Tọa đàm “Chuyện phố nghề, chuyện phố Hàng” - dấu ấn trong các thực hành nghệ thuật đương đại
(Sóng trẻ) - Ngày 16/5, trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật (DHQGHN) phối hợp cùng UBND quận Hoàn Kiếm và hội Văn nghệ dân gian Hà Nội tổ chức tọa đàm “Chuyện phố nghề, chuyện phố Hàng - dấu ấn trong các thực hành nghệ thuật đương đại” tại Đình Kim Ngân. Sự kiện có tham gia của nhiều người yêu nghệ thuật, văn hóa và lịch sử Hà thành.
Tọa đàm được dẫn dắt bởi 3 diễn giả: TS. Trần Hậu Yên Thế - giảng viên trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật, anh Nguyễn Thế Sơn - nhiếp ảnh gia, giám tuyển độc lập và NCS Phạm Minh Quân. Ngoài ra, tọa đàm có sự tham dự của PGS.TS Trần Thị An, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Hà Nội, nghệ sĩ Lê An, nghệ sĩ Trần Đức Chiến và một số nghệ sĩ khác.
Mở đầu buổi trò chuyện là lời chia sẻ của diễn giả Yên Thế và Minh Quân về nguồn gốc nghề thủ công, vai trò tổ nghề, và quá trình hình thành các con phố Hàng. Đặc biệt, cả hai diễn giả đều nhấn mạnh đến sự giao thoa giữa nghệ thuật truyền thống và nghệ thuật đương đại, với các ví dụ cụ thể về cách nghệ sĩ kế thừa, cách tân kỹ thuật và chất liệu cổ truyền trong tác phẩm hiện đại.

Tiếp nối phần trao đổi, giám tuyển Nguyễn Thế Sơn tiếp tục chia sẻ những nỗ lực khảo cứu, tìm tòi về chuyện đền cổ của Kinh thành Thăng Long.
Điều ấn tượng trong phần trình bày của giám tuyển Nguyễn Thế Sơn là hành trình tìm lại những ngôi đền cổ đã từng ghi danh trong sử sách 10 năm về trước. Một số di tích may mắn vẫn còn giữ được “mình”. Thế nhưng, phần lớn ngôi đền không còn nguyên vẹn, có ngôi đền chỉ còn lưu mình trên tầng hai của một căn nhà nhỏ, khuất bóng người dân đến thăm hay hoàn toàn biến mất, trở thành nhà ở hay cửa hàng buôn bán.
Lo ngại trước sự biến mất của nhiều nơi thờ tự cổ, giám tuyển Thế Sơn, TS. Yên Thế và nhiều nghệ sĩ đương đại đã thực hiện các dự án nghệ thuật. Những dự án này nhằm đưa nét đẹp văn hóa và lịch sử trăm năm của các ngôi đền đến gần hơn với người dân Hà Nội và du khách quốc tế.

Nói về sự thành công của Lễ hội thiết kế sáng tạo Hà Nội 2020 - 2021, giám tuyển Thế Sơn phấn khởi: “Trước năm 2020, Hội Kiến Trúc sư Việt Nam không biết tới những hoạt động nghệ thuật - văn hóa. Rất may mắn khi toàn bộ đề xuất của tôi về các triển lãm, trình diễn trong tuần lễ thiết kế được đồng ý nhanh chóng”. Sự kiện đặt nền móng cho việc tổ chức triển lãm văn hóa tại các ngôi đền ở Hà Nội, góp phần bảo tồn di sản, giáo dục thế hệ trẻ và xây dựng hình ảnh Thủ đô giàu bản sắc văn hóa dân tộc đến bạn bè quốc tế.
Chương trình cũng nhận được sự đón nhận và chia sẻ chân thành từ nhiều khán giả. Trong đó, kiến trúc sư (KTS) Trần Huy Ánh phát biểu: “Thay vì tiếc nuối sự đổi thay, ta hãy tìm kiếm những lao động sáng tạo của bản thân, khơi nguồn động lực và cảm hứng sáng tạo nghệ thuật cho giới trẻ”.

Với những dấu ấn đậm nét, tọa đàm góp phần thắp sáng ngọn lửa đam mê và củng cố niềm tự hào về một Hà Nội giàu bản sắc, sẵn sàng vươn mình trong dòng chảy nghệ thuật đương đại. Những câu chuyện về phố nghề, những ngôi đền cổ và nỗ lực của các nghệ sĩ không chỉ là hành trình khám phá quá khứ mà còn là lời kêu gọi mạnh mẽ cho việc bảo tồn và đổi mới di sản trong bối cảnh hiện đại.