Nơi khởi nguồn của tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ
(Sóng trẻ) - Nam Định được xem là trung tâm tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt với gần 400 điểm thờ cúng Thánh Mẫu. Trong đó, Phủ Dầy là tâm điểm của hoạt động thực hành tín ngưỡng này.
Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ có quá trình hình thành và phát triển lâu đời, gắn với đời sống tinh thần và các phong tục tập quán của người dân, được cộng đồng trân trọng và lưu truyền, chứa đựng tinh thần nhân văn cao cả, tôn vinh người phụ nữ Việt Nam. Tín ngưỡng lấy hình tượng Mẫu để tôn thờ, gửi gắm vào đó những ước vọng tốt đẹp, sự bao dung trong cuộc sống.Nghệ nhân Ưu tú Bùi Thị Kim Huệ, thủ nhang Phủ Tiên Hương, Phủ Dầy, Vụ Bản, Nam Định cho biết: “Điểm khác biệt của tín ngưỡng thờ Mẫu là cầu cho cuộc sống hiện tại chứ không cầu cho kiếp vĩnh hằng sau khi qua đời như các tôn giáo khác. Tín ngưỡng thờ Mẫu nhắc người đời nhớ đến công ơn các vị thánh, anh hùng có công với dân, với nước, mang lại cuộc sống ấm no hạnh phúc”.
Quần thể Di tích lịch sử, văn hóa Phủ Dầy là quần thể di tích tâm linh của đạo Mẫu ở xã Kim Thái (Vụ Bản). Khu Di tích bao gồm gần 20 điểm di tích đền, phủ, chùa, lăng gắn liền với điển tích về Mẫu Liễu Hạnh, một biểu tượng trong “Tứ bất tử” thuộc tín ngưỡng dân gian Việt Nam.
Lễ hội Phủ Dầy được công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia, diễn ra vào đầu tháng 3 hàng năm. Lễ hội Phủ Dầy được tổ chức nhằm tưởng nhớ Thánh Mẫu Liễu Hạnh. Thời điểm này, du khách từ khắp nơi đổ về chiêm bái Phủ Dầy, hòa mình vào không gian văn hóa tâm linh đầy màu sắc và chiêm ngưỡng kiến trúc độc đáo của quần thể di tích.
Chầu văn, hầu đồng là một nghi lễ đặc trưng và quan trọng nhất của đạo Mẫu, diễn ra trong không gian linh thiêng của hệ thống điện thờ thánh Mẫu và các đức Thánh Trần. Đây là di sản văn hóa phi vật thể tổng hợp nhiều giá trị của các loại hình văn hóa dân gian như tín ngưỡng truyền khẩu, nghề thủ công truyền thống, trình diễn (diễn xướng) dân gian…
Tại Phủ Tiên Hương, nghi thức hầu đồng được thực hành ở 3 ban chính gồm: Ban Công đồng, Ban Ngũ vị, Ban Tứ Vị Chầu bà. Khi có giá hầu, những người vào lễ sẽ tản đều 2 bên ban thờ để hành lễ. Ở các đền, phủ trong Quần thể Di tích lịch sử văn hóa Phủ Dầy như: Phủ Vân Cát, Phủ Bóng, Phủ Công Đồng,... cũng rộn ràng diễn ra các nghi lễ hầu đồng.
Đặc biệt nói về các thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ, bà Kim Huệ chia sẻ: “Nhiều người lầm tưởng hầu đồng là di sản được UNESCO công nhận và nhìn nhận tín ngưỡng thờ mẫu là mê tín dị đoan. Thực tế, UNESCO công nhận các thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại bao gồm: thờ cúng, hát văn, hầu đồng, rước Mẫu thỉnh kinh, rước đuốc đến lễ hội… Tất cả các hoạt động thực hành kết hợp hài hòa, tạo nên nét đẹp văn hóa của tín ngưỡng”.
Bà Kim Huệ nhấn mạnh: “Hầu đồng là hầu các vị thánh có công với đất nước. Hầu đồng kết hợp các cung văn hầu dâng để truyền bá thông điệp cho thế hệ sau hiểu được công lao của các vị thánh có công với nước, với dân. Đồng thời đề cao quyền bình đẳng trong xã hội”.
Nghi lễ chầu văn - hầu đồng diễn ra quanh năm tại nhiều nơi, song tại Phủ Dầy phải kể đến hoạt động “Rước Mẫu thỉnh kinh” và “Hoa trượng hội”. Đây là hai trong số nhiều đặc trưng đem đến sự khác biệt của Phủ Dầy so với các điểm thờ Mẫu khác.
Lễ rước Mẫu thỉnh kinh bắt nguồn từ hành trạng của Thánh Mẫu Liễu hạnh. Lễ dẫn đầu là hàng trăm cụ già rước kiệu vừa đi vừa tụng kinh niệm Phật; tiếp đến là hàng trăm người cầm cờ hội, đội kèn trống, bát âm, các thanh đồng; kế sau là hòa thượng chùa Tiên Hương, chùa Vân Cát; cùng đông đảo nhân dân và du khách.
Hội Hoa trượng (hay còn gọi là hội kéo chữ) cũng là một hoạt động đặc trưng tại lễ hội Phủ Dầy. Theo thông lệ, mỗi làng sẽ chọn từ 20 - 30 thanh niên, trang phục đầu quấn khăn đỏ, áo vàng, bụng thắt khăn đỏ, quần trắng, chân quấn xà cạp đỏ. Gậy xếp chữ được chuẩn bị dài khoảng bốn mét, cuốn giấy nhiều màu, đầu gậy có “ngù” bằng lông gà. Các chữ thường xếp là “Mẫu nghi thiên hạ”, “Thiên hạ thái bình”, “Quốc thái dân an”,... đều mang những ý nghĩa tinh thần tốt đẹp của cư dân nông nghiệp, cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa hoặc ngợi ca công đức của Thánh Mẫu.
Hoạt động thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt thể hiện đậm nét ở Lễ hội Phủ Dầy. Lễ hội có ý nghĩa giáo dục truyền thống yêu nước, thể hiện tinh thần hòa hợp dân tộc, góp phần làm đa dạng bức tranh văn hóa của Việt Nam và nhân loại. Từ khi Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại, Phủ Dầy càng trở thành điểm đến hấp dẫn, thu hút khách trong nước và quốc tế.