Thực tế từ những chuyến đi cơ sở
(Sóng Trẻ) - “Em à! Làm báo có chút vất vả với con gái, em phải đi nhiều, quan trọng đối với các chuyến đi xuống cơ sở em phải biết uống rượu” đó là chia sẻ của anh Huấn – phóng viên Báo Lạng Sơn.
Chén rượu là đầu câu chuyện
Tôi lựa chọn báo địa phương kiến tập – Báo Lạng Sơn, nơi mà tôi mong muốn sau này sẽ làm một phóng viên chính thức, được đi tác nghiệp và đến các huyện, xã, thôn (bản).
Theo sự chỉ đạo của tòa soạn, chị Hương – Phó phòng Chính trị & Xã hội là người trực tiếp hướng dẫn tôi trong đợt kiến tập này. Phòng Chính trị & Xã hội là nơi tôi gắn bó trong suốt một tháng. Tôi đam mê “chủ nghĩa xê dịch” cho nên sau mấy buổi lên tòa soạn đọc báo, làm quen và dần dần học cách viết. Tôi bắt đầu xin chị phụ trách đi cơ sở cùng các anh (chị) phóng viên trong phòng.
Qua trò chuyện cùng chị Hòa – phóng viên Báo Lạng Sơn, tôi biết rằng: đi cơ sở em nên biết và uống được rượu, vì đó là tình cảm của người dân dành cho em, khoảng cách giữa em với mọi người sẽ ít đi, từ đấy em thu thập tư liệu cũng sẽ dễ dàng hơn, em không phải đến rồi thôi mà sẽ có dịp quay lại, cho nên tạo thiện cảm, sự tin cậy là rất quan trọng.
Buổi nói chuyện cùng chị khiến tôi không khỏi suy nghĩ và băn khoăn, vì thực tế tôi chưa được trải nghiệm nên không thể biết được. Người xưa có câu “chén rượu là đầu câu chuyện” giờ ứng nghiệm trong chuyến đi đến thôn Còn Quyền, xã Hồng Phong, huyện Cao Lộc.
Theo quan sát, tôi nhận thấy người dân nhiệt tình, cởi mởi, thân thiện… Đặc biệt, trong bữa cơm giao lưa giữa Đoàn lãnh đạo tỉnh với nhân dân thôn Còn Quyền, liên tiếp chén rượu nâng lên chúc mừng cho buổi làm việc thành công tốt đẹp, tay bắt mặt mừng hỏi thăm, chia sẻ những câu chuyện bên lề… Để từ đó, giữa chúng tôi và dân càng thêm gắn bó, hiểu nhau hơn và hứa hẹn cho một ngày không xa có dịp quay trở lại.
Chia tay thôn Còn Quyền nhưng kỉ niệm về con người, gắn với nụ cười luôn trên môi, cánh đồng chín vàng, tiếng hát sli vang vọng lại trong chúng tôi là nỗi nhớ…
Trưởng thành từ đi cơ sở
Tôi đi đến huyện Văn Lãng, huyện Cao Lộc và huyện Tràng Định. Mỗi chuyến đi đều cho tôi những bài học riêng, đều đáng trân trọng, phải chăng thực tế và sách vở còn quá cách xa?
Đúng giờ, có một câu chuyện tôi nghe chị Trang – phóng viên phòng chính trị chia sẻ: chuyến đi đến Đình Lập, chị bên đài đến muộn 30 phút, mọi người chờ chị sốt ruột và dần trở nên khó chịu. Qua đó, tôi rút cho mình bài học khi đi cở sở cùng cấp lãnh đạo tỉnh đến huyện Cao Lộc. Tôi đến sớm trước 15p, làm quen với những người trong đoàn hay giúp xách đồ lên xe, nói chung có thể giúp gì thì nên hỗ trợ một tay, vừa tạo sự thân thiện vừa rút ngắn thời gian và đến cơ sở đúng giờ.
Phong thái, cách ăn mặc, nói chuyện khi đi cơ sở, thêm một bài học nữa cho tôi. Khi tôi đi huyện Văn Lãng, gặp trưởng khu 5 để viết gương người tốt việc tốt. Sự thiện cảm ngay từ lần đầu là điều cần thiết, vì điều đó quyết định việc khai thác thông tin với nhân vật. Phong thái cần chuyên nghiệp, nghiêm túc, thêm vào đó ăn mặc phù hợp với hoàn cảnh cũng như lúc trò chuyện phải tôn trọng nhân vật. Có như vậy, tôi mới thu nhận được thông tin đặc sắc và chi tiết nhất để viết bài.
Khi phỏng vấn lãnh đạo Phó Chủ tịch UBTT Na Sầm, huyện Văn Lãng. Tôi đưa ra câu hỏi cụ thể về đối tượng đang viết - trưởng khu 5 để có thể tiếp cận đánh giá về ông trưởng khu 5. Tôi có ý kiến từ cấp quản lý, tôi không dừng ở đó mà tôi nói chuyện nhiều hơn để phát hiện vấn đề mới, đây cũng là cách tạo dựng mối quan hệ với nguồn tin.
Kiểm tra phương tiện tác nghiệp như: xe máy, máy ảnh, bút, sổ, điện thoại…Tôi rơi vào tình cảnh xe hỏng giữa đường, lúc đó tôi rất may tìm chỗ sữa chữa kịp thời. Nếu không tôi sẽ trễ hẹn hoặc không đến được cơ sở mà phải hẹn ngày khác, như vậy rất bất tiện.
Tóm lại, tôi nhận thấy: đi một ngày đàng, học một sàng khôn, từ trải nghiệm thực tế tôi tự rút cho mình bài học riêng về nghề. Dù thế nào chăng nữa thì “thưc tế - sách vở” luôn phải song song, bổ trợ cho nhau, để tôi có bước đi vững vàng. Bài học từ thực tế rất đáng trân trọng, có cơ hội hãy thử và tiếp cận để xem mức độ bản lĩnh và vượt qua chính mình đến đâu, con đường đã chon đi được bao xa...
Hoàng Oanh
Báo in K31A2
Cùng chuyên mục
Bình luận