh hoa của dân tộc.
Những vấn đề sức khỏe không thể xóa nhòa được tình yêu sâu sắc mà anh dành cho nghệ thuật. Được biết, ngoài công việc cắm hoa tươi, anh thường được mời đi diễn hát văn trong các giá hầu của tín ngưỡng thờ Mẫu. Số tiền thu được từ việc "phục vụ nhà Thánh" đã được dành riêng để đầu tư vào việc sưu tầm nhạc cụ. Anh Tiến cho biết: “Ví dụ mình làm được 10 phần thì dành 7 phần để chăm lo cho cả nhà, còn 3 phần sẽ dành cho bộ sưu tập nhạc cụ”.
Đam mê sưu tầm là một phần, phần còn lại mang tính chất tâm linh. Anh Tiến bộc bạch: “Những nhạc cụ này tôi đều gọi là nhạc khí tâm linh. Chúng đều được các thầy, các anh em đồng đạo quý tặng sau một thời gian dài phục vụ ở các buổi lễ tại đình, đền. Anh em nghệ sĩ đã biểu diễn ở nơi tâm linh thì khi nó cũ hoặc hỏng nếu vứt đi thì không phải mà để tặng lại thì rất ý nghĩa”.
Việc sưu tầm nhạc cụ dân tộc không chỉ là đam mê mà còn là sứ mệnh bảo tồn một phần tinh hoa văn hóa dân tộc, truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ. Anh mong muốn các bạn trẻ sẽ tìm thấy niềm yêu thích với âm nhạc truyền thống và tiếp nối truyền thống văn hóa dân tộc. Điều khiến anh trăn trở nhất là không thể chia sẻ niềm đam mê của mình với nhiều người hơn, đặc biệt là các em học sinh, do không gian sống hạn chế.
Tình yêu dành cho nhạc cụ của anh Tiến đã ít nhiều ảnh hưởng tới các thành viên trong gia đình. Anh chia sẻ: “Thấy bố trưng bày thì hai đứa cũng trân trọng, giữ gìn lắm. Ngày Chủ nhật rảnh rỗi là luôn cùng bố lau chùi các loại nhạc cụ.” Anh Tiến cũng nhận định con trai anh có khả năng âm nhạc rất tốt. Mấy năm nay cậu bé luôn cùng bố đi biểu diễn khắp các hội lớn, hội nhỏ ở làng. Tương lai anh cũng muốn chuyển giao bộ sưu tập nhạc cụ cho con trai để cậu bé tiếp tục hành trình gìn giữ và phát triển.
Với anh Tiến, được sống trọn với đam mê âm nhạc là một niềm hạnh phúc lớn lao. Anh mong muốn sẽ truyền được ngọn lửa đam mê ấy đến với thế hệ trẻ, để các em hiểu rõ hơn về giá trị của di sản văn hóa dân tộc. Đồng thời, anh Tiến luôn ý thức được việc gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống thông qua âm nhạc.