Streamer - Giấc mộng làm giàu
(Sóng trẻ) - Trong những năm gần đây, làm streamer ngày càng trở nên phổ biến không những ở Việt Nam mà còn trên toàn thế giới. Có rất nhiều bạn trẻ sẵn sàng đánh đổi mọi thứ để theo đuổi ước mơ trở thành một streamer nổi tiếng. Liệu con đường này có trải đầy hoa hồng như trong tưởng tượng?
Streamer – trào lưu bùng nổ trong giới trẻ
Streamer (hay caster) được hiểu là những người phát sóng trực tiếp trên mạng internet khi bình luận hoặc chơi trò chơi điện tử. Việc phát sóng chủ yếu dựa trên các nền tảng website có nhiều người sử dụng như Twitch, Youtube, Facebook, CubeTV… Các streamer thường chọn những tựa game có nhiều người yêu thích như Liên Minh Huyền Thoại, CS:, PUBG, Liên Quân Mobile… Nhiệm vụ của streamer là khiến sự xuất hiện của họ mang đến niềm thích thú cho người xem. Chính vì vậy, đây là một công việc yêu cầu kĩ năng mềm khá cao, có thể bạn không giỏi về game nhưng nhất định phải có duyên trò chuyện với khán giả.
Streamer hàng đầu Việt Nam: ViruSs (Đặng Tiến Hoàng)
Trong vòng 1 – 2 năm trở lại đây, với sự phát triển như vũ bão của thể thao điện tử, khái niệm streamer đã trở nên quen thuộc với cộng đồng game thủ cũng như những người yêu thích các trò chơi trực tuyến. Khi mới du nhập vào Việt Nam, các streamer chỉ đơn giản làm vì sở thích cá nhân với mục đích giao lưu và chia sẻ tới mọi người. Tuy nhiên, sau sự thành công của hàng loạt tên tuổi nổi tiếng, giới streamer ngày càng trở nên chuyên nghiệp với sự đầu tư bài bản. Thậm chí, đã có những công ty đào tạo, quản lý streamer. Có thể kể tới một vài cái tên đang làm mưa làm gió trong giới trẻ như PewPew, ViruSs, QTV, Trực tiếp game… và không ít các nữ streamer xinh đẹp: Misthy, Linh Ngọc Đàm, Xuka,… Công việc của họ là ngồi trước máy tính nhiều giờ mỗi ngày để chơi game, trò chuyện, reaction (phản ứng) khi xem một chương trình hoặc video nào đó. Khi đã có danh tiếng, họ còn được mời tham gia các sự kiện, quay quảng cáo…
Pewpew – streamer có lượng fan đông đảo ở Việt Nam đã có bước tiến vào showbiz khi tham gia chương trình “Vì yêu mà đến”
Với sự nổi tiếng và có hàng ngàn người hâm mộ, thu nhập của streamer trong thời buổi ngày nay được đánh giá khá cao. “Lương” của họ đến từ nhiều nguồn khác nhau như sự ủng hộ, đóng góp của người xem (donate), lượt xem, số lượng người theo dõi kênh (trở thành đối tác của các nền tảng phát sóng sẽ được họ chi trả) và đặc biệt là các nhà tài trợ và quảng cáo. Lượt xem của kênh phát sóng càng cao đồng nghĩa với việc streamer càng có thêm thu nhập. Những tên tuổi hàng đầu như PewPew, ViruSs, Misthy có tới hàng triệu lượt theo dõi trên kênh Youtube, mỗi lần phát stream, trung bình có khoảng 5000 – 10.000 lượt xem, video phát lại cũng thu hút hàng trăm nghìn lượt xem. Với tiếng tăm như vậy, các streamer có cơ hội phát triển công việc của mình.
Kênh Trực Tiếp Game của streamer Dũng CT mở một shop phụ kiện game thủ được đông đảo người hâm mộ ủng hộ
Gần đây nhất, PewPew tham gia vào các chương trình truyền hình, ViruSs được bổ nhiệm vị trí Giám đốc cộng đồng của VTVPlay – một kênh thông tin trực tuyến về thể thao điện tử của VTV, Misthy được mời đóng MV ca nhạc. Chính vì những đồn đoán về mức thu nhập trong mơ nên làm streamer đang trở thành một trào lưu với các bạn trẻ. Những kênh phát sóng mọc lên như nấm sau mưa, các nền tảng website cũng ngày càng được cải tiến để phục vụ tốt nhất nhu cầu của khán giả. Streamer giờ đây được nhận định là một nghề có rất nhiều tiềm năng để phát triển trong tương lai.
Cả ngày ngồi chơi game cuối tháng kiếm hàng chục triệu liệu có dễ dàng?
Công việc này phổ biến trong giới trẻ nhưng đối với người lớn tuổi và xã hội nói chung vẫn còn nhiều nghi ngại. Hầu như ít ai được gia đình ủng hộ ngay từ đầu. Đối với Đàm Ngọc Linh, cô từng vấp phải sự phản đối gay gắt từ gia đình: “Bố mẹ nói nhìn cái công việc đã thấy không đàng hoàng. Nhưng vì ham thích và tin tưởng vào sự lựa chọn của mình nên Linh vẫn theo đuổi. Lâu dần, bố mẹ cũng chuyển từ thành kiến sang ủng hộ”.
Đàm Ngọc Linh có 300.000 lượt theo dõi trên Instagram. Trên Facebook, cô nàng có hơn 700.000 lượt theo dõi và kênh Youtube là gần 750.000 lượt đăng ký
Chi phí cho một dàn máy để stream là rất lớn với các thiết bị cơ bản bao gồm: máy tính cấu hình cao, bàn phím, lót chuột, ghế ngồi, camera, microphone,… Nếu không có nhà đầu tư hay công ty đứng sau, người trẻ rất khó để sắm được một “bộ đồ nghề” như thế.
Bên cạnh đó, ngồi một chỗ quá lâu với máy tính, sức khỏe bị suy giảm là điều có thể đoán trước. Chưa kể, đặc thù của nghề này phải vừa tập trung chơi vừa phải nói để giao lưu với khán giả, tốn rất nhiều công sức chứ không hề nhàn hạ. ViruSs chia sẻ: “Có lần mình đùa vui cứ 100.000 sẽ stream 30 phút, bất ngờ có một bạn quyên góp 1000 đô lận. Số tiền quá lớn, mình đành phải stream liền 44 tiếng không ngủ. Kết thúc buổi stream mình thấy choáng váng và phải đi truyền nước ngay lập tức. Vào nghề đã 8 năm, mình dần muốn tách biệt khỏi máy tính nhưng khó quá. Tương lai sẽ đào tạo lứa mới để thay mình, chứ mình không thể stream mãi được”.
Hơn nữa, đây còn là công việc có sự cạnh tranh gay gắt, người mới khó có thể thành công ngay được mà cần phải có sự kiên trì và may mắn. Bởi lượng người xem có hạn, khán giả thường chỉ chọn những người tốt nhất, nổi tiếng nhất để xem. Nếu dễ nản lòng và không biết cách giao tiếp, công việc này không dành cho bạn. Thái độ tương tác, kĩ năng giao tiếp, hay thậm chí là cái duyên với nghề chính là yếu tố cốt lõi để thu hút khán giả.
Đặng Thị Minh Trang
Báo in K35A2
Cùng chuyên mục
Bình luận