Sống cùng mương “chết” giữa lòng Thủ đô
Cả chục năm nay, con mương Đồng Bông (quận Cầu Giấy) luôn trong tình trạng oằn mình “cõng” đủ loại rác thải, dòng nước đen đặc sủi bọt trắng và bốc mùi hôi thối rợn cả người. Từ một con mương xanh, nay Đồng Bông đã trở thành nỗi ám ảnh kinh hoàng của những người dân sinh hoạt gần đó.
Tuyến mương thoát nước Đồng Bông có đoạn đi qua cụm tiểu thủ công nghiệp và công nghiệp nhẹ quận Cầu Giấy với chiều rộng 20m, chiều dài 300m được chia làm hai đoạn, ngăn cách bởi một cây cầu trên phố Duy Tân. Do hệ thống nước thải chưa được cống hóa cũng như ý thức của người dân đã khiến con mương trở nên ô nhiễm trầm trọng.
“Án tử” cho dòng mương xanh
Những người đi qua đây đều cố gắng đi thật nhanh, đeo khẩu trang hoặc dùng tay bịt kín mũi để tránh ngửi phải cái mùi “thối đến lộng cả óc” này. Nước mương lúc nào cũng trong tình trạng đặc quánh, rác nổi lềnh phềnh và bốc mùi hôi hôi thối nồng nặc.
Dòng nước ô nhiễm trầm trọng đổi màu xám đen
Anh Trần Minh Toán (Chủ cửa hàng sửa chữa điện tử đối diện mương) cho biết: “Trời nắng to, mùi xộc lên làm bầu không khí rất ngột ngạt, người ở nơi khác đến không quen còn thấy váng cả đầu. Còn đợt nào mưa to là nước tràn vào nhà, cuốn cả rác rưởi theo”.
Ô nhiễm từ đâu?
Hai bên bờ mương phần lớn là các hàng rửa xe, quán ăn vỉa hè, khu thu mua phế liệu,… và các hộ gia đình sinh sống. Bởi vậy, bên cạnh việc hệ thống nước thải chưa được cống hóa dẫn đến ô nhiễm, thì một nguyên nhân lớn khác chính là do ý thức của người dân.
Video: Ý kiến của người dân về tình trạng ô nhiễm ở mương Đồng Bông
Đi dọc tuyến mương có thể thấy hàng chục đường ốc xả nước chưa qua xử lý vào thẳng lòng mương. Nài nước thải sinh hoạt của các hộ dân, nguy hiểm hơn, nó còn là nước thải của các cửa hàng sửa chữa – rửa xe ngay trên bờ: từ nước xà phòng rửa xe, cho tới hóa chất tẩy rửa máy móc, thậm chí là cả dầu thừa cũng được… đổ ào một cái xuống thẳng lòng mương.
Trên mặt nước nổi váng, đặc kịt ấy là đủ loại rác thải của những hộ dân gần đó. Họ ném xuống mương đủ thứ, từ thức ăn thừa, rác thải sinh hoạt đến rác thải công nghiệp. Lớp bùn đóng thành những mảng dày, khô lại ở hai bên bờ và đặc quánh ở giữa mương. Đoạn nào nước “trong” được một chút thì rác còn được trôi rải rác, còn lại đa phần là rác đóng thành từng mảng lớn, bầy nhầy nổi trên mặt nước.
Nước mương khô cạn lộ ra lớp bùn dày đóng thành từng mảng
Con đường sát mương Đồng Bông cũng chịu chung số phận khi trở thành điểm tập kết rác và vật liệu xây dựng: từ chai lọ, vỏ đồ ăn,… cho đến bê tông, gạch ngói, cát sỏi,… cũng chất thành từng đống. Rác thải cứ chất đầy bờ rồi trôi xuống mương khiến dòng nước đã bẩn nay lại thêm tắc nghẽn kéo dài cả chục năm nay.
Từ các loại rác vô cơ tới rác hữu cơ đều được dồn về đây
Hàng ngày đều có công nhân của công ty môi trường qua thu dọn rác thải. Thế nhưng họ không hề dọn rác ở hai bên bờ mương. Khi hỏi một công nhân môi trường lý do, họ lại bảo: “Không cần thiết”, tỏ ra khó chịu và chuyển qua quét dọn chỗ khác!?
“Chết yểu” cùng con mương
Trước đây, mương Đồng Bông được đào đắp để phục vụ cho sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt của các hộ dân cư. Nhưng với tốc độ đô thị hóa chóng mặt, nó đã trở thành nơi chứa và xả nước thải của khu vực này.
Nài việc mất mỹ quan đô thị, mương “chết” còn là mối đe dọa tới sức khỏe của người dân bởi đây là nơi sinh sôi của nhiều loại côn trùng gây bệnh truyền nhiễm. Các hóa chất hay kim loại nặng tồn dư trong nước cũng là nguyên nhân sâu xa gây nên nhiều căn bệnh cực kỳ nguy hiểm như ung thư, sảy thai, dị tật bẩm sinh,…
Mặc dù có biển cấm vứt rác được cắm xuống lòng mương, nhưng rác vẫn cứ “ngang nhiên” nổi lên. Giải quyết triệt để vấn đề ô nhiễm này là một vấn đề cấp bách, cần có sự vào cuộc của chính quyền địa phương cũng như sự tự giác của người dân.
Nguyễn Huệ Anh
Đa phương tiện K34 A2
Cùng chuyên mục
Bình luận