Talkshow “Step by step”: Cùng mạnh mẽ lên tiếng hay chết chìm trong im lặng?
(Sóng trẻ) - Được tổ chức bởi CLB Hành động vì Bình đẳng giới và phát triển bền vững, talkshow đã trang bị cho các bạn trẻ kiến thức và các giải pháp phòng tránh, xử lý khi bản thân và mọi người xung quanh là đối tượng của quấy rối tình dục.
Trong thời gian gần đây, hành vi quấy rối tình dục thường xuyên xảy ra ở các nơi công cộng. Nạn nhân chủ yếu của vấn nạn này là phụ nữ và trẻ em gái. Tuy nhiên, đứng trước vấn đề bức xúc này, hầu hết nạn nhân thường không lên tiếng tố cáo và tự mình giữ những vết thương lớn trong tâm hồn.
Talkshow “Step by step” thuộc khuôn khổ dự án “Hy vọng mùa 2”, được tổ chức vào 13h30 ngày 29/6 tại Học viện Phụ nữ Việt Nam, mang đến kiến thức, kinh nghiệm và hoạt động thực tiễn liên quan đến phòng, chống quấy rối tình dục cho giới trẻ, đặc biệt là nữ giới.
Talkshow có sự tham dự của Ths. Bác sĩ Đỗ Việt Dũng - Chuyên gia về sức khỏe cộng đồng, Truyền thông thay đổi hành vi, Đào tạo và kỹ năng sống; Ths. Đỗ Trọng Tuân, Giảng viên khoa Luật tại Học viện Phụ nữ Việt Nam; chị Đặng Thu Phương - Quản lý dự án “Hy vọng Batik”; TS. Trần Thị Thu Hiền - Phó trưởng khoa Giới và Phát triển và các giảng viên, chuyên gia trong lĩnh vực Giới.
Mở đầu chương trình là phim ngắn “Vụ kiện thế kỷ”. Thước phim ý nghĩa đã mang tới cho khán giả nhiều trăn trở: Các hành vi nào được coi là quấy rối tình dục? Tại sao phụ nữ lại lựa chọn im lặng khi bị quấy rối tình dục? Tại sao khi phụ nữ lên tiếng tố cáo, mọi người lại lựa chọn tin lời của nam giới hơn?
Chia sẻ cảm nhận khi xem xong tập phim “Vụ kiện thế kỷ”, Ths. Bác sĩ Đỗ Việt Dũng nhấn mạnh vào cụm từ “định kiến giới”. Định kiến giới xuất hiện thường xuyên trong cuộc sống của người phụ nữ: họ không được tôn trọng ở nơi làm việc, ở nhà thờ, ở bệnh viện và các nơi công cộng. Chính những điều này đã khiến cho phụ nữ phải chịu đựng nhiều hậu quả nặng nề như: bạo lực gia đình hay quấy rối tình dục.
Dũng cảm lên tiếng
Ai cũng có thể là nạn nhân của quấy rối tình dục. Nguyên nhân chính bắt nguồn từ việc thủ phạm bị các bệnh tâm lý hoặc có thái độ coi thường người khác; nạn nhân không dám lên tiếng tố cáo vì các định kiến giới, cộng đồng thường đổ lỗi cho nạn nhân là khởi nguồn của mọi chuyện. Và điều đáng chú ý nhất là các chế tài, pháp luật chưa đủ tính răn đe.
Ở phần đối thoại trực tiếp, trước những tình huống cụ thể của các bạn sinh viên gửi về cho chương trình, các chuyên gia đều đặc biệt nhấn mạnh cụm từ “dũng cảm lên tiếng”. Hiện nay, chưa có bộ luật nào quy định rõ ràng về hành vi quấy rối tình dục. Chính vì vậy, mỗi chúng ta cần có ý thức ngăn chặn quấy rối tình dục bằng cách nhận diện hành vi, có kiến thức và kỹ năng ứng xử và cần có dũng khí để vạch trần sự thật.
Trả lời cho câu hỏi “Tại sao nạn nhân đều không dám lên tiếng mà âm thầm chịu đựng?”, bạn Hàn Văn Tiền, sinh viên ngành Truyền thông đa phương tiện cho biết: “Đa phần đều xuất phát từ tâm lý chung là lo sợ cái nhìn của xã hội nhắm vào bản thân mình. Họ sẽ hướng đến bản thân người phụ nữ đầu tiên. Cộng đồng đổ lỗi do cách ăn mặc, do ngoại hình và cách ứng xử của mình. Cùng với đó, nạn nhân là trẻ vị thành niên không ý thức được đâu là hành vi quấy rối tình dục”.
TS. Trần Thị Thu Hiền nhấn mạnh: “Khi chúng ta lên tiếng, chúng ta không nên đơn độc trên hành trình đưa ra ánh sáng. Hãy tìm đến các đoàn thể, tổ chức để có tiếng nói mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn; đồng thời để được bảo vệ các quyền cơ bản của mình".
Định kiến giới chính là nguyên nhân cốt lõi khiến cho các nạn nhân nói chung, nữ giới nói riêng không dám lên tiếng để tố cáo hành vi quấy rối. Talkshow “Step by step” đã mang đến cho công chúng góc nhìn mới về vấn nạn quấy rối tình dục, những thông tin bổ ích để mọi người tự bảo vệ bản thân và cách ứng xử khi vô tình trở thành nạn nhân.