Rộng mở với cộng đồng LGBT
(Sóng trẻ) - Trong những năm trở lại đây, những câu chuyện xoay quanh công đồng LGBT đang được đề cập một cách mạnh dạn và cởi mở hơn. Điều này đang mở ra một tương lai tích cực cho cộng đồng người đồng giới.
Sự thay đổi tích cực
Theo báo cáo khoa học từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trên thế giới, người đồng giới chiếm khoảng 3- 5% dân số, và Việt Nam có khoảng 2,5 triệu người là người đồng tính, song tính hay người chuyển giới, gọi tắt là LGBT. Song trên thực tế, con số này vẫn chưa hẳn chính xác do tâm lý e ngại công khai giới tính thật của nhóm người này cũng như sự định kiến và kì thị của xã hội. Nhiều người đồng tính phải sống trong sợ hãi và im lặng, họ không dám sống thật với bản thân mình, thậm chí trước các nhìn soi mói của xã hội, nhiều người đồng giới còn nghĩ mình đang bị bệnh.
Tuy nhiên, một vài năm trở lại đây, nhiều người đã mạnh dạn công khai giới tính của mình. Họ tập hợp lại với nhau và đang đấu tranh mạnh mẽ cho quyền bình đẳng đáng được hưởng của cộng đồng LGBT. Họ đã tổ chức nhiều sự kiện có ý nghĩa, góp phần tích cực trong việc thay đổi nhận thức của xã hội đối với những người đồng giới, phải kể đến những hoạt động nổi bật như: Yêu là yêu, Yêu là cưới (2012) và gần đây nhất là chuỗi sự kiện “Tôi đồng ý” nhằm kêu gọi quyền bình đẳng giới và hôn nhân của người đồng tính, song tính và chuyển giới.
Cặp đôi đồng tính nữ Phương- Linh
Mạnh dạn sống thật với bản thân và dám đấu tranh cho quyền của mình, cộng đồng LGBT đang làm cho xã hội hiểu hơn về họ, chấp nhận và sống hòa nhập với họ.Trong khi xã hội còn nhiều định kiến thì sự thông cảm và ủng hộ của người thân chính là chỗ dựa tinh thần vững chắc của những người đồng giới.
Nhiều phụ huynh khi biết con mình là người đồng giới đã sẵn sàng chấp nhận giới tình thật của con, hơn thế nữa còn tham gia ủng hộ và đấu tranh cho quyền lợi của con cái mình.
Trong sự kiện vận động ủng hộ hôn nhân đồng giới, nhiều bậc phụ huynh đã đồng hành cùng với con tham gia đóng góp vào dự thảo sửa đổi hiến pháp về hôn nhân đồng giới. Cô Nguyễn Thị Thanh Thủy, đại diện PFLAG Việt Nam (Hội phụ huynh của người LGBT) có con trai đồng tính là Duy Hoàng, cô luôn đi đầu trong phong trào bảo vệ quyền cho con. Trong chiến dịch “Tôi đồng ý” lần này, bằng sức lực của mình, cô đã đi vận động những người xung quanh chỉ nhằm một mục đích duy nhất “giành lấy thiện cảm và sự ủng hộ cho cộng đồng LGBT”.
Cô Nguyễn Thị Thanh Thủy trong chiến dịch “Tôi đồng ý”
Sự chấp nhận của xã hội
Theo một điều tra xã hội học, 77% người dân thừa nhận quyền của người đồng tính. Điều này thể hiện cái nhìn ngày càng cởi mở của xã hội đối với cộng đồng LGBT. Từ chỗ không hiểu, không muốn hiểu và xa lánh người đồng giới thì nay nhiều người đã mạnh dạn tìm hiểu về cuộc sống của cộng đồng LGBT và còn có những hành động tích cực ủng hộ quyền của người đồng giới, đặc biệt là giới trẻ.
Với sự tham gia tích cực của truyền thông thì xã hội đã có cái nhìn đúng đắn và cảm thông với những người đồng giới. Thậm chí, nhiều bạn trẻ còn tự mình làm nhiều phim ngắn về cộng đồng LGBT với cái nhìn đúng đắn và sâu sắc về cuộc sống của họ.
Sự kiện “Thức tỉnh cầu vồng” do viện Nghiên cứu kinh tế, xã hội và môi trường (Viện iSEE) và Trung tâm Kết nối và Chia sẻ thông tin tổ chức cho cộng đồng LGBT mới đây đã thu hút hàng ngàn người tham gia kí tên và nhảy flashmob ủng hộ hôn nhân đồng giới.
Lá cờ sáu sắc cầu vồng biểu tượng cho công đồng LGB
Không thể phụ nhận vẫn có một bộ phận không nhỏ phản đối và kì thị người đồng giới nhưng với những hoạt động tích cực của cộng đồng LGBT thì xã hội sẽ nhanh chóng hiểu, cảm thông và chấp nhận họ.
Sự thừa nhận của phát luật?
Hiện nay, thế giới có 23 nước thừa nhận quyền của người đồng giới, 19 quốc gia đã hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới và Việt Nam cũng đang đưa vấn đề này ra bàn thảo trong kì họp thứ 6 Quốc hội khóa XIII lần này.
Việc đưa một vấn đề nhạy cảm, còn nhiều tranh cãi ra để bàn luận trong quốc hội đã thể hiện việc đề cao quyền con người trong hiến pháp và pháp luật Việt Nam. Nhiều đại biểu quốc hội cho rằng: “Chúng ta đang xây dựng nhà nước pháp quyền thì mọi công dân đều có quyền bình đẳng, huống chi ta đang nói đến quyền bình đẳng của hàng triệu người trong cộng đồng LGBT”. Trong khi đó cũng có nhiều ý kiến trái chiều cho rằng, nếu hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới sẽ dẫn đến sự thay đổi lớn liên quan đến nhiều ngành luật khác, không chỉ riêng luật Hôn nhân và Gia đình. Ông Dương Đăng Huệ, Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế (Bộ tư pháp) cho rằng: “Những nước đã hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới đã phải trải qua một quá trình rất dài để đi đến quyết định như thế thì Việt Nam cũng cần phải trải qua một quá trình để thích ứng”.
Có hay không hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới vẫn đang là vấn đề gây nhiều tranh cãi không chỉ trong quốc hội mà còn cả trong dư luận xã hội. Song điều quan trọng là sau sự kiện này, cộng đồng LGBT đã trưởng thành lên rất nhiều; hiểu rõ về quyền của mình; ý thức được bản thân; biết thêm kiến thức và giúp mọi người xung quanh hiểu về mình trên tinh thần tích cực. Họ đã tự hào hô vang “Tôi đồng ý sống thật, yêu thương, sẽ lên tiếng dù nghe phản đối, bởi vì tôi tin niềm vui bé nhỏ, hạnh phúc giản đơn, hôn nhân bình đẳng dành cho mọi người”.
Phạm Thị Thùy Dung
Truyền hình K31A1
Cùng chuyên mục
Bình luận