Ninh Vân: Hơn 400 năm phát triển nghề đá truyền thống

Trải qua nhiều thế hệ hình thành và phát triển, làng điêu khắc đá Ninh Vân đã khẳng định vị thế với đóng góp trong hàng loạt công trình lịch sử và nghệ thuật trên khắp cả nước. Ngày nay, sự kết hợp hài hòa giữa tay nghề tinh xảo của các nghệ nhân và công nghệ hiện đại đang mở ra chương mới cho làng nghề, giúp các sản phẩm đá mỹ nghệ Ninh Vân không chỉ giữ gìn nét truyền thống mà còn đáp ứng tốt nhu cầu đa dạng của thị trường hiện đại. 

Làng đá mỹ nghệ Ninh Vân, thuộc xã Ninh Vân, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình, là làng nghề nổi danh với nghệ thuật điêu khắc đá trên cả nước. Được hình thành cách đây hơn 400 năm, làng điêu khắc đá Ninh Vân đã truyền qua nhiều thế hệ, trở thành di sản văn hóa phi vật thể quan trọng, gắn bó mật thiết với đời sống của nhiều người dân vùng cố đô. 

Theo những cụ cao niên trong làng, nghề chạm khắc đá ở Ninh Vân có từ khi một thợ đá tài hoa từ Thanh Hóa di cư đến mảnh đất này và truyền lại kỹ thuật chế tác đá cho người dân địa phương. Qua quá trình học hỏi, những người thợ làng đá Ninh Vân đã không ngừng rèn giũa và phát triển tay nghề. Từ việc chế tạo những sản phẩm đơn giản phục vụ sản xuất nông nghiệp như cối xay, cối giã cho đến các công trình như tượng Phật, lăng mộ đá…., các sản phẩm đá mỹ nghệ Ninh Vân dần để lại dấu ấn ở nhiều công trình lớn trên cả nước.

Một số công trình tiêu biểu hiện còn được lưu giữ tại các di tích lịch sử trong nước gồm: Cố đô Hoa Lư (Ninh Bình), Lăng Bà chúa Liễu (Vụ Bản, Nam Định), nhà thờ đá Phát Diệm (Kim Sơn, Ninh Bình), lăng Khải Định (Huế), đền Thái Vi (Hoa Lư, Ninh Bình)... 

b8745ecc9fe327bd7ef2.jpg
Tác phẩm lăng mộ đá tại làng đá mỹ nghệ Ninh Vân (Ảnh: NVCC) 

Mỗi tác phẩm điêu khắc đá Ninh Vân không chỉ có tính nghệ thuật cao mà còn  thể hiện rõ dấu ấn văn hóa Việt Nam thông qua hoa văn và họa tiết truyền thống. Các sản phẩm như tượng Phật, rồng, lân… cùng những bức phù điêu khắc họa các sự tích cổ truyền thường được sử dụng trong các công trình tôn giáo như đình, chùa.

Bước chuyển mình nhờ công nghệ 

Để hoàn thành một sản phẩm đá mỹ nghệ Ninh Vân đòi hỏi trải qua nhiều công đoạn công phu và tỉ mỉ. Cùng với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, những năm trở lại đây, làng đá mỹ nghệ Ninh Vân cũng có nhiều thay đổi trong quy trình sản xuất và gia công chế tác đá. 

Trong quá khứ, hầu hết các công đoạn chế tác sản phẩm đá đều phải làm bằng tay, từ khâu khai thác, vận chuyển đá cho đến quá trình tạo hình, đục đẽo... Hiện nay, các công đoạn này đều đã có thể sử dụng máy móc để hỗ trợ, khiến áp lực  trên vai người thợ điêu khắc đá được giảm đáng kể. Máy móc như máy cắt CNC, máy đánh bóng và các công cụ nâng hạ đã giúp tối ưu hóa quy trình chế tác, đặc biệt là trong các công đoạn đòi hỏi độ chính xác cao.

Sự xuất hiện của máy móc hiện đại cũng giúp các quy trình sản xuất sản phẩm tại các xưởng được tổ chức bài bản và chuyên nghiệp hơn. Với sự hỗ trợ của công nghệ, nhiều xưởng chế tác lớn tại Ninh Vân có thể nhận các đơn hàng số lượng lớn, đồng thời rút ngắn thời gian hoàn thiện sản phẩm mà vẫn đảm bảo chất lượng. 

Tuy vậy, để tạo ra những tác phẩm đá mỹ nghệ tinh xảo và có chiều sâu không chỉ phụ thuộc hoàn toàn vào máy móc, mà vẫn cần đôi bàn tay, óc sáng tạo và tâm hồn nghệ thuật của những người thợ, nghệ nhân đá Ninh Vân. 

Khác với bao nghề thủ công khác, nghề điêu khắc đá là công việc nặng nhọc. Môi trường làm việc khắc nghiệt, bụi bặm cùng khối lượng công việc vất vả đòi hỏi nhiều yếu tố từ những người thợ, đặc biệt là lòng đam mê và sự kiên trì “bám” nghề. 

Anh Dương Minh Trung (Hoa Lư, 26 tuổi), chủ xưởng đá mỹ nghệ Trí Trung cho hay, anh xuất thân từ gia đình vốn không có truyền thống làm nghề điêu khắc đá mà tự tìm học nghề vì đam mê từ khi học lớp 9. Để theo đuổi đam mê, anh quyết định theo học nghề từ người anh họ và bắt đầu công việc ở các xưởng đá mỹ nghệ của làng. Khi bắt đầu học nghề, anh gặp không ít khó khăn. “Vất vả nhất là lúc sử dụng các công cụ, đặc biệt là búa và đục để học đục và đẽo các chi tiết. Khi mới học tôi cảm thấy rất bỡ ngỡ, cầm dụng cụ không quen tay, nên nhiều lần đục trượt và bị thương. Để theo đuổi nghề này thì đòi hỏi cần phải có sự nhẫn nại, kiên trì và lòng quyết tâm”, anh Trung chia sẻ. Đến nay, anh đã gắn bó 10 năm với nghề và nhận danh hiệu “Bàn tay vàng chạm khắc đá mỹ nghệ” Ninh Bình vào năm 2020 sau khi giành giải cao nhất tại cuộc thi. 

ebf8bdcf7ce0c4be9df1.jpg
Tác phẩm điêu khắc hoa văn rồng thời Lý của anh Dương Minh Trung (Ảnh: NVCC) 

Trải qua hơn bốn thế kỷ phát triển làng nghề, đến nay, làng điêu khắc đá Ninh Vân có hơn 1000 lao động làm nghề, trong đó có khoảng 50 lao động có trình độ cao. Bên cạnh đó, ngoài nguồn lao động địa phương, làng đá Ninh Vân cũng thu hút một lượng lớn lao động từ nhiều tỉnh thành khác nhau đến học nghề, mở rộng cơ hội việc làm và giúp nghề đá Ninh Vân phát triển mạnh mẽ hơn. 

Anh Quách Văn Hải (Nho Quan), là một người thợ điêu khắc đá đã có 8 năm gắn bó với nghề. Dù không phải một người con xã Ninh Vân, nhưng chính niềm đam mê đã đưa anh đến với làng điêu khắc đá lâu đời này. Anh Hải chia sẻ, quá trình học nghề vô cùng gian nan, đặc biệt là khi phải rời xa gia đình và bắt đầu từ con số không. Những ngày mới bắt đầu, anh học nghề từ các cụ và thợ lâu năm trong làng. Từ việc học dùng các công cụ như búa, đục… đến học các kỹ thuật cắt đá, đục đẽo hay chạm khắc. 

snapedit_1730173268113.jpeg
Công đoạn tạo vân nhám trên bề mặt đá (Ảnh: Quốc Huy) 

"Những công đoạn như đục hoa văn là khó nhất vì cần bỏ sức và thời gian ra nhiều, khi chưa có máy móc thì hoàn toàn phụ thuộc vào bàn tay con người" anh Hải nhớ lại. Trong quá trình làm nghề, có những hôm anh làm việc đến tận khuya, thậm chí 1-2 giờ sáng, để kịp giao sản phẩm cho khách. Dù công việc rất vất vả nhưng chưa bao giờ anh Hải có ý định bỏ nghề. Bên cạnh đó, những năm gần đây, sự xuất hiện của máy móc đã hỗ trợ những người thợ như anh rất nhiều trong công việc. 

Công nghệ hiện đại không chỉ giúp làng nghề Ninh Vân nâng cao hiệu suất sản xuất mà còn mở rộng cơ hội phát triển trên các thị trường quốc tế. Nhờ sự kết hợp giữa kỹ thuật truyền thống và công nghệ mới, nhiều xưởng đá mỹ nghệ tại Ninh Vân đã hướng tới việc xuất khẩu các sản phẩm đá mỹ nghệ sang các thị trường lớn.

Các doanh nghiệp tại làng nghề đang từng bước cải thiện chất lượng sản phẩm, nỗ lực đáp ứng những tiêu chuẩn quốc tế về mỹ thuật và kỹ thuật. Với những bước tiến này, làng nghề đá Ninh Vân đang hướng tới tương lai phát triển bền vững, vừa bảo tồn giá trị nghề truyền thống  vừa không ngừng đổi mới để vươn ra thị trường toàn cầu.

Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Tin nổi bật4 ngày trước

(Sóng trẻ) - Nhiều trường học trên cả nước đã tổ chức các hoạt động thiết thực nhằm hướng tới Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, tạo không khí thi đua phấn khởi cho học sinh, sinh viên và đội ngũ nhà giáo.

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Tin nổi bật4 ngày trước

(Sóng trẻ) - 94 năm qua, Mặt trận Thống nhất Việt Nam đã trở thành biểu tượng của sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, góp phần quan trọng trong sự nghiệp giải phóng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

Tin nổi bật4 ngày trước

(Sóng trẻ) - Ra đời vào năm 1950, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (Vietnam Union of Friendship Organizations - VUFO) đã góp phần to lớn trong việc xây dựng và phát triển mối quan hệ hữu nghị, hợp tác với các quốc gia và tổ chức quốc tế.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN