Tọa đàm “Phương pháp học tập các môn khoa học Mác - Lênin và môn chuyên ngành Xuất bản”

(Sóng trẻ) - Sáng 2/12, tại phòng học B3.302 Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã diễn ra buổi Tọa đàm với chủ đề: Phương pháp học tập các môn khoa học Mác - Lênin và môn chuyên ngành Xuất bản. 

Năm nay, do tác động của dịch bệnh COVID-19 gây nhiều khó khăn cho công tác tuyển sinh của các học viện, trường đại học, cao đẳng. Những thông tin tuyển sinh trên các nền tảng online có phần chưa đầy đủ để các bạn tân sinh viên hiểu rõ hơn về ngành nghề và lựa chọn của bản thân. 

Thấu hiểu tình hình đó, sau gần 2 tháng của năm học mới, Học viện Báo chí và Tuyên truyền cũng như khoa Xuất bản đã tổ chức thành công rất nhiều tọa đàm, hội thảo khoa học để giải đáp những thắc mắc về ngành nghề, định hướng phương pháp học đúng đắn cho tân sinh viên K40. 

anh-1.jpg
Tọa đàm do BCN khoa Xuất bản chỉ đạo tổ chức (Ảnh: BTC)

 

Tại tọa đàm, các tân sinh viên K40 khoa Xuất bản chào đón sự có mặt của các khách mời: TS Bùi Lệ Quyên - Giảng viên khoa Chủ nghĩa xã hội khoa học; ThS Trần Thu Quỳnh - Chủ nhiệm Câu lạc bộ Biên tập viên trẻ, Tổ trưởng bộ môn Xuất bản điện tử và ThS Vũ Thị Ngọc Thùy - Tổ trưởng bộ môn Biên tập xuất bản của khoa Xuất bản. 

anh-2.JPG
Buổi tọa đàm bắt đầu với sự dẫn dắt của MC Trần Ngọc (Ảnh: BTC)

 

Với cương vị là một giảng viên đang trực tiếp giảng dạy môn học đại cương tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền, cô Quyên có thể cho chúng em biết là các môn đại cương có giúp ích gì cho công việc xuất bản khi chúng em được làm việc với nghề xuất bản trong tương lai không? 

TS Bùi Lệ Quyên: Theo cô thấy, hiện nay có rất nhiều bạn sinh viên cho rằng những môn học đại cương không quan trọng, không liên quan gì đến môn học chuyên ngành của các em. Suy nghĩ này là hoàn toàn sai lầm bởi việc học tập các môn đại cương sẽ đem lại cho các em thế giới quan duy vật trong tư duy và hành động; giúp các em hiểu và nắm được các quan điểm, chính sách của Đảng và Nhà nước, đặc biệt là quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam; hình thành nên phông kiến thức về các ngành khoa học. Tất cả sẽ giúp các em có một tư duy đúng đắn khi học tập các môn chuyên ngành và trở thành một biên tập viên giỏi. 

anh-3.JPG
TS Bùi Lệ Quyên rất vui khi được chia sẻ với các em K40 với tư cách là một giảng viên, một cựu sinh viên của trường - tiền bối của các em (Ảnh: BTC)

 

Vậy cô có thể chia sẻ cho chúng em biết phương pháp học, cách trình bày bài thi các môn học đại cương để đạt được kết quả tốt? Tiêu chí chấm bài thi của các thầy cô là gì?

TS Bùi Lệ Quyên: Các em có thể có rất nhiều phương pháp học khác nhau, miễn là các em thấy cách đó hiệu quả. Cô thì gợi ý các em có thể ôn thi và làm bài bằng cách sử dụng cây thư mục: bắt đầu từ thư mục to, các em xây dựng các thư mục nhánh to, nhỏ. Cách chia nội dung theo hệ thống này giúp các em hình dung được bài học một cách hệ thống và dễ ghi nhớ hơn. Khi chấm bài, với một số lượng lớn bài thi, những bài thi được trình bày rõ ràng, mạch lạc, đầy đủ nội dung sẽ thuyết phục các thầy cô hơn rất nhiều!

Đối với chuyên ngành của khoa Xuất bản, cô Quỳnh có thể cho em biết các môn chuyên ngành của khoa Xuất bản giúp sinh viên có được những kiến thức, kĩ năng gì?

ThS Trần Thu Quỳnh: Ở khoa Xuất bản, chương trình đào tạo được xây dựng nhằm mục tiêu đào tạo các em trở thành Cử nhân Xuất bản có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức tốt; nắm vững kiến thức về lý luận chính trị, lý thuyết và kỹ năng nghiệp vụ xuất bản nói chung, nghiệp vụ xuất bản điện tử nói riêng; có khả năng tổ chức sản xuất các xuất bản phẩm điện tử trong các nhà xuất bản, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh và phát hành xuất bản phẩm; các cơ quan, tổ chức Đảng, Nhà nước, đoàn thể chính trị - xã hội, doanh nghiệp, tổ chức phi chính phủ liên quan đến lĩnh vực xuất bản…

Em có được biết cô Thùy đã từng là sinh viên của K21 khoa Xuất bản và đã có kinh nghiệm giảng dạy hơn 10 năm rồi có thể chia sẻ cho các em tân sinh viên K40 biết là môn chuyên ngành của lớp Biên tập xuất bản và Xuất bản điện tử thì khác nhau như thế nào? 

ThS Vũ Thị Ngọc Thùy: Khoa Xuất bản của Học viện Báo chí và Tuyên truyền là khoa duy nhất trong 3 nước Đông Dương giảng dạy và đào tạo cán bộ biên tập xuất bản. Cùng với sự bùng nổ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 thì nền tảng số ngày càng phát triển hơn cũng đòi hỏi ngành Xuất bản phải có sự đổi mới bên cạnh sự phát triển của nền Xuất bản truyền thống. Với nhìn nhận đúng đắn này thì khoa Xuất bản đã mở đào tạo chuyên ngành Xuất bản điện tử hệ đại học bắt đầu từ 2019. Chuyên ngành Xuất bản điện tử sẽ có một số môn học giảng dạy về nội dung thiết kế tương tác, bao gồm thiết kế giao diện thân thiện, tiện ích với các công cụ tiếp nhận và thiết kế trải nghiệm người dùng... để giúp sinh viên có những thiết kế ấn phẩm điện tử phù hợp với từng đối tượng người đọc. Còn về cơ bản, cả 2 chuyên ngành đều sẽ học tập những kiến thức, kỹ năng biên tập và Xuất bản truyền thống vẫn và sẽ đóng vai trò chủ đạo, quan trọng trong ngành Xuất bản. 

anh-4.JPG
Các tân sinh viên K40 rất chăm chú lắng nghe những chia sẻ của các vị khách mời. (Ảnh: BTC)

 

Vậy xin hỏi 2 cô, đối với sinh viên khoa Xuất bản thì các em có được đến tham quan, thực tế và làm việc tại các NXB, công ty sách để trau dồi kĩ năng, nghiệp vụ không ạ?

ThS Vũ Thị Ngọc Thùy: Đối với mỗi khoa, tùy chuyên ngành các em theo học mà các em sẽ có những cơ hội trải nghiệm nghề nghiệp khác nhau. Đối với sinh viên khoa Xuất bản thì trong chương trình học, các em sẽ có 1 lần được đi thực tế chính trị - xã hội, 1 kỳ kiến tập 3 tuần và 1 kỳ thực tập 3 tháng tại các đơn vị NXB, công ty sách. 

ThS Trần Thu Quỳnh: Bên cạnh những cơ hội các em có được trong chương trình học, các em còn có thể có rất nhiều cơ hội để thực hành nghề nghiệp ví dụ như tham gia CLB Biên tập viên trẻ,... CLB Biên tập viên trẻ của khoa Xuất bản là nơi mà các em có thể được học và thực hành những kỹ năng nghề nghiệp ngay từ rất sớm, ngay khi các em còn là sinh viên năm nhất, năm 2. Với tư cách là Chủ nhiệm CLB, cô cũng luôn luôn cố gắng kết nối với các đơn vị NXB, công ty sách để các em có thêm nhiều cơ hội được trau dồi kĩ năng, nghiệp vụ. 

Bên cạnh việc học tập chuyên ngành thì việc rèn luyện, phát triển Đảng cũng rất quan trọng, nhất là ở Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Cô Quyên cũng là một cựu sinh viên của học viện và cũng vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng ngay khi còn là sinh viên thì cô thấy rằng tầm quan trọng và giá trị của việc kết nạp Đảng khi còn là sinh viên như thế nào?

TS Bùi Lệ Quyên: Với cô thì cô tự nhận thấy rằng bản thân mình khi được đứng trong hàng ngũ của Đảng khi còn là sinh viên đã giúp cô trưởng thành, chín chắn và tự tin hơn. Cô biết sàng lọc những giá trị đúng đắn để tin tưởng và đi theo. Kết nạp Đảng trước hết giúp các em trở thành người tử tế và có lý tưởng sống đúng đắn, tốt đẹp!

Vậy những tiêu chuẩn để được xem xét kết nạp Đảng, quy trình xét kết nạp Đảng ở Học viện ta thì như thế nào ạ?

TS. Bùi Lệ Quyên: Trước hết, để được xem xét kết nạp Đảng thì các em phải được xem xét và học lớp Cảm tình Đảng. Ở Học viện Báo chí và Tuyên truyền thì tiêu chí học tập là tiêu chí đầu tiên để xem xét học Cảm tình cũng như xét kết nạp Đảng. Bên cạnh đó, các em cần phải phấn đấu rèn luyện, tích cực hoạt động Đoàn ở Học viện, Liên chi đoàn. Những thông tin chi tiết nhất về các điều kiện xét kết nạp Đảng đã được ghi rất đầy đủ và chi tiết trong Sổ tay sinh viên mà Học viện phát cho các em đầu khóa.  

Khoa Xuất bản cũng là một trong những khoa đào tạo cả 3 hệ đại học, thạc sĩ và tiến sĩ. Cô Thùy hiện là Nghiên cứu sinh khóa 23, khoa Xuất bản, cô có thể chia sẻ về việc học bậc sau đại học ở khoa Xuất bản được không ạ?

ThS. Vũ Thị Ngọc Thùy: Đối với hệ sau đại học, khoa Xuất bản hiện có đào tạo chuyên ngành Biên tập - Xuất bản và Quản lý xuất bản. Các em sẽ chỉ mất từ 10 - 12 tháng học tập trung cho hệ Thạc sĩ, sau đó sẽ có khoảng 1 năm để hoàn thành các điều kiện đầu ra và luận văn nghiên cứu về một đề tài thuộc chuyên ngành. Sau này khi các em ra trường, bằng cấp cao hơn chắc chắn sẽ cho các em nhiều cơ hội việc làm tốt hơn, tương ứng với nó cũng là mức lương cao hơn. Đặc biệt, trở thành Thạc sĩ cũng là điều kiện cơ bản đối với những em có mong muốn được ở lại khoa, trở thành giảng viên của khoa như cô. 

anh-5.JPG
ThS Trần Thu Quỳnh từng có thời gian công tác tại NXB Chính trị quốc gia - Sự thật và rất tận tình chỉ dạy những kiến thức thực tế cho sinh viên. (Ảnh: BTC)

 

Có một vấn đề mà em cũng như các em tân sinh viên vô cùng quan tâm muốn được hỏi cô Quỳnh là làm thế nào để cân bằng việc học và việc đi làm thêm ở đại học?

ThS. Trần Thu Quỳnh: Khi lên đại học, hầu hết các em sinh viên đều lựa chọn đi làm thêm vì điều kiện kinh tế, vì muốn được trải nghiệm,... Nhưng cô phải nhấn mạnh rằng: việc học là quan trọng, tiên quyết nhất. Các em cần phân chia thời gian hợp lý, lựa chọn công việc phù hợp và luôn luôn tạo điều kiện tốt nhất cho việc học. Bởi phải học xong thì các em mới có nền tảng để thực hành và làm tốt công việc của mình. 

Cuối cùng, không biết các cô có muốn gửi gắm, khuyên nhủ điều gì đối với các tân sinh viên K40 của khoa Xuất bản nói riêng và tất cả các em tân sinh viên nói chung không ạ?

TS. Bùi Lệ Quyên: Cô nhận thấy có rất nhiều em học sinh sau khi học được một thời gian thì chia sẻ rằng các em cảm thấy mình đã lựa chọn sai, mình không thích ngành học này, hối tiếc vì không chọn ngành học kia,... Cô hy vọng rằng ngay bây giờ, các em hãy ngồi lại, suy ngẫm để xem: Mình là ai? Mình muốn làm gì? Mình muốn trở thành người như thế nào? Nếu các em cảm thấy em chưa chọn đúng con đường mình muốn và muốn đi lại, các em có thể quyết định ngay bây giờ. Hãy hành động thay vì ủ rũ, hối tiếc, chán nản. Mọi thứ đều do bản thân các em quyết định!

Buổi toạ đàm được hy vọng mang đến cho các bạn tân sinh viên khoa Xuất bản thêm nhiều phương pháp học tập các môn đại cương nói riêng và phương pháp học tập ở bậc Đại học nói chung.

Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
Bế mạc Hội báo toàn quốc năm 2024: Học viện Báo chí và Tuyên truyền đạt giải B Gian hàng trưng bày xuất sắc

Bế mạc Hội báo toàn quốc năm 2024: Học viện Báo chí và Tuyên truyền đạt giải B Gian hàng trưng bày xuất sắc

Tin nổi bật2 tháng trước

(Sóng trẻ) - Sáng 17/3/2024, tại TP Hồ Chí Minh, Hội Báo toàn quốc 2024 với chủ đề “Báo chí Việt Nam - Tiên phong, Đổi mới vì sự nghiệp cách mạng của Đảng và Nhân dân” đã bế mạc trọng thể.

Thời tiết Noel 2023: Miền Bắc chìm trong rét đậm, Trung và Nam Bộ khả năng có mưa lớn

Thời tiết Noel 2023: Miền Bắc chìm trong rét đậm, Trung và Nam Bộ khả năng có mưa lớn

Tin nổi bật4 tháng trước

(Sóng trẻ) - Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia dự báo thời tiết trong 10 ngày tới, từ đêm nay 17/12 đến ngày 27/12, cho các khu vực trên cả nước.

Chấp nhận ngủ lề đường "chờ mua iPhone 15"

Chấp nhận ngủ lề đường "chờ mua iPhone 15"

Tin nổi bật7 tháng trước

(Sóng trẻ) - Như thường lệ, thời điểm tháng 9 sẽ là lúc Apple - một tập đoàn công nghệ về ngành công nghệ thông tin lớn bậc nhất thế giới cho “trình làng” các sản phẩm mới nhất. Vào ngày 13/9, Apple đã cho ra mắt iPhone 15.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN