Thói quen sử dụng túi ni lông- đã đến lúc cần thay đổi
(Sóng Trẻ) Cần tới 500 năm thậm chí 1000 năm để một chiếc túi ni lông có thể tự phân hủy trong môi trường tự nhiên. Theo thống kê của các nhà khoa học, mỗi ngày người dân Hà Nội thải ra môi trường khoảng 5000 tấn rác, trong đó có 7 – 8% là túi ni lông. Có thể rất nhiều người biết về tác hại khôn lường của túi ni lông nhưng họ vẫn “không thể không” sử dụng nó mỗi ngày…
Đã từ lâu, hình ảnh các bà, các chị xách túi hay xách làn đi chợ đã trở nên xa lạ với nhiều người. Mọi người bây giờ đi chợ thường chỉ đi người không và khi về thì mang theo một khối lượng đồ ăn, thức uống khổng lồ đựng trong những chiếc túi ni lông. Túi ni lông đã và đang thay thế những chiếc giỏ, chiếc làn, lá gói thức ăn, lạt buộc rau,… thậm chí trở thành vật dụng không thể thiếu khi đi chợ.
Với ưu điểm bền, gọn nhẹ, giá rẻ, đa dạng về kích cỡ, màu sắc, dễ dàng sử dụng và cực kì tiện lợi nên túi ni lông có mặt ở khắp mọi nơi. Từ sạp rau ven đường, tiệm bán hoa quả đến các tạp hóa, siêu thị hay cả trong những trung tâm thương mại đều không thể vắng mặt chúng.
Sử dụng túi ni lông để đựng đồ đã trở thành thói quen thường xuyên của nhiều người. Từ mớ rau được cuộn tròn cho vào túi ni lông, đến cân hoa quả, quả cà muối, chục trứng gà hay thậm chí vài quả chanh cũng đều cho riêng vào từng túi ni lông. Có những người cẩn thận hơn thì không chỉ sử dụng 1 chiếc túi ni lông cho một món đồ mà còn sử dụng tới 2 thậm chí 3 chiếc. Ví dụ khi mua 1 chục trứng vì sợ đứt nên lồng tới 2 cái túi ni lông làm một; mua thịt, cá và những đồ hải sản sợ tanh nên cũng lồng tới 2, 3 cái túi ni lông với nhau.
Túi ni lông được sử dụng ngày càng nhiều.
Khi được hỏi tại sao không dùng lạt để buộc rau đưa cho mọi người mà lại dùng túi ni lông để đựng, bác Ngân (1 người bán rau ở chợ Bầu) “vô tư” chia sẻ: “Ôi trời, dùng lạt mà gì cho mất công, cứ cho vào túi ni lông cho tiện. Vừa nhanh, vừa gọn, cuộn rau vào cái là xong, cho vào túi luôn đỡ mất công buộc. Túi cũng rẻ với lại khách họ mua mớ rau cũng muốn mua nhanh chứ mấy ai còn đợi mình buộc lạt nữa”. Phải chăng, đó cũng là một trong những lý do khiến túi ni lông được sử dụng ngày càng nhiều?
Trên các phương tiện thông tin đại chúng, tác hại của túi ni lông được nhắc đến ngày càng nhiều và chắc chắn là ai cũng biết. Các chuyên gia về môi trường đã phải dùng tới thuật ngữ “ô nhiễm trắng” để nói về hiểm họa từ việc sử dụng túi ni lông. Nhưng “biết thì để đó”, hàng ngày những người dân vẫn “vô tư” sử dụng nó.
Không thể phủ nhận những tiện ích trước mắt mà túi ni lông mang lại nhưng đã đến lúc mỗi người dân cần hành động ngay bằng những việc làm thiết thực vì môi trường. Đã có rất nhiều giải pháp được đưa ra nhưng thiết nghĩ, điều quan trọng ở đây là ý thức của mỗi người dân. Ở Việt Nam, đã có nhiều siêu thị và trung tâm thương mại như Big C, Metro,… sử dụng túi ni lông tự phân hủy và được nhiều người đón nhận. Tuy nhiên, trừ những nơi đó ra thì bên nài thị trường, túi ni lông bình thường vẫn được sử dụng tràn lan.
“Không dễ gì để từ bỏ một thói quen, nhưng khi thay đổi được một thói quen là khiến thế giới trong bạn thay đổi”. Chỉ cần thay đổi một chút thói quen sử dụng túi ni lông thì cũng góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường.Mỗi người dân chỉ cần tiết kiệm và ý thức hơn một chút trong việc sử dụng túi ni lông. Thay vì sử dụng túi ni lông một lần rồi lại bỏ đi, mỗi người có thể giữ lại túi ni lông đó, giặt sạch, phơi khô và sử dụng cho nhiều lần sau. Thay vì mỗi món đồ đựng riêng một túi, hãy cho nhiều món đồ vào chung một túi nếu có thể. Thay vì dùng túi ni lông để đựng một mớ rau thì hãy dùng lạt để buộc. Hạn chế sử dụng túi ni lông ít nhất có thể.
Sử dụng túi ni lông thân thiện với môi trường.
Bảo vệ môi trường cũng chính là bảo vệ cuộc sống của chính chúng ta. Vì vậy, hãy bảo vệ cuộc sống đó từ chính những hành động nhỏ nhất đó là: Thay đổi thói quen sử dụng túi ni lông.
Hoàng Hương
Truyền hình k31A1
Nguồn ảnh: Internet.
Cùng chuyên mục
Bình luận