Sĩ tử tận dụng mạng xã hội làm công cụ ôn thi
(Sóng trẻ) - Chỉ còn vài ngày nữa, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 sẽ chính thức diễn ra. Trong giai đoạn “nước rút” này, nhiều sĩ tử phát huy hiệu quả ôn tập thông qua các nền tảng mạng xã hội.
Đa dạng hình thức ôn luyện trực tuyến
Trong những năm gần đây, trên các trang mạng xã hội, không khó để bắt gặp các cộng đồng học tập cho học sinh, đặc biệt là các sĩ tử lớp 12. Thay vì chen chúc nhau tại “lò” luyện thi, nhiều sĩ tử lựa chọn đăng kí các lớp ôn luyện và tham gia các nhóm học tập trực tuyến.
Chỉ với vài thao tác tìm kiếm đơn giản, các sĩ tử đã dễ dàng tìm thấy rất nhiều hội nhóm phù hợp với mục tiêu ôn thi của bản thân. “2k6 quyết tâm đỗ đại” hay “2k6 - luyện đề 2024” là những nhóm điển hình, thu hút từ hàng nghìn đến hàng chục nghìn sĩ tử tham gia. Được biết các nội dung đăng tải trong nhóm xoay quanh những thắc mắc trong quá trình ôn tập của các sĩ tử, hay sự “cầu cứu” lời giải những câu hỏi khó từ thầy cô, thành viên khác.
Bên cạnh đó, những buổi livestream chữa đề, dạy học trực tuyến của các thầy, cô giáo cũng thu hút nhiều học sinh theo dõi. Mặc dù truyền tải kiến thức bằng hình thức online, song các thầy, cô giáo luôn tìm cách để tương tác với học sinh như tặng quà cho những bạn trả lời đúng câu hỏi hoặc tuyên dương, khen thưởng trên các hội nhóm nội bộ. Nếu có sự phù hợp về phương pháp giảng dạy, sĩ tử sẵn sàng đăng kí các khóa học, ôn thi trực tuyến theo lộ trình có sẵn của các thầy, cô giáo đó.
Ngoài Facebook, những kiến thức bổ ích, bí kíp thi cử, mẹo ôn tập từ những anh chị đi trước cũng được chia sẻ rộng rãi trên nền tảng mạng xã hội khác như Youtube, TikTok, Instagram...
Chi phí thấp, hiệu quả cao
Với giá thành ở mức trung bình, giao động trong khoảng hơn 1.000.000 đồng đến hơn 2.000.000 đồng, kết hợp với tài liệu học tập đi kèm, nhiều khóa học thu hút đông đảo học sinh tham gia và nhận về các phản hồi tích cực. Hương Giang - học sinh lớp 12 (Đống Đa, Hà Nội) yêu thích hình thức học tập trực tuyến bởi việc học có thể chủ động về thời gian và không bị ảnh hưởng bởi các yếu tố ngoại cảnh trong quá trình di chuyển tới lớp học.
“Mình rất biết ơn các thầy cô, anh chị đã sẵn sàng chia sẻ những kiến thức hay cho mình cũng như các sĩ tử khác một cách miễn phí. Yêu cầu duy nhất để tham gia các buổi học miễn phí như thế này là tương tác với thầy cô trong suốt quá trình học, song mình thấy điều này vừa giúp mình hiểu bài hơn, đồng thời cũng là động lực để các thầy cô tiếp tục giảng dạy và đồng hành cùng sĩ tử chúng mình”, Hương Giang bày tỏ.
Đồng quan điểm với Hương Giang, Minh Quân (2005, Lạng Sơn) là một thí sinh tự do trong kỳ thi năm nay, cũng nhận thấy học online mang lại nhiều hiệu quả. Do đã có nền tảng kiến thức từ trước, Minh Quân tự tin lựa chọn tự học thông qua những khóa học luyện đề, không cần phụ thuộc vào trường lớp hay trung tâm luyện thi.
Bên cạnh đó, Quân cho biết nhược điểm của hình thức học tập này là đòi hỏi sự tự giác cao. “Khi chưa hiểu bài, mình có thể dễ dàng xem đi xem lại nhiều lần bài giảng. Việc này đặt ra yêu cầu bản thân phải có tính kỷ luật, tự giác, chăm chỉ đúng tiến độ để đạt được sự hiệu quả của các khóa học đặt ra”, Quân chia sẻ.
Những năm gần đây, không ít sĩ tử lựa chọn phương pháp ôn thi qua các khóa học trực tuyến và đạt được điểm số ấn tượng. Chia sẻ về kinh nghiệm ôn thi của bản thân cho các sĩ từ năm nay, Quang Huy (19 tuổi, sinh viên trường Đại học Thương Mại) cho biết trong giai đoạn chuẩn bị thi của năm trước, Huy đã tranh thủ tự học bằng việc lắng nghe những bài giảng trên Youtube, Facebook hay những công thức nhanh, mẹo vặt giải bài trên Tiktok. Nhờ việc ôn tập chăm chỉ, bạn đạt điểm số khá tốt ở môn Toán (8,8 điểm) và Vật lý (8,75 điểm).