Sôi động thị trường bánh trung thu với giá "siêu rẻ"
(Sóng trẻ) - Cận kề tết Trung thu, thị trường kinh doanh trở nên sôi động hơn với đa dạng sản phẩm. Nhiều mặt hàng liên quan đến dịp lễ được rao bán, đặc biệt là các mặt hàng bánh trung thu.
Đa dạng các mặt hàng bánh Trung thu
Cận kề Tết Trung thu là thời điểm các doanh nghiệp, nhà trường,... có nhu cầu mua bánh trung thu số lượng lớn làm quà hay tổ chức hội. Đáp ứng nhu cầu này, trên “chợ ảo”, các sản phẩm bánh trung thu được rao bán vô cùng đa dạng và hấp dẫn như bánh nhân trứng chảy, mochi trứng muối, trà xanh,... với giá khởi điểm chỉ từ 5.000 đồng cho loại bánh loại nhỏ và 15.000 đồng với loại bánh to.
Đại đa số nhu cầu của người tiêu dùng Việt là “ngon - bổ - rẻ”. Thế nên, nhiều sản phẩm bánh trung thu với giá cả hấp dẫn, hương vị thơm ngon cùng những lời quảng cáo hoa mỹ khiến người dùng sẵn sàng "chi tiền" nhanh chóng. Tuy nhiên, nhiều người tiêu dùng không quá để tâm đến thành phần sản phẩm, cũng như nguồn gốc xuất xứ, điều này có thể gây nhiều tác hại, ảnh hưởng đối với sức khỏe khi sử dụng.
Tìm hiểu kỹ về các sản phẩm bánh trung thu được rao bán, hầu hết các sản phẩm đều là loại bánh trung thu không rõ nguồn gốc, không có nhãn mác và không theo các quy định an toàn vệ sinh thực phẩm. Thêm vào đó, vì dễ bán, thu lợi nhuận nhanh chóng nên mặt hàng này được kinh doanh khá rộng rãi. Bất chấp lương tâm cùng với hình phạt có thể phải nhận khi thực hiện hành vi buôn bán bánh trung thu không rõ nguồn gốc.
Chị N.T.T kinh doanh mặt hàng đồ ăn vặt trên sàn thương mại điện tử Shopee chia sẻ: “Hàng của shop chủ yếu là nhập đồ ăn vặt đang hot ở Trung Quốc. Bánh được khách hàng khen ngon và ủng hộ nhiều nên tiếp tục bán. Bánh không cần giấy tờ gì cả, khách hàng ăn mấy năm nay vẫn ổn, còn có khách nhập sỉ để bán”.
Để thúc đẩy việc tiêu thụ sản phẩm và tạo điều kiện thuận lợi cho người tiêu dùng, các doanh nghiệp tích cực đẩy mạnh bán hàng trực tuyến thông qua các sàn thương mại điện tử như Lazada, Tiki, Shopee, cũng như các ứng dụng giao hàng như Grab, Bee. Đồng thời, các tiểu thương sản xuất bánh handmade cũng tận dụng mạng xã hội như Zalo và Facebook, cùng các nhóm mua bán trực tuyến và cộng đồng khu dân cư để tiêu thụ sản phẩm của mình.
Cẩn trọng với thực phẩm không có nguồn gốc xuất xứ
Hiện nay, các sản phẩm bánh trung thu được rao bán trên mạng trở nên vô cùng phổ biến, với trọng lượng khoảng 40 - 50 gam và giá thành rẻ. Những chiếc bánh được quảng cáo với nhiều hương vị hấp dẫn như dâu tây, cam, đậu đỏ,... Mặc dù được giới thiệu là có hương vị và chất lượng không thua kém các sản phẩm bánh trung thu cao cấp nhưng giá chỉ dao động từ 3.500 - 4000 đồng mỗi chiếc. Giá cả sẽ rẻ hơn khi đặt mua số lượng lớn.
Chị Phạm Anh Thư (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết: "Mình thấy các loại bánh trung thu size nhỏ trên thị trường đang được người tiêu dùng ưa chuộng. Bởi những chiếc bánh đó khá mới mẻ, giá thành rẻ và đa dạng hương vị”.
Theo tìm hiểu, các sản phẩm bánh trung thu handmade được quảng cáo là "sản phẩm nhà làm, đảm bảo vệ sinh" nhưng không có kiểm chứng. Giá của sản phẩm được cho là an toàn này chỉ gần 20.000đ/chiếc với đầy đủ mẫu mã. Tuy nhiên, khi phóng viên hỏi về giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm, người bán cho biết rằng do tự mua nguyên liệu và làm bánh tại nhà nên không có giấy chứng nhận.
Chia sẻ về vấn đề bánh sử dụng phẩm màu, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh - Chuyên gia về Công nghệ Thực Phẩm cho biết sẽ rất nguy hiểm cho sức khỏe nếu bánh sử dụng màu công nghiệp không có trong danh mục Bộ Y tế cấp phép. Vì thế, người dân không nên mua và sử dụng những loại bánh trung thu không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không công khai bảng nguyên liệu thành phần. Chưa kể đến, bánh trung thu dễ bị ẩm và nấm mốc nên có thể trong bánh chứa chất bảo quản.
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh nhấn mạnh thêm: “Người tiêu dùng phải rất thận trọng khi trên thị trường có quá nhiều sản phẩm bánh trung thu trôi nổi không rõ nguồn gốc xuất xứ. Khi mua bất kể loại hàng hoá nào, đặc biệt là thực phẩm ăn trực tiếp như bánh trung thu, quan trọng nhất là nhãn mác và thành phần sản phẩm. Nếu nhà sản xuất không đưa các thông tin đó lên bao bì sản phẩm, người dân tuyệt đối không mua”.
Bên cạnh đó, Cục Thương mại Điện tử & Kinh tế số (Bộ Công Thương) cũng cảnh báo người tiêu dùng về các loại bánh giá rẻ, không nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng được bán tràn lan trên các hội nhóm, chợ mạng. Nhiều sản phẩm chứa các chất phụ gia không cho phép sử dụng hoặc vượt quá giới hạn cho phép; thực phẩm chứa các chất độc hại; thực phẩm bị hư hỏng biến chất do điều kiện bảo quản không bảo đảm..
Mặc dù đã có nhiều cảnh báo về chất lượng sản phẩm nhưng vẫn có nhiều người tiêu dùng dễ tính với những sản phẩm bánh trung thu giá rẻ, không rõ nguồn gốc đang tràn lan trên các sàn thương mại điện tử. Do đó, với các mặt hàng không cung cấp đủ thông tin về thành phần, hạn sử dụng, hay bảo quản sơ sài, người tiêu dùng nên đặt câu hỏi về chất lượng của các sản phẩm, tránh "tiền mất, tật mang".