Phối hợp cơ sở đào tạo và cơ quan báo chí là điều tất yếu!
(Sóng Trẻ) - Đó là quan điểm của của GS, TS. Tạ Ngọc Tấn cũng như của nhiều nhà báo lão thành, các nhà nghiên cứu về báo chí - truyền thông trong hội thảo: “Phối hợp giữa Học viện báo chí và Tuyên truyền với các cơ quan báo chí trong hoạt động đào tạo” diễn ta ngày 11/4 tại nhà trường.
Hội thảo có sự tham dự của GS, TS. Tạ Ngọc Tấn (Ủy viên TW Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh), PGS, TS. Phạm Văn Linh (Phó Trưởng ban Tuyên giáo TW), PGS. TS Nguyễn Viết Thảo (Phó giám đốc Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh), PGS.TS Trương Ngọc Nam (Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền), Hội Nhà báo Việt Nam, Bộ Thông tin & Truyền thông cùng các đại diện cơ quan báo chí TW và địa phương khác.
Với 27 bài tham luận của các Nhà báo lão thành, các nhà nghiên cứu về báo chí – truyền thông, TBT các báo đài địa phương, nội dung hội thảo tập trung đi vào những nội dung chính: Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực báo chí – truyền thông: Mở rộng phương thức liên kết đào tạo, Vấn đề thực tập của sinh viên tại các cơ quan báo chí, 3 rào cản của sinh viên báo chí hiện nay…
Trao đổi về vấn đề đào tạo báo chí cho sinh viên tại các cơ sở giáo dục và cơ quan báo chí, GS.TS Tạ Ngọc Tấn cho rằng việc gắn bó giữa cơ sở đào tạo và môi trường tại cơ quan báo chí là điều tất yếu, bởi xét cho cùng, chất lượng đào tạo báo chí cũng phụ thuộc một phần vào thời gian hoạt động thực tiễn tại cơ quan báo chí.
GS, TS Tạ Ngọc Tấn, Ủy viên TW Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh
(ảnh: Báo mới)
Bên cạnh đó, theo GS, TS. Tạ Ngọc Tấn, các cơ quan báo chí và cơ sở giáo dục cũng phải gắn bó chặt chẽ để trao đổi thông tin với nhau, mời các nhà báo có kinh nghiệm giảng dạy, chia sẻ kiến thức, kỹ năng cho các học viên, sinh viên báo chí hoặc tạo điều kiện cho các giảng viên chuyên ngành được hoạt động báo chí thực tiễn.
Cũng chung vấn đề đào tạo tại cơ quan báo chí, PGS.TS Phạm Văn Linh nhé - Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương cũng nhấn mạnh: “Trước tiên, các cơ quan báo chí cần đổi mới nội dung chương trình, kéo dài thời gian thực tập cho học viên. Đồng thời, bổ sung tăng cường hoạt động nghiên cứu khoa học. Trong tương lai, cần có cơ chế luân chuyển cán bộ trong các cơ quan báo chí”.
PGS, TS. Phạm Văn Linh (Phó Trưởng ban Tuyên giáo TW)
Đóng góp cho hội thảo, PGS. TS Nguyễn Viết Thảo, Phó giám đốc Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh, kiến nghị: “Học viện Báo chí và cơ quan báo chí cần giúp đỡ, tương hỗ lẫn nhau trong công tác đào tạo sinh viên”
TS.Trần Bá Dung (Hội Nhà báo) cho rằng: “Trong tương lai, cần tăng cường sự phối hợp giữa Hội Nhà báo với Học viện báo chí: Tổ chức các cuộc gặp gỡ thường, mở những hội thảo mang tính khoa học, tăng cường quảng bá giữa hai bên”.
Lưu Nhạn – Kim Bông
Lớp Báo mạng điện tử K30
Cùng chuyên mục
Bình luận