Phong toả hay giãn cách xã hội không phải là giải pháp tốt
Hiện nay, làn sóng dịch Covid-19 thứ tư có những diễn biến phức tạp. Một số địa phương như: Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh nên phong tỏa hay giãn cách xã hội trên diện rộng khi số ca nhiễm Covid-19 đang có xu hướng tăng?
Khi làn sóng dịch Covid-19 xuất hiện lần thứ 4, rất nhiều người đặt ra câu hỏi “Tại sao không thực hiện phong tỏa trên diện rộng, hạn chế tối đa tiếp xúc xã hội để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh?”. Thực tế, việc thực hiện phong tỏa trên diện rộng không phải là điều dễ dàng. Khi thực hiện phong tỏa một tỉnh thành thì cuộc sống của người dân ở đó sẽ như thế nào trong cảnh “nội bất xuất, ngoại bất nhập”.
Trên thế giới đã có rất nhiều quốc gia thực hiện phong tỏa hoặc giãn cách xã hội trong một thời gian dài. Cụ thể, đã có 49 quốc gia trên thế giới thực hiện phong tỏa đất nước khi dịch bệnh xuất hiện trên quốc gia của họ.
Những quốc gia đó đã yêu cầu người dân ở trong nhà, tạm ngừng hoạt động nơi làm việc và trường học, phương tiện giao thông công cộng, các hoạt động vui chơi giải trí và thể dục thể thao, lĩnh vực kinh doanh và dịch vụ không thiết yếu.
Hầu hết, khi thực hiện phong tỏa một khu vực trong thời gian dài, đồng nghĩa với việc nền kinh tế cũng phải giãn cách xã hội trong khoảng thời gian đó. Việc phong tỏa một khu vực để lại hậu quả nặng nề khiến tâm lý của người dân bị tổn thương; nền kinh tế suy yếu kiệt quệ.
Đối với việc giãn cách xã hội hàng tháng, các đô thị dễ bị đẩy vào tình trạng sa mạc hoá thực phẩm - người dân bị hạn chế tiếp cận thực phẩm tươi, rẻ và phong phú. Ngược lại, nhiều nông sản phải đổ bỏ vì không thể xuất khẩu ra thị trường trong nước và quốc tế vì ảnh hưởng của việc giãn cách xã hội. Người lao động thất nghiệp, mất việc, không có thu nhập dẫn đến cảnh nợ nần. Một số người dân bị cái nghèo lại quay đeo bám.
Trong thời gian dài tìm hiểu, tôi nhận thấy virus lan truyền nhanh chủ yếu do sự tiếp xúc gần của con người trong không gian chật hẹp: quán karaoke, bệnh viện, các phân xưởng của khu công nghiệp.
Đến nay, các ca nhiễm mới ghi nhận chủ yếu là bị nhiễm trong khu cách ly, quán karaoke, quán bar, nhà hàng khách sạn, liên hoan tụ tập trong nhà, trên máy bay, trong bệnh viện, tại các khu công nghiệp. Và trong bốn ngày nghỉ lễ 30/4 – 1/5 với các bãi tắm đông người hay khu giải trí ngoài trời, không ghi nhận phát sinh ổ dịch nào. Ca nhiễm virus đa số là do người dân về quê nghỉ lễ và lây lan trong gia đình.
Theo đánh giá của của Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19: Nguyên nhân của tình trạng số ca dương tính SARS-CoV-2 tăng cao tại các KCN ở Bắc Giang là do công nhân làm việc trong phòng lạnh, khép kín, đi lại cùng xe ô tô đưa đón.
Cũng giống như các ổ dịch tại Việt Nam, đa số ổ dịch ở các nước cũng liên quan đến nhà máy, tàu du lịch, bệnh viện, quán bar, nhà thờ, các địa điểm tụ tập đông người.
Những nghiên cứu khoa học trên thế giới đều cho thấy: SARS-CoV-2 thường bùng phát ở những nơi thỏa mãn điều kiện: không gian khép kín, ít trao đổi khí, nhiệt độ thấp và khô, sử dụng máy lạnh, đặc biệt mật độ người quá đông trong một không gian.
Theo thống kê của Trường Vệ sinh và Y học Nhiệt đới London: có 96% số trường hợp lây nhiễm xảy ra trong nhà. Dữ liệu này thu thập cả ở những quốc gia thu nhập thấp, trường hợp lây nhiễm ngoài trời do tụ tập quá đông như các cuộc biểu tình, hội chợ.
Một thống kê khác tại Trung Quốc: có 317/318 trường hợp nhiễm virus xảy ra ở trong nhà. Một trường hợp lây lan ngoài trời duy nhất do người đàn ông tiếp xúc trực tiếp với người trở về từ Vũ Hán.
Một nghiên cứu của các nhà khoa học Nhật Bản cho thấy virus có khả năng lây lan cao hơn 19 lần trong môi trường kín. Có 6 trong số 7 trường hợp siêu lây nhiễm đều xảy ra ở trong nhà.
Nhà khoa học Franco Belosi người Italy đã thực hiện một nghiên cứu: Ông thiết lập một viễn cảnh nghiệt ngã với giả thiết quần thể có 10% dân số nhiễm bệnh. Kết quả tính toán, một người ở ngoài trời tại thành phố Milan sẽ phải hít thở không khí trung bình 31,5 ngày mới tải đủ lượng virus để mắc bệnh, ở thành phố Bergamo sẽ phải hít thở trung bình 51,2 ngày. Mô phỏng cũng ước tính, ngay cả khi 25% dân bị nhiễm bệnh, mỗi mét khối không khí chỉ dưới một virus.
Tuy nhiên khả năng lây nhiễm ngoài trời cũng rất cao, nếu đám đông không giữ khoảng cách an toàn, không đeo khẩu trang hay hò hét, cười nói sát vào mặt nhau. Thảm kịch “sóng thần” COVID-19 tại Ấn Độ là một minh chứng. Số ca mắc chính thức ở Ấn Độ bắt đầu giảm mạnh từ tháng 9/2020. Đó có thể là một cơ hội để củng cố hệ thống chăm sóc sức khỏe của quốc gia và xây dựng cơ sở hạ tầng tiêm chủng trước làn sóng dịch COVID-19 mới. Nhưng thay vào đó, Ấn Độ cho phép tiến hành các cuộc vận động bầu cử, tổ chức các trận đấu cricket, tổ chức sự kiện Kumbh Mela - một trong những cuộc tụ họp lớn nhất trên thế giới, thu hút hàng triệu người hành hương đến sông Hằng trong vài tuần. Đây được coi là nguyên nhân lớn nhất dẫn đến thảm kịch của Ấn Độ.
Khi đại dịch mới xảy ra, những nghiên cứu khoa học về virus còn hạn chế, nên phong toả hay giãn cách xã hội diện rộng được coi là phương pháp chống dịch hiệu quả. Nhưng đến nay, nhờ hàng vạn công trình nghiên cứu khoa học về Covid-19, con người đã hiểu biết về cách lây truyền của nó.
Đó là lý do nhiều quốc gia đã không còn ưu tiên giải pháp phong toả hay giãn cách. Với Việt Nam, tôi cho rằng biện pháp chống dịch chủ động, thần tốc ngăn chặn ca xâm nhập, xét nghiệm sàng lọc diện rộng, truy vết chuỗi lây nhiễm, khoanh vùng, cách ly ổ dịch đang là cách thức hiệu quả nhất. Bên cạnh đó, chìa khoá hiệu quả là tập trung "chống dịch trong nhà", chưa nên giãn cách xã hội.
Chống dịch trong nhà là dừng các hoạt động như karaoke, bar, vũ trường, phòng tập thể dục, massage, rạp chiếu phim, sân khấu trong nhà; dừng các hội nghị đông người trong nhà, hoạt động thờ cúng đền chùa, lễ hội truyền thống; không ăn uống tụ tập đông người. Các bệnh viện, trường học, cơ quan, siêu thị và mỗi gia đình phải tuân thủ chặt chẽ quy trình phòng chống lây nhiễm Covid-19.
Thành công của ngày Bầu cử Đại biểu Quốc hội, HĐND các cấp vào ngày 23/5 là minh chứng rõ nhất cho thấy những khuyến cáo của Bộ Y tế; những công văn, quyết định của Chính phủ về phòng chống dịch Covid-19 là hoàn toàn đúng đắn. Không giãn cách xã hội, tổ chức tốt bầu cử với những yêu cầu nghiêm về công tác phòng chống dịch: công dân đeo khẩu trang, rửa tay, khử khuẩn và giữ khoảng cách hai mét khi đi bầu cử vẫn là những hình ảnh đẹp.
Giãn cách xã hội hay phong toả vẫn giữ giá trị ngăn chặn dịch, nhưng đó chỉ là giải pháp cuối cùng, khi các giải pháp phòng, chống ít hiệu quả hơn bất lực.