Khởi nghiệp xà bông thảo dược - Chàng trai khuyết tật hái quả ngọt từ nghịch cảnh
(Sóng trẻ) - Vượt lên trên nỗi bất hạnh của đôi chân, câu chuyện khởi nghiệp của anh Nguyễn Văn Chung (chủ thương hiệu xà bông thảo dược Sam - Sôn) tại huyện Thường Tín, Hà Nội khiến cho nhiều người cảm phục bởi ý chí vươn lên và nghị lực phi thường. Thương hiệu xà bông thảo dược của anh đã được chào đón, mang lại doanh thu mỗi tháng hàng trăm triệu đồng.
Chúng tôi có cơ hội được trò chuyện cùng anh Nguyễn Văn Chung. Anh làm chúng tôi thật sự bất ngờ vì sự tự tin và nhiệt huyết ẩn sâu bên trong chàng trai thiếu may mắn này. Sinh ra trong một gia đình thuần nông có hoàn cảnh khó khăn, từ khi còn nhỏ anh đã có niềm đam mê lớn với môn bơi lội, chàng trai từng mơ ước môn thể thao này sẽ giúp anh và gia đình có cuộc sống tốt hơn. Ấy thế mà số phận nghiệt ngã lại cướp đi đôi chân, khiến “cuộc tình” với bơi lội của anh phải bỏ ngỏ. Không nản lòng, chàng trai sinh năm 1984 đã kiếm tìm lối đi cho riêng mình và thật sự thành công với thương hiệu xà bông thảo dược Sam - Sôn.
PV: Được biết, 20 năm về trước anh đã gặp một tai nạn nghiêm trọng, anh có thể chia sẻ về quãng thời gian khó khăn này hay không?
Mình bị tai nạn sau một buổi làm ruộng cho mẹ. Mình rất thích bơi và bắt cá, hôm đó đến bơi, được một ông trông trạm nhờ mở hộ cái cờ lê. Sau khi mở được cái xô, mình bị hút vào khi đang mò cái cờ lê. Lúc đấy chỉ nghĩ mình chết thôi chứ không nghĩ nổi điều gì khác. Tỉnh lại do đau quá nên cũng không có cảm giác gì. Khi người dân đồn là mình gặp tai nạn, anh trai mình bỏ hết việc chạy xuống đó và hô mọi người tháo ống bơm rồi kéo mình ra khỏi đó. Lúc đấy mình chỉ cảm thấy không còn cảm giác ở chân, miệng thì nói câu “Anh ơi em làm khổ mẹ rồi”. Mình ra viện sau hai tuần vì nhà không đủ tiền viện phí. Sáu tháng sau đấy với mình như địa ngục. Mỗi lần chị với mẹ đi làm ruộng thì mình tự tập đi. Nghĩ đến việc đi vệ sinh, làm việc cá nhân,... mình quyết tâm phải tự tìm cách để đi lại. Nhiều lúc cũng cũng muốn buông xuôi, nhưng mình nghĩ đến mẹ, nghĩ đến công dưỡng dục của mẹ. Và rồi, mình quyết định bỏ hết ý định ấy. Rất may mắn mình lại nhận được sự hỗ trợ cặp chân giả từ bệnh viện Bạch Mai.
PV: Anh có gặp khó khăn gì trong việc sử dụng chân giả không?
Mình tập chân giả cũng được một thời gian khá dài, khoảng 2 năm. Nhưng do chân ngắn và thêm cả mình không thể phản xạ được nên đã quyết định không sử dụng nó nữa.
PV: Bắt đầu từ năm 2003, thời điểm đó anh đã gặt hái được nhiều giải thưởng lớn với bộ môn bơi lội tại Paragames. Vậy đâu là lý do khiến anh từ bỏ theo đuổi công việc này?
Như mọi người đã biết, thể thao là lĩnh vực có tính tuổi tác, khi mình trẻ, có sức khoẻ thì mới có thể cống hiến hết mình cho nước nhà. Nhưng về lâu về dài, mình nên có cái nhìn xa hơn cho tương lai để có thể lo, trang trải cuộc sống.
Khi mình tập chân giả trong Bạch Mai thì quen biết Trung, bị ung thư và mất 1 chân. Mình đã khuyên anh ý tham gia thể thao. Sau đó bọn mình lăn xe lên lăng Bác, lần đầu thì thất bại. Đến lần hai khi bọn mình tham gia đại hội quốc tế người khuyết tật, gặp được một chị làm ở hội cựu chiến binh Mỹ. Con chị là con lai, mà mọi người biết con lai thường rất xinh nên mình đã xin bế và chụp ảnh cùng bé. Mình cũng xin chị mấy kiểu ảnh làm kỉ niệm, chị rất vui vẻ đồng ý và hỏi địa chỉ mình để chị gửi ảnh.. Sau khi mình tiết lộ địa chỉ tập chân giả ở Bạch Mai thì thật tình cờ cơ quan của chị ấy cũng ở đấy. Chị kể hội cựu chiến binh của Mỹ cũng tài trợ những người tập chân giả. Mấy hôm sau, chị gọi điện lại và bảo cho xe ôm đón mình lên nhà chị thay vì gửi ảnh, từ lúc ấy chị rất là quý và quan tâm mình. Sau khi nghe chuyện anh tham gia thể thao nhưng không được nhận. Chị động viên mình xin lại, và hứa lo chuyện nhà cửa.. Rất may mắn cho mình là năm đó Para Games tổ chức ở Việt Nam, mình thi tiền Para Games được 3 huy chương bạc và 3 huy chương đồng. Mình thi bơi, ném lao, đẩy tạ thì cả 3 đều được chọn vào đội tuyển quốc gia. Mình cuối cùng chọn bơi để tìm lại cuộc sống của mình (vì bơi cũng dùng đến chân). Mình đi tập huấn trong Sài Gòn 3 tháng, đi thi được 2 huy chương bạc và được thưởng hơn 30 triệu.
PV: Cơ duyên nào khiến anh quyết định khởi nghiệp với xà bông thảo dược?
Cái này do may mắn, mình ở cùng dãy trọ với một bạn học Đại học Bách Khoa, thỉnh thoảng bạn ý tặng mình một bánh xà bông hoặc một chai tinh dầu. Mình cũng biết khi bơi, nước Javen rất ảnh hưởng đến làn da, thế mà mình dùng bánh xà bông đó cảm thấy da khác hẳn. Khi mình mới hỏi bạn ý tại sao cái xà phòng này hơi ít bọt mà không cho thêm chất tạo bọt vào. Bạn trả lời rằng sản phẩm này của bạn là tự nhiên, nên giờ cho thêm chất tạo bọt vào sẽ mất hết tính tự nhiên ở sản phẩm. Nghe xong, mình quyết theo đuổi bằng được xà bông thảo dược để khởi nghiệp.
PV: Trong những ngày đầu tiên bắt đầu công việc này, anh đã gặp những khó khăn gì và giải quyết như thế nào?
Khi bắt đầu khởi nghiệp với dòng xà bông thảo dược thì điều khó khăn nhất là tiếp cận với khách hàng. Bởi vì, người tiêu dùng Việt Nam không tin tưởng những sản phẩm mới, đặc biệt là sản phẩm từ thiên nhiên. Mình tiếp cận khách hàng bằng cách tham gia các hội chợ để bán trực tiếp, nấu trực tiếp sản phẩm trước mắt mọi người để mọi người thấy được nguyên liệu và thay vì chất tạo mùi thì mình dùng tinh dầu, các loại bột thảo dược để thay màu cho sản phẩm. Cũng từ đó, mọi người nhìn thấy mọi người sẽ tò mò và mua về dùng thử, một khi họ dùng thử họ sẽ rất thích sản phẩm. Có những câu chuyện rất vui, đó là khi sản phẩm của mình chưa có nhãn mác chưa có bao bì, nhưng họ dùng xong sản phẩm thấy thích quá mà đến 5-6 tháng sau hay thậm chí 1 năm sau họ mới gặp lại ở một hội chợ khác và… mình bị ăn chửi luôn. Bởi vì, họ không thể tìm lại được sản phẩm của mình ở ngoài thị trường. Và sau này khi bắt đầu có bao bì nhãn mác, mọi người bắt đầu chia sẻ với nhau nhiều hơn.
PV: Loại xà bông anh làm có mùi hương thảo dược rất tự nhiên, đây có phải là điểm đặc biệt để thu hút khách hàng của Sam - Sôn hay không?
Hiện nay, sản phẩm công nghiệp đang tràn lan trên thị trường và có thể nói, môi trường cũng đang bị ảnh hưởng rất nhiều vì những loại chất hóa học, chất tạo mùi, chất tạo màu. Cũng vì vậy nên khách hàng dần quay về với thiên nhiên. Họ tìm những sản phẩm từ tự nhiên, thân thiện với môi trường hay an toàn cho sức khỏe và thực sự tốt cho da của họ. Khi mua xà bông việc đầu tiên họ làm là thưởng thức mùi hương của sản phẩm, họ ngửi thấy mùi sả, chanh - những mùi hương giúp thư giãn rất tốt. Vậy nên cũng có thể cho rằng điều đầu tiên họ ấn tượng về sản phẩm là mùi hương.
PV: Anh hãy chia sẻ về một kỉ niệm đáng nhớ trong quá trình mở thương hiệu xà bông thảo dược Sam - Sôn?
Điều đáng nhớ nhất có lẽ chính là câu chuyện được khách “mắng yêu” mình đã chia sẻ ở trên. Đó cũng chính là động lực giúp mình hoàn thiện sản phẩm ngày một tốt hơn!
PV: Hiện nay, người trẻ thường lựa chọn các sàn thương mại điện tử để mua bán sản phẩm. Vậy anh có đang phát triển mặt hàng xà bông trên nền tảng này không?
Sản phẩm của mình hiện nay đang được tiêu thụ ở hội chợ là chính. Ngoài ra, khách hàng cũng có thể truy cập vào fanpage của mình để mua hàng. Sàn thương mại điện tử là một nền tảng rất tốt và thực sự màu mỡ. Đương nhiên là mình sẽ phải lên kế hoạch về vấn đề phát triển nó trong tương lai. Nhưng trước mắt thì mình chưa suy nghĩ đến.
PV: Dự định trong tương lai của anh đối với công việc kinh doanh này là gì?
Hiện tại đã có khá nhiều sàn thương mại điện tử liên hệ với mong muốn mời mình gia nhập. Sản phẩm của Sam - Sôn thì hoàn toàn từ thiên nhiên, tinh dầu rất đắt, nếu đưa lên các sàn thương mại điện tử sẽ bị giảm giá trị do tính chất cạnh tranh cao. Vậy nên mình phải tính toán sao cho hợp lý nhất. Tuy nhiên do dịch Covid-19 bùng phát nên công việc kinh doanh của thương hiệu đang bị chững lại, có một chút khó khăn. Trong tương lai, mình muốn phát triển sản phẩm sao cho càng nhiều người biết đến càng tốt. Bảo vệ môi trường, bảo vệ khách hàng, tránh để họ sử dụng sản phẩm không tốt cho sức khỏe.
PV: Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện. Chúc anh sẽ thật thành công với những dự định sắp tới!