Rác thải sinh hoạt ngổn ngang giữa lòng Hà Nội

(Sóng trẻ) - Hiện nay, trên nhiều tuyến đường tại Hà Nội không khó để bắt gặp hình ảnh những xe tập kết rác nhếch nhác và bốc mùi hôi thối. Điều này không chỉ khiến cản trở giao thông mà còn gây ô nhiễm môi trường, mất mỹ quan đô thị.

Đi dọc các tuyến đường như Thành Thái, Chùa Láng, Đường Láng, Trần Cung... không khó để bắt gặp những xe tập kết rác ngang nhiên phô bày, nước rác rỉ xuống đen kịt ở lòng đường gây mùi hôi thối, khó chịu.  Việc tập kết rác quá lâu ngày làm phát sinh ruồi nhặng cùng các loại vi khuẩn dễ phát triển và lây lan dịch bệnh, đe dọa sức khỏe con người.

anh-1-1.jpg
Xe chất rác lấn chiếm lòng đường dù cách Doanh trại Cảnh sát cơ động 300m (Ảnh: Nguyễn Hùng)

Vào giờ cao điểm, khi các phương tiện di chuyển nhiều trong khu vực nội thành, những chiếc xe tập kết rác càng là trở ngại lớn với người tham gia giao thông. Bắt gặp những "đống rác di động" nhếch nhác lấn chiếm lòng đường, hầu hết các phương tiện đi qua đều phải né tránh một khoảng cách nhất định. Điều đó vô hình chung gây ùn ứ, tắc nghẽn giao thông.

Bạn Nguyễn Văn Đức – sinh viên Đại học Giao thông vận tải chia sẻ: “Hằng ngày, tôi thường đi bộ đến trường dọc theo đường Láng. Thế nhưng, cảm thấy rất khó chịu vì có nhiều đoạn vỉa hè ngập tràn rác thải vứt bừa bãi, thậm chí xe rác lấn chiếm lòng đường khiến tôi đi lại rất bất tiện, mỗi lần đi qua phải tránh rác và đi thật nhanh.”

anh-2-1.jpg
Xe rác tập kết lấn chiếm vỉa hè và lòng đường (Ảnh: Nguyễn Hùng)

Theo Điều 27 Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT về yêu cầu kỹ thuật về bảo vệ môi trường đối với phương tiện vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt: “Phương tiện vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt phải bảo đảm không rơi vãi chất thải rắn sinh hoạt, rò rỉ nước, rỉ rác, phát tán mùi trong quá trình vận chuyển; phải vệ sinh, phun xịt khử mùi trước khi ra khỏi khu vực trạm trung chuyển, cơ sở xử lý và sau khi hoàn thành thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt. Phương tiện thu gom chất thải rắn sinh hoạt từ hộ gia đình, cá nhân đến điểm tập kết hoặc trạm trung chuyển chất thải rắn sinh hoạt phải bảo đảm không rơi vãi chất thải, rò rỉ nước ra môi trường trong quá trình hoạt động. Thiết bị lưu giữ chất thải rắn sinh hoạt được lắp cố định hoặc có thể tháo rời trên phương tiện vận chuyển và phải bảo đảm lưu giữ an toàn, không bị hư hỏng, rách vỡ vỏ và không ngấm, rò rỉ nước rác, phát tán chất thải, mùi ra môi trường”. Thế nhưng, những xe rác không những không được đậy bạt che phủ mà còn hỏng hóc, rò rỉ nước, thậm chí còn được tự chế gắn thêm thanh gỗ để chất rác được cao hơn.

Chia sẻ về việc những xe chở rác từ người dân được gia cố thêm bằng những thanh gỗ, tấm ván dài để thu được nhiều rác hơn trong một lần, bà Trương Hoàng Điệp – cán bộ tại Trung tâm quan trắc Tài Nguyên và Môi Trường bày tỏ: “Vì số lượng rác thải sinh hoạt ngày càng nhiều dẫn đến việc tự chế để chở được thêm nhiều rác, việc làm này tiết kiệm thời gian và giảm chi phí. Tuy nhiên, điều này gây mất trật tự an toàn công cộng, tăng nguy cơ xảy ra tai nạn cho người điều khiển. Các cấp ngành và địa phương cần có biện pháp thu gom rác thải phù hợp hơn như xây dựng định mức đơn giá dịch vụ vệ sinh môi trường phù hợp với thực tế, đưa ra các yêu cầu về chất lượng dịch vụ, nhân công, nghiên cứu áp dụng thu phí vệ sinh môi trường phù hợp.”

Hình ảnh được chụp lại tại một số con đường tại thủ đô Hà Nội:

anh-3-1.jpg
Nút giao giữa đường Láng và phố Pháo Đài Láng trở thành nơi tập kết xe rác (Ảnh: Nguyễn Hùng)

Theo ghi nhận, những xe rác trên được tập kết ở nút giao này mỗi ngày. Bên cạnh là quán bia hơi Đức Trọc. Thế nhưng những xe tập kết rác như này vẫn ngổn ngang, thậm chí mỗi ngày một nhiều hơn gây mất hình ảnh vệ sinh, ảnh hưởng đến việc ăn uống kinh doanh của những người dân sinh sống nơi đây.

anh-4-1.jpg
Xe rác lưu động lấn chiếm hết vỉa hè tại phố Chùa Láng (Ảnh: Nguyễn Hùng)

Tại phố Chùa Láng, nơi nhiều trường như đại học Ngoại thương, Học viện Ngoại giao, Học viện Phụ nữ, ấy thế mà cũng không thoát khỏi tình trạng ngập tràn rác thải. Ngay cạnh đèn giao thông giữa nút giao Huỳnh Thúc Kháng với phố Chùa Láng, người dân phải né tránh trong lúc chờ đèn đỏ vào giờ cao điểm.

anh-5-1.jpg
Nước rò rỉ từ xe rác chảy ra đen kịt tại đường Mạc Thái Tông bốc mùi hôi thối (Ảnh: Nguyễn Hùng)

Ghi nhận trên đường Mạc Thái Tông, những xe rác nhếch nhác, không tuân thủ theo quy định của pháp luật về che đậy khiến khi mưa xuống, nước ngập rác trong xe gây bốc mùi nồng nặc hôi thối. Thậm chí rò rỉ nước đen kịt xuống lòng đường, khiến người dân vô cùng khó chịu.

anh-6.jpg
Những xe rác không được đậy bạt bốc mùi nồng nặc tại đường Láng (Ảnh: Nguyễn Hùng)

Chỉ cần đi dọc đường Láng, cứ cách 1 - 2km là lại có những xe tập kết rác lưu động. Đáng nói hơn, những khoảng cách trống bên đường dành cho ô tô đỗ giờ đây đã trở thành “chỗ nghỉ” của rác. Nắng nóng ngày hè 40 độ, những xe rác được đặt cạnh dòng sông Tô Lịch vốn đã ô nhiễm, giờ đây lại càng ô nhiễm hơn.

anh-7.jpg
Những xe rác được tập kết dưới ngay những biển quảng cáo tại đường Thành Thái (Ảnh: Nguyễn Hùng)

Chỉ cách công viên Cầu Giấy vài trăm mét, thế nhưng có hàng chục xe rác nối đuôi nhau thành hàng. Rác thải được tập kết dưới các biển quảng cáo khiến mất mỹ quan đô thị. Đáng nói hơn, tình trạng này đã kéo dài từ lâu. Gờ đây, dưới chân những tấm biển quảng cáo kinh doanh không còn trơ trọi nữa, thay vào đó là những xe rác lưu động.

anh-8.jpg
Rác thải sinh hoạt vứt bừa bãi tại khu dân cư trên đường Tố Hữu (Ảnh: Nguyễn Hùng)

Nghịch lý rác thải trên đường Tố Hữu khi rác thải sinh hoạt người dân vứt ngổn ngang, không quy tụ về một điểm nhưng đặt cạnh đó lại là những xe rác trống không.

Trước hàng loạt những bất cập xuất phát từ các điểm “tập kết” rác lưu động trên địa bàn thành phố Hà Nội, để đường phố luôn xanh – sạch – đẹp, cần sự vào cuộc chung tay của cơ quan chức năng và các đơn vị liên quan.

Điều 26 Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT Yêu cầu kỹ thuật về bảo vệ môi trường đối với điểm tập kết, trạm trung chuyển chất thải rắn sinh hoạt

Điểm tập kết chất thải rắn sinh hoạt:

a) Điểm tập kết được bố trí bảo đảm kết nối hiệu quả giữa công tác thu gom, vận chuyển và xử lý; bán kính phục vụ thu gom tại hộ gia đình, tổ chức, cá nhân và khoảng cách an toàn môi trường thực hiện theo quy định tại QCVN 01:2021/BXD - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch xây dựng được ban hành kèm theo Thông tư số 01/2021/TT-BXD ngày 19 tháng 5 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch xây dựng và các quy định pháp luật khác có liên quan;

b) Điểm tập kết phải bố trí thiết bị lưu chứa chất thải có dung tích phù hợp với thời gian lưu giữ, bảo đảm không rò rỉ nước ra môi trường; thực hiện vệ sinh, phun khử mùi sau khi kết thúc hoạt động; điểm tập kết hoạt động trong thời gian từ 18 giờ đến 06 giờ sáng hôm sau phải có đèn chiếu sáng.

Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Tin nổi bật6 ngày trước

(Sóng trẻ) - Nhiều trường học trên cả nước đã tổ chức các hoạt động thiết thực nhằm hướng tới Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, tạo không khí thi đua phấn khởi cho học sinh, sinh viên và đội ngũ nhà giáo.

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Tin nổi bật6 ngày trước

(Sóng trẻ) - 94 năm qua, Mặt trận Thống nhất Việt Nam đã trở thành biểu tượng của sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, góp phần quan trọng trong sự nghiệp giải phóng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

Tin nổi bật6 ngày trước

(Sóng trẻ) - Ra đời vào năm 1950, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (Vietnam Union of Friendship Organizations - VUFO) đã góp phần to lớn trong việc xây dựng và phát triển mối quan hệ hữu nghị, hợp tác với các quốc gia và tổ chức quốc tế.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN