Thế hệ trẻ thờ ơ với làng nghề truyền thống
(Sóng Trẻ) - Thế hệ trẻ - lực lượng sẽ nối sử, gìn giữ và phát huy các sản phẩm tinh hoa truyền thống giờ lại khá thờ ơ và không thiết tha gì với các làng nghề Việt.
Sự ra đi của nhiều làng nghề truyền thống
Dọc dài đất nước, trên lớp trầm tích của rất nhiều nền văn hóa là những làng nghề truyền thống mang đậm hồn cốt dân tộc. Những sản phẩm rất gần gũi, thiết yếu cho cuộc sống ở các làng nghề này nhiều khi đã đạt đến trình độ tinh xảo qua quá trình hoàn thiện, chọn lọc gắt gao của thời gian và con người.
Tiêu biểu là nghề nón làng Chuông, lụa Vạn Phúc (Hà Đông), làng đúc đồng Ngũ Xã, làng tranh Đông Hồ, Hàng Trống, làng Sình, gạch Bát Tràng, gỗ Kiêu Kỵ… nức tiếng cả nước. Riêng Hà Nội đã có 277/1350 làng nghề được công nhận. Nhắc đến nhiều người vẫn rưng rưng như sống lại thời hoàng kim, náo nức người vào ra mua bán
.
Hiện nay, công cuộc công nghiệp hóa- hiện đại hóa với nhịp sống của kinh tế thị trường đã khiến những sản phẩm dân tộc gần gũi đó trở nên lạc hậu. Quá trình hội nhập như một lẽ tất yêu khiến các sản phẩm công nghiệp mẫu mã đẹp, tiện dụng, cạnh tranh lên ngôi. Dòng chảy mạnh mẽ của quy luật kinh tế thị trường đè bẹp hình thức sản xuất thủ công manh mún, địa phương. Từ đó các làng nghề lâm vào khó khăn do không thể cạnh tranh, tái sản xuất nên dân dần thoái hóa, sống thoi thóp và chỉ còn tầm vóc độc đáo ở góc nhìn văn hóa.
Nhiều làng nghề truyền thống Việt hiện nay đang tồn tại "thoi thóp"
Không ít những làng nghề đã biến mất như tranh làng Sình, tranh Kim Hoàng. Nhiều làng nghề bị suy thoái, ví như làng tranh Đông Hồ (Bắc Ninh) chỉ còn hai gia đình theo nghề là ông Nguyễn Đăng Chế và Nguyễn Hữu Sam. Làng đúc đồng Ngũ Xã là chủ nhân của hầu hết các pho tượng phật lớn nhỏ ở Hà Nội cũng chỉ còn vài hộ còn giữ nghiệp. Hay làng lụa Vạn Phúc (Hà Đông), làm nón làng Chuông (Hà Nội) cũng chỉ còn quy mô rất nhỏ.
Giới trẻ thờ ơ trước giá trị làng nghề
Sự ra đi của các làng nghề được giải thích bằng nhiều nguyên nhân, từ kinh tế đến văn hóa nhưng một trách nhiệm không nhỏ thuộc về các cơ quan quản lí và cá nhân con người. Nói về con người, phải thẳng thắn thừa nhận thế hệ thanh niên hầu như không ai thiết tha với làng nghề truyền thống. Ở các trường học, tên các làng nghề hầu như xa lạ với các em học sinh, thậm chí với cả nhiều sinh viên.
Anh Lê Văn Trung (Đông Hồ - Bắc Ninh) chia sẻ : “Làng tôi giờ toàn làm vàng mã chứ làm tranh còn mỗi ông Sam (Nguyễn Hữu Sam) và ông Chế (Nguyễn Đăng Chế). Vàng mã làm quanh năm, xuất đi khắp nước, ra đến đâu hết đến đấy vì nó đảm bảo kinh tế chứ làm tranh thì không sống nổi”. Thanh niên trong làng tranh Đông Hồ chỉ có vài người thế hệ sau của nhà ông Nguyễn Đăng Chế và ông Sam là nối nghiệp, còn lại đều quay sang làm nghề khác và không có vẻ thiết tha đối với dòng tranh nổi tiếng này.
Không khác mấy với làng tranh Đông Hồ, nhiều thanh niên làng lụa Vạn Phúc (Hà Đông) cũng không mặn mà với khung cửi dệt (mặc dù công đoạn đã được cơ giới hóa khá nhiều) mà tìm nghề khác mưu sinh. Trong các chợ vải lụa tơ tằm sức mua không nhiều, chủ yếu bán cho khách du lịch.
Chị Thanh Vân cho biết "Thanh niên trong làng không còn mấy người biết dệt và có khung cửi trong nhà, và nhiều đứa trẻ không biết về lịch sử làng lụa nổi tiếng mình sinh ra".
Ở các trường đại học, phổ thông, khi được hỏi hầu hết các sinh viên trả lời rằng biết rất ít về các làng nghề, và đi tham quan các làng nghề đó thì lại hiếm hoi nữa. Bạn Trung Anh (Đại học Bách khoa Hà Nội) nói: “Mình có nghe nói đến các làng nghề đó nhưng chưa đến bao giờ, đôi khi ti vi phát chương trình về các làng nghề thì chủ yếu ở khía cạnh văn hóa chứ không phải là góc nhìn kinh tế. Mình cũng nghĩ các sản phẩm thủ công không thể cạnh tranh được với hàng nại cả về mẫu mã lẫn thương hiệu”.
Ông Trần Văn Hải, chủ nhiệm HTX mây tre đan Chính Mỹ cho biết "Xu hướng thoát ly nghề truyền thống hiện rất rõ trong giới trẻ. Nài những người học đại học, cao đẳng để thoát ly nghề thì rất nhiều thanh niên đi làm ở các khu công nghiệp chứ không làm nghề truyền thống của làng”.
Băn khoăn câu hỏi "Trách nhiệm"?
Các sản phẩm từ làng nghề là sự hãnh diện, kì công, khéo léo, nghiêm túc của người thợ và cũng góp phần làm nên văn hóa cũng như tâm hồn người Việt. Nhưng thời gian qua đi, chiến tranh tàn phá khiến cho phần nhiều những giá trị ấy bị vùi lấp. Gần đây, đã có sự quan tâm của các cơ quan hữu quan đến việc phục dựng lại các làng nghề. Nhưng bài toán này trở nên nan giải khi không có được một sự đầu tư đúng mức, đồng bộ và quyết liệt.
Ông Nguyễn Đăng Chế (nghệ nhân lớn nhất của làng tranh Đông Hồ) ngậm ngùi nói "Tôi làm tranh vì yêu nghề truyền thống và đều tự đầu tư chứ Nhà nước không hỗ trợ gì cả”. Cùng tâm sự như ông là hàng trăm nghệ nhân khác, dù các cơ quan quản lí có những động thái lưu giữ nhưng rất mờ nhạt, hoặc chỉ tập trung ở một vùng,một nghề nào đó mà thiếu sự đầu tư tổng thể, đồng bộ.
Trong những triển lãm, Festival hằng năm rất ít khi các sản phẩm làng nghề truyền thống được trưng bày, giới thiệu hoặc có nhưng rất khiêm tốn. Thế hệ trẻ vì thế không thể biết đến các sản phẩm tinh tế từ làng nghề. Tiếng khung cửi, hình ảnh phơi lụa, in khắc tranh… dần vắng bóng hẳn.
Công tác tuyên truyền, phổ biến văn hóa làng nghề truyền thống đến người trẻ cũng rất mờ nhạt. Hơn nữa, giới trẻ không mấy người hứng thú với các làng nghề. Tuy nhiên, một phần do chưa có sự quan tâm của truyền thông nên họ không phát hiện ra giá trị của các làng nghề nên đa phần các bạn trẻ tỏ ra thờ ơ.
Muốn kéo người trẻ trở lại với nghề cần thay đổi phương thức truyền nghề, cần đảm bảo đầu ra cho sản phẩm và mức sống ổn định cho người lao động. Hơn nữa, cần thiết phải có hướng phát triển bền vững, lâu dài và quy hoạch rõ ràng các làng nghề, chuyển đổi linh hoạt cho phù hợp với thực tiễn. Điều cốt yếu để duy trì lợi nhuận còn ở khâu áp dụng kinh tế thị trường, đưa các sản phẩm giao dịch trong các siêu thị, trên mạng, hội chợ và xuất khẩu.
Không riêng gì làng nghề mà nhiều giá trị văn hóa dân tộc từ kiến trúc đến, âm nhạc… cổ xưa đều xuống cấp nghiêm trọng. Giải pháp hiệu quả nhất chính là sự đầu tư và quan tâm nghiêm túc của cơ quan hữu quan. Trách nhiệm đến từ các cơ quan quản lí và chính thái độ của những người trẻ hôm nay.
Lâm Trí Hinh
Báo in K31 - A2
Cùng chuyên mục
Bình luận