Nở rộ trường học cho các “thiếu gia”
(Sóng Trẻ) - Không chỉ ở các nước phát triển mới có trường học dành cho con nhà giàu mà ngay tại Việt Nam cũng không thiếu các trường có học phí lên đến cả nghìn USD mỗi tháng.
Mong muốn cho con được học tập trong môi trường giáo dục hoàn hảo là điều chính đáng của các bậc phụ huynh, song điều đáng nói là nhiều gia đình lại biến việc chọn trường, lớp cho con thành thứ “trang sức” thể hiện đẳng cấp túi tiền. Cuộc chạy đua này không chỉ dành cho các gia đình thành phố mà gần đây kể cả các gia đình trung lưu cũng muốn “học làm sang”.
Đẳng cấp nào cũng có
Chỉ tính riêng Hà Nội, có thể kể đến hàng loạt các trường có mức học phí cao ngất ngưởng như: Trường Quốc tế Kinderworld, Việt – Úc, Olympia, Dreamhouse và Hà Nội Academy… Mức học phí trung bình của các trường này đều không dưới 3.000 USD mỗi năm. Đặc biệt, trường quốc tế Việt – Úc, học phí lên đến 10.000 USD/ năm. Đó là chưa kể đến hàng loạt các khoản phí đi kèm như: Phí giữ chỗ, phí xây dựng, phí xe đi lại, tiền ăn và phí tham gia các hoạt động nại khóa khác. Học phí VIP tất nhiên cơ sở vật chất cũng được đầu tư hơn hẳn.
Một giờ học tại phòng thí nghiệm của trường quốc tế Hà nội Academy
Thái Hữu Công (con một đại gia xây dựng ở Lạng Sơn) đang theo học lớp 11 tại trường THPT Newton, Hà Nội kể: phòng ở của Công được trang bị không khác gì một khách sạn hàng sang với điều hòa, bình nóng lạnh, ti vi, máy tính và phòng ăn riêng. Thậm chí các dịch vụ sinh hoạt hàng ngày cũng được phục vụ từ A đến Z. Hàng sáng, học sinh nội trú đều có người đánh thức đúng giờ và phục vụ ăn sáng, đến cả quần áo cũng có người giặt hộ.
Chính vì thế, Công chia sẻ: “Tuy xa nhà nhưng chưa bao giờ cảm thấy thiếu thốn bất cứ thứ gì.”. Tất nhiên, mức học phí mà học sinh phải trả hàng tháng cũng không hề rẻ, trung bình là 13 triệu/tháng tùy theo từng cấp học mà mức học phí này có thể tăng lên hoặc giảm đi.
Đến các trường hạng trung như: THPT Lomonoxop, trường THPT Trí Đức… cũng có mức học phí từ 4 triệu đến 7 triệu VND/tháng cho nhiều loại đối tượng. Riêng trường THPT Trí Đức có đến 98% là học sinh nội trú và chủ yếu là ở các tỉnh xa như Lào Cai, Yên Bái, Quảng Ninh, Nghệ An, Thanh Hóa… Học sinh ở trường phải tuân thủ nghiêm ngặt nội quy về giờ giấc và sinh hoạt.
Thầy Thái Hữu Tam trưởng ban quản lý Ký túc cho biết: “Học sinh được theo dõi, quản lý sát sao 24/24. Hai tháng học sinh mới được ra nài một lần và phải có sự bảo lãnh của người thân. Học sinh không được sử dụng điện thoại di động, không được mang tiền theo người mà mọi chi phí đều thông qua tài khoản…”
Thầy Tam cũng chia sẻ: trường có sự phân chia rõ về hai dạng đối tượng, một là các lớp chất lượng cao dành cho học sinh khá có khả năng đỗ đại học, cao đẳng; hai là một số nhỏ còn lại với các học sinh chủ yếu chỉ có mục đích đỗ tốt nghiệp và rèn luyện đạo đức. Chính vì thế, đây là địa chỉ khá lý tưởng cho các gia đình không có nhiều thời gian để quản lý sát sao con em mình.
Học phí cao… đẳng cấp lớn?
Việc xuất hiện nhiều các trường quốc tế, dân lập ở Việt Nam là một cơ hội tốt để các em học sinh được tiếp cận với nền giáo dục tiên tiến. Đây cũng là điều tất yếu của một nền giáo dục hội nhập và cởi mở.
Anh Phạm Gia Hùng (Cao Bằng) hiện có một con trai đang theo học lớp 11 tại trường THPT Việt – Úc, Hà Nội chia sẻ: “Tuy trường có mức học phí khá cao song bù lại con tôi được học trong môi trường giáo dục hiện đại, được chăm sóc và quan tâm kỹ lưỡng. Mặt khác, việc giảng dạy nại ngữ ở đây cũng được đầu tư hơn hẳn, điều này rất quan trọng đối với những gia đình có ý định cho con du học như gia đình tôi.”
Đôi khi việc cho con em học ở các trường “hạng sang” chỉ để thể hiện đẳng cấp đại gia của gia đình
Tuy nhiên, cũng có những gia đình coi việc cho con học ở các trường quốc tế này như một thứ trang sức để thể hiện đẳng cấp. Học phí càng cao,“đẳng cấp” của gia đình càng được thể hiện. Thế mới có chuyện, nhiều gia đình phải chạy vạy ngược xuôi chỉ để có tiếng thơm là “gia đình danh giá”.
Mặt khác, chất lượng của hàng loạt các trường quốc tế, dân lập “hạng sang” này còn là một điều đáng bàn bởi đôi khi chất lượng giáo dục chưa tương xứng với điều kiện cơ sở vật chất hiện đại. Việc chạy theo lợi nhuận cũng khiến một số trường đặt mục đích kinh doanh lên trên nhiệm vụ thiêng liêng “trồng người”, đặc biệt là nhiều nhà đầu tư đang đổ xô vào kinh doanh “trường quốc tế”. Thậm chí còn xuất hiện hiện tượng gắn mác trường quốc tế để cạnh tranh và lòe thiên hạ.
Hà Trang, Hương Trà, Quốc Cường, Thanh Mai, Thùy Linh, Ngọc Anh
Báo mạng điện tử K.28
Học viện Báo chí và Tuyên truyền