Sân trường còn vắng bóng học sinh đến bao giờ?
(Sóng trẻ) - Vì dịch bệnh Covid-19, từ lâu, sân các trường học tại Hà Nội đã vắng bóng học sinh. Việc học sinh bao giờ đi học trở lại đang được xã hội quan tâm, nhất là khi ngày Nhà nhà giáo Việt Nam 20/11 vừa qua, các em vẫn phải học tại nhà.
Theo bộ Y tế, tính đến 18 giờ 15 ngày 04/12/2021, Hà Nội ghi nhận thêm 455 ca bệnh dương tính với Covid-19. Có thể nhận thấy nguồn lây dịch bệnh đã gần như được kiểm soát hoàn toàn. Đây là kết quả của nhiều tháng nghiêm tục thực hiện phòng, chống dịch bệnh của nhân dân cả nước và sự lãnh đạo thông minh, tài tình của Đảng và Nhà nước. Chính vì vậy, Bộ GD&ĐT đã có văn bản gửi các địa phương yêu cầu, rà soát các điều kiện để tổ chức cho học sinh tới trường đảm bảo an toàn tại các cơ sở giáo dục. Đây là tin vui với học sinh và giáo viên cả nước vì việc dạy học trực tuyến cho học sinh đã gặp rất nhiều khó khăn và bất cập trong thời gian qua.
Chị Lê Thị Hiền, trú tại số 69 ngõ Văn Chương, Đống Đa, Hà Nội có con học tại trường tiểu học Văn Chương, cho biết lúc mới được nghỉ dịch thì còn thấy con vui vẻ, nhưng giờ thì con đòi được đến trường, được gặp bạn bè, thầy cô. Khi Hà Nội hết giãn cách, người lớn trở lại công việc, chỉ có mình trẻ nhỏ phải ở nhà học trực tuyến, việc này ảnh hưởng rất nhiều tới tâm lý trẻ nhỏ. Chị Hiền kể có lần bé tâm sự với chị: “Mẹ ơi bao giờ con được đến trường hả mẹ? Con ở nhà một mình buồn lắm, con muốn đến trường chơi với các bạn". Phận làm cha mẹ thấy con buồn, chị Hiền lòng không yên nhưng cũng chỉ biết ngồi chờ tin từ bộ GD&ĐT chứ chẳng thể làm gì hơn.
Đây là tâm trạng chung của không chỉ gia đình chị Hiền, mà của đa số gia đình có con trong tuổi cắp sách đến trường tại Hà Nội. Học sinh học trực tuyến, dù vẫn được nhìn thấy cô thầy, gặp gỡ với các bạn qua màn hình máy tính, điện thoại. Song không thể nào có được không khí lớp học, những tương tác, cử chỉ chân thật giữa người với người mà không thiết bị nào truyền tải được, chính những thứ đó nuôi dưỡng tâm hồn các em, giúp các em phát triển tư duy của mình. Thật đáng tiếc nếu như các em không được cùng nhau chơi đuổi bắt vào giờ ra chơi, cả lớp truyền nhau cuốn truyện Doraemon hay Conan, cùng nhau ăn trưa rồi ngủ trưa,... Đó là thế giới học trò, việc học tập sau màn hình điện tử sẽ tạo nên một khiếm khuyết lớn trong tâm hồn trẻ thơ của các em.
Nỗi nhớ trường lớp, mong được đến trường không chỉ đến từ phía các em học sinh, đó còn là nỗi nhớ của những người thầy, cô giáo-những người đã quen cầm phấn viết bảng, giờ phải ngồi một mình trước màn hình máy tính. Cô Vân Anh, giáo viên trường tiểu học Tam Khương, Đống Đa, Hà Nội chia sẻ: “Tôi và các giáo viên khác cũng rất nhớ các con, rất mong được cầm bàn tay bé xinh của các con để dạy các con viết chữ, tập múa. Hôm trước, tôi có bật lại ảnh ngày 20/11 những năm trước cho các con xem, cả lớp nhao nhao lên đòi đến trường, đứa thì đòi mua, đứa thì đòi múa quạt, đứa thì đòi hát, vui lắm! Tôi rất mong cô trò được gặp lại trước ngày 20/11 vì ngày đó rất có ý với những người giáo viên chúng tôi và cả các em học sinh nữa. Có nhiều em ước được làm giáo viên, tôi muốn kể cho các em về sự cao cả của nghề dạy học”.
Vào ngày 28/9/1982, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) đã ban hành quyết định thiết lập ngày 20/11 hằng năm là ngày lễ mang tên "Ngày Nhà giáo Việt Nam". Ngày 20/11/1982, lễ kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam đầu tiên được tiến hành trọng thể trong cả nước. Từ đó đến nay, đây là ngày truyền thống của ngành giáo dục để tôn vinh những người làm công tác trồng người. Trong ngày này, các học sinh thường tặng hoa, quà cho các thầy cô. Các trường học, địa phương tổ chức nhiều hoạt động tri ân. Ngành Giáo dục cũng thường nhân dịp này để đánh giá lại hoạt động giáo dục. Hà Nội nên cho học sinh đi học lại trước ngày 20/11 để học sinh được gặp gỡ lại bạn bè và tri ân những người thầy người cô của mình.
Trong trường hợp dịch bệnh diễn ra phức tạp, học sinh không thể đến trường thì giáo viên cần động viên, an ủi các em để các em hoàn thành tốt việc học tập trực tuyến. Đồng thời,giáo viên cần tổ chức buổi tri ân thầy cô, giúp các em hiểu hơn về ngày lễ thiêng liêng Ngày nhà giáo Việt Nam. Các thầy, cô cũng nên lắng nghe những lời chúc chân thành của các em và truyền lại những tâm tư, tình cảm của mình, lần lượt sao cho em nào cũng được nói, như vậy sẽ giúp các em bớt cô đơn trước màn hình điện tử khi học tập trực tuyến.