Tọa đàm trực tuyến Sáng tạo nội dung trên mạng xã hội - Cơ hội “vàng” cho giới trẻ?
(Sóng trẻ) - Với mong muốn đi sâu vào tìm hiểu về sáng tạo nội dung trên mạng xã hội, trang tin điện tử Sóng Trẻ đã tổ chức buổi tọa đàm với chủ đề "Sáng tạo nội dung trên mạng xã hội - Cơ hội “vàng” cho giới trẻ?" vào lúc 20h00 ngày 29/11 vừa qua.
Tham dự buổi tọa đàm có nhà báo, ThS. Phạm Quý Trọng, hiện đang nghiên cứu sâu về mảng Xã hội và công tác tại Tạp chí Tuyên giáo cùng anh Ngô Đức Duy (Duy Thẩm) - một YouTuber hiện sở hữu kênh Youtube 617 nghìn lượt sub với trên 72 triệu view. Buổi tọa đàm được tường thuật trực tiếp trên Trang tin điện tử Sóng Trẻ News (songtre.com.vn) và phát livestream trên Fanpage Sóng Trẻ.
1. Vài năm trở lại đây, content creator (hay còn gọi là sáng tạo nội dung) nói chung và sáng tạo nội dung trên MXH nói riêng đang dần trở nên phổ biến. Vậy nhà báo cảm thấy và đánh giá thế nào khi công việc này đang dần trở thành xu hướng mới của giới trẻ trong thời buổi công nghệ hiện nay?
Nhà báo Phạm Quý Trọng: Đây là một thực tế rất đáng mừng vì hiện nay các bạn trẻ nắm bắt công nghệ thông tin rất tốt, cộng thêm giờ chúng ta đã biết thêm nhiều nền tảng công nghệ phát triển rất nhanh như Tiktok, Facebook, Instagram... Chính những điều này đã khích lệ các bạn trẻ tiếp cận công nghệ thông tin. Hơn nữa, người trẻ có dư thừa năng lượng và nắm bắt được khoa học kỹ thuật mới rất nhanh.
Những bạn trẻ làm công việc này thường là vì đam mê nhưng khi các bạn đã định vị được mình trên các nền tảng thì các nguồn lợi về mặt kinh tế kéo theo. Dù vậy, không phải ai cũng thành công, cho nên thời điểm này đúng là “cơ hội vàng”. Nhưng nó đúng với những người có đam mê, có sáng tạo, còn với một bộ phận “không nhỏ” khác thì chỉ là trải nghiệm để ghi dấu ấn bản thân thôi.
2. Là một trong những người trẻ đã có những thành công nhất định trong sáng tạo nội dung trên MXH, anh có thể chia sẻ cơ duyên đưa anh đến với Content Creator?
YouTuber Ngô Đức Duy: Đối với mình, công việc này đến khá tự nhiên, đúng như hai chữ “cơ” và “duyên”, nó là cơ hội và duyên số. Mình bắt đầu với công việc part-time đó là duyên và cứ dần dần mọi thứ phát triển lên và mình có được công việc như hiện tại. Nếu như mọi người hỏi tại sao mình lại theo đuổi công việc này thì thật sự là mình không có câu trả lời. Ngày xưa mình cũng không nghĩ là mình lại đi theo với nghề này lâu và theo một cách chuyên nghiệp như bây giờ. Thì có thể gọi là thời thế nó tạo ra thì mình đi theo thôi.
3.Trong ngành sáng tạo nội dung có rất nhiều lĩnh vực vô cùng đa dạng, vậy tại sao anh lại lựa chọn review đồ công nghệ?
Youtuber Ngô Đức Duy: Đúng như thầy có chia sẻ thì mình là một người trẻ và mình rất là yêu công nghệ. Mình luôn luôn cảm thấy có một sự may mắn khi mình được sinh ra ở thời điểm hiện tại. Vậy nên có rất nhiều những thứ để mình có thể trải nghiệm ví dụ như đồ công nghệ. Hện tại đã là thời kỳ 4.0, đồ công nghệ phát triển gần như vũ bão, món đồ của ngày hôm nay sáng ngày mai đã có thể hết hạn, có thể trở nên lỗi thời rồi. Đồ công nghệ ở thời điểm hiện tại có thể coi là một bước nhảy vọt nhưng chỉ khoảng 1 năm sau thôi là ai cũng thấy nó rất bình thường. Mình là một người rất thích đồ công nghệ như điện thoại, máy tính, từ những điều nhỏ nhặt đó mà dẫn đến công việc của mình hiện tại.
4. Dưới góc độ là người nghiên cứu lâu năm và đang thực hiện đề tài mạng xã hội, ông có thể chia sẻ quan điểm của mình về cơ hội và tiềm năng của những nền tảng mạng xã hội này được không ạ?
Nhà báo Phạm Quý Trọng: Truyền thông mạng xã hội phát triển như vũ bão. Ngày hôm nay có một cái trend thì ngày hôm sau lại có một cái trend khác "đè lên" để khỏa lấp. Chính vì thế nó luôn luôn đặt ra những thách thức đối với người làm sáng tạo nội dung. Và chúng ta phải nghĩ ra kịch bản gì hay, chúng ta phải nghĩ ra content gì hay để chúng ta viết, xây dựng, sản xuất. Cách đây khoảng 5-7 năm Facebook rất nổi, rồi sau đấy là Youtube, Youtube chưa kịp “lặn” thì bây giờ đã là Tiktok.
Trong một thời gian rất ngắn nữa thôi, theo như dự đoán thì chúng ta sẽ có một nền tảng công nghệ tích hợp được tất cả các tính ưu việt của các nền tảng cũ được phát minh. Và như thế thì thị hiếu của công chúng, người dùng thay đổi, đặt ra vấn đề các nhà sáng tạo nội dung luôn luôn phải nghĩ ra đề tài mới.
Trong tương lai ngắn hạn thì việc truyền thông số như bạn nói nó sẽ liên tục phát triển, và các công nghệ cũng liên tục phát triển. Điều đấy đẩy chúng ta sẽ có một lượng lớn những người trực tiếp tham gia vào sản xuất nội dung. Và khi đã tham gia vào sản xuất nội dung thì sản phẩm phải tiếp cận được đến khách hàng được rộng hay không thì các bạn phải sáng tạo. Yêu cầu đầu tiên các bạn phải sáng tạo, hay, mới lạ, hấp dẫn thì người ta mới xem và theo dõi. Điều đấy đồng nghĩa là các bạn sẽ được chia sẻ nguồn lợi về mặt kinh phí, tạo nên một cơ hội rất lớn.
5. Kể từ khi dịch bệnh covid diễn biến phức tạp, mọi người ở nhà nhiều hơn, các content từ nền tảng mạng xã hội cũng từ đó xuất hiện nhiều hơn, nội dung đa dạng hơn. Nhưng không phải content nào cũng hay, content nào cũng đúng, thậm chí có những nội dung lệch lạc gây ảnh hưởng không tốt đến giới trẻ. Theo ông vì sao lại những nội dung này lại tồn tại và thậm chí có chỗ đứng trong cộng đồng sáng tạo nội dung trên mạng xã hội?
Nhà báo Phạm Quý Trọng: Câu chuyện này, chúng ta phải phân biệt làm 2 phía. Thứ nhất, là khi mọi người làm việc ở nhà và dịch bệnh không được ra ngoài thì bao giờ mọi người cũng tìm đến xu hướng là giải trí hoặc là xem xem một kênh nào đấy. Do đó, mọi người truy cập vào các nền tảng công nghệ và những người sáng tạo nội dung sẽ được quyền lợi trực tiếp còn độc giả, công chúng người ta chỉ có nhu cầu thưởng thức.
Điều đó lại dẫn đến tình trạng bị bí đề tài và từ đó có 1 số bạn trẻ muốn "mì ăn liền", muốn ăn ngay nên các bạn sao chép lại những sản phẩm khác. Và có những đề tài phù hợp với thị hiếu văn hóa nhưng cũng có những đề tài lại không đúng với chuẩn mực. Thứ hai, có một số bạn không muốn xây dựng một quãng đường dài mà họ muốn nóng vội, ăn ngay nên đã tìm đến những thứ giật gân, câu khách, những đề tài sốc độc và thậm chí là có những cái nó không vừa với chuẩn mực văn hóa.
Youtuber Ngô Đức Duy: Thật ra, công việc sáng tạo nội dung nó không đơn giản và hào nhoáng như vẻ bề ngoài. Đây có thể coi là một trong những công việc phải chịu áp lực nặng nề nhất. Nếu như các bạn đi học thì phải chịu áp lực từ deadline, từ điểm số, từ giáo viên, từ bố mẹ. Hay ví dụ mà các bạn đi làm công ty, các bạn sẽ áp lực từ sếp, gia đình... Nhưng nếu như các bạn làm công việc sáng tạo xã hội, các bạn sẽ phải chịu áp lực từ cả mạng xã hội.
Ở trên mạng có một câu nói khá hay như thế này: "Khi lên mạng xã hội thì IQ cao hay IQ thấp đều như nhau". Quả thực, mạng xã hội cho phép người ta “không phải chịu trách nhiệm về những gì mình làm”, tất cả mọi phát ngôn đều là ẩn danh. Thế nên nếu như các bạn là một người phát triển nền tảng mạng xã hội, đưa khuôn mặt của mình, đưa ý kiến của mình lên trên mạng xã hội thì phải chấp nhận chịu những ý kiến trái chiều và chịu áp lực từ tất cả mọi người mà chúng ta không biết.
Ngoài ra, những ý tưởng để làm mới bản thân cũng sẽ mang đến áp lực cho người làm sáng tạo. Cần phải có sự liên tục và đảm bảo về chất lượng ở tất cả những content mà mình đăng tải lên.
6. Được xem là một trong những người trẻ đã có những thành công nhất định trong ngành sáng tạo nội dung, anh Duy có thể chia sẻ cách làm thế nào để "giữ chân" người xem và duy trì lượng tương tác ổn định trong bối cảnh ngày nay có rất nhiều những thông tin và content "bẩn" hiện nay?
Youtuber Ngô Đức Duy: Nếu như đưa ra lời khuyên cho các bạn mới làm nội dung thì cái đầu tiên chưa phải là “cách giữ chân người xem” mà là “có người xem”. Đầu tiên, nếu muốn phát triển được thì phải có người xem, lượng người theo dõi nhất định. Phải tạo cho mình một vị thế, một chỗ đứng, đặc biệt là trong thị trường bây giờ người người Tiktok, nhà nhà Tiktok. Nó không phải là một nghề mới, vậy nên, cơ hội để phát triển khác biệt so với những phần còn lại cũng không còn quá lớn.
Thứ hai là tính cá nhân. Mình phải có một cái gì đó đặc biệt để người xem ở lại với mình. Sau đấy khi mà mình đã có chỗ đứng và phát triển được nội dung hấp dẫn xuyên suốt ngày qua ngày. Và cũng không có một bí quyết chung nào, vì nếu như có thì ai cũng có thể làm và thành công.
Hãy làm những cái gì mà chúng ta đang cảm thấy là người xem người ta thích ở mình. Một món ăn ngon nấu như thế nào để cho ngon thì mình hãy tiếp tục nâng cấp những món ăn đấy, hoặc là có thể giữ nguyên trong một khoảng thời gian, khi mà người ta cảm thấy chán dần thì mình sẽ chế nó đi, sửa nó như thế nào để mình có thể một lượng khách nhất định và thêm cả khách mới nữa.
Nhà báo Phạm Quý Trọng: Đồng ý với quan điểm của Duy. Đó là không có một công thức chung nào cho sáng tạo nội dung. Thay vì làm sau để khẳng định mình, hãy làm cho khán giả nhớ đến mình với một nét riêng biệt nhất. Và để thành công, người trẻ cần thực hành rất nhiều và đúc rút ra kinh nghiệm, hướng đi... Hãy chịu khó, kiên nhẫn và mày mò thật nhiều để tìm ra hướng đi cho riêng biệt.
7. Với việc ngày càng có nhiều người yêu thích lĩnh vực này. Đồng nghĩa với việc sức cạnh tranh sẽ cao hơn. Với anh, làm thế nào để anh có thể giữ được lượng tương tác lớn đến như vậy mà vẫn giữ được “màu” riêng biệt?
Youtuber Ngô Đức Duy: Thật khó để đưa ra một câu trả lời cụ thể được. Tuy nhiên, nếu để trả lời thì mình sẽ nói là mình làm những gì mình thích và làm những gì mà khán giả của mình thích xem. Bản thâ người làm nội dung phải biết được là khán giả của mình thích xem cái gì, mình biết xu hướng bây giờ đang như thế nào và mình chèn thêm những gì mình thích nữa.
Đối với mình sẽ có 3 yếu tố: đầu tiên là mình thích những cái mình làm. Thứ hai là mình phải bám sát được cái xu hướng thị trường, các bạn trẻ bây giờ đang thích xem gì hay còn gọi với cụm từ là đang trending. Thứ ba chính là hãy luôn luôn là chính mình, đừng bắt chước, trở thành một bản sao của người khác bởi vì những cái gì người ta thích xem ở mình thì mới có thể xem lâu dài được. Những nội dung đi cover lại thì nó sẽ không phải là của mình. Và về lâu về dài sẽ không thể giữ được chân người xem.
8. Vậy quan điểm của nhà báo Phạm Quý Trọng thì sao? Dưới góc nhìn của một nhà báo, một người thầy, một người có kinh nghiệm đi trước... Theo ông, những bạn trẻ theo ngành sáng tạo nội dung cần làm gì tạo ra những nội dung có bản sắc riêng, thu hút được sự quan tâm của người xem hơn?
Nhà báo Phạm Quý Trọng: Khi bước vào không gian mạng xã hội nhất là làm sáng tạo nội dung thì để cho mọi người nhớ đến mình là điều cực kỳ khó khăn. Điều các bạn trẻ cần nhất là phải biết công nghệ. Thứ 2 là biết một ngoại ngữ, đọc được các tin, các nguồn từ nước ngoài. Nói chính xác hơn chính là phải bổ sung thứ nhất là kiến thức, thứ hai là kỹ năng và cuối cùng là hãy thực hành thường xuyên và liên tục.
Chúng ta không được "đốt cháy giai đoạn" mà phải liên tục, liên tục cập nhật và thực hành. Người trẻ có 1 cái rất hay chính là họ có những đột phá, có những ideas không giống ai. Người trẻ cũng dám đương đầu trước thử thách và dám làm vì họ còn có cơ hội, thời gian để sửa sai. Và khi thực hành nhiều, đi nhiều thì nó sẽ thành đường đi.
9. Theo 2 vị khách mời sáng tạo nội dung nên bắt đầu từ đâu và đâu là nền tảng xã hội người trẻ nên chọn để khởi đầu cho công việc này? (Đặng Minh Anh, từ sóng livestream)
Nhà báo Phạm Quý Trọng: Rất khó khi nói bắt đầu từ đâu, bởi vì không thể áp dụng thanh công của người khác được. Sáng tạo nội dung cũng không có một công thức chung, cụ thể nào. Muốn làm sáng tạo nội dung thì phải thực sự bắt tay vào làm và không thể học theo công thức của bất kỳ ai.
10. Không biết hai vị khách mời có thể nêu lên quan điểm, cách thức của mình mỗi khi bị bí đề tài, bí content được không? (Hoàng Giang, [email protected])
Youtuber Ngô Đức Duy: Với người làm sáng tạo nội dung thì bí content như bệnh kinh niên. Và sự thực thì gần như bất cứ ngành nghề nào cũng có lúc rơi vào trạng thái bí ý tưởng. Giải pháp duy nhất ở đây chính là cố gắng và đương đầu với thử thách. Vì đây là công việc. Và từ nhiều lần bí đó, chúng ta sẽ tự đúc kết cho mình một hướng đi nhất định cho bản thân.
Nhà báo Phạm Quý Trọng: Có một cách rất hay khi bản thân bị bí đề tài, chính là đọc sách. Bởi vì sách chính là kết tinh của tri thức, đúc kết kinh nghiệm của người đi trước. Nếu được hãy lựa chọn những cuốn sách nước ngoài, vừa có thể trau dồi ngoại ngữ vừa rút ra được kinh nghiệm. Có thể nói, sách chính là chìa khóa để tìm thêm được những ideas thú vị.
11. Được biết là anh Duy mới lấn sân sang thị trường Tiktok, và đến thời điểm hiện tại cũng đã đạt được gần 700k follower, vậy anh đánh giá như thế nào về tiềm năng phát triển của mạng xã hội này?
Youtuber Ngô Đức Duy: Tiềm năng của Tiktok là cực kỳ lớn. Bản thân mình chỉ thực sự đầu tư vào nền tảng này trong vòng 4 tháng và mình nhận ra là tốc độ phát triển của MXH này cực kỳ khủng khiếp. Tiktok là một nền tảng đậm chất Gen Z và là tích hợp của 2 điểm mạnh nhất từ YouTube và Facebook - video và vô hạn. Thậm chí, thời lượng của một clip Tiktok không quá dài, giúp nội dung được chuyền tải xúc tích hơn, khối lượng thông tin được tiếp cận nhiều hơn và không mất quá nhiều thời gian. Tốc độ giải trí được thỏa mãn nhanh hơn. Một khoảng thời gian tới, Tiktok sẽ là một trong những xu hướng dẫn đầu MXH.
Nhà báo Phạm Quý Trọng: Tuy nhiên, việc lấn sân sang thị trường Tiktok đòi hỏi người làm nội dung cần thay đổi tư duy sản xuất, bắt buộc phải dồn nén thông tin sao cho cô đọng nhất.
Youtuber Ngô Đức Duy: Dù vì cơ bản vẫn là sản xuất video nhưng có vấn đề rất lớn khi làm Tiktok đó là thời lượng video. Để làm cho nội dung của mình có hứng thú với người xem và truyền tải được các thông điệp trong vòng 1 phút thì sẽ khá khó.
12. Có một thực trạng rằng, trên Tiktok thời gian gần đây xuất hiện ất nhiều content "rác". Theo 2 vị khách mời, hướng phát triển như vậy có đi được đường dài hay không? (Phùng Thị Thùy Linh, trên sóng livestream)
Youtuber Ngô Đức Duy: Nếu để nói có đi được đường dài hay không thì rất tiếc, theo cá nhân mình nghĩ là có. Bởi vì những content độc hại luôn gây tranh cãi mà điều gây tranh cãi thì chính là thứ cộng đồng mạng quan tâm. Đây là thực trạng đáng buồn với cá nhân người làm sáng tạo như mình. Những gì giật title, câu view hay fake news lại là những điều được quan tâm nhiều nhất. Thậm chí, fake news luôn được lan truyền một cách chóng mặt. Đến khi thông tin được đính chính thì không mấy ai quan tâm.
Nhà báo Phạm Quý Trọng: Dù vậy, những thông tin xấu, độc sẽ dần biến mất khi các cơ quan chức năng vào cuộc. Những kênh thông tin sẽ bị xử phạt, thậm chí khóa kênh. Vậy nên khi quyết định làm một thông tin gì đó nên tránh những thứ giật gân, câu view để tránh để lại hậu quả xấu về sau.
13. Anh Duy Thẩm có thể chia sẻ hành trình xây dựng các trang mạng xã hội của mình được không? Làm sao để rèn luyện sự kiên trì và không bị ảnh hưởng bởi sự tiêu cực trên MXH?
Youtuber Ngô Đức Duy: Cá nhân mình thì mình không phải người làm tốt ngay từ đầu. Các bạn trẻ bây giờ đang có một sự tự tin nhất định không như những bước đầu chập chững của mình. Và mình đúc kết ra rằng, mình phải làm nhiều, thực hành nhiều thì sẽ quen việc. Và khi có được sự tự tin nhất định rồi thì mình sẽ phải hướng đến việc xây dựng content sao cho mới lạ và khác với những gì đã được thực hện. Với mình, mình đã lựa chọn review những sản phẩm về Apple vì ở thời điểm đó mình là kênh duy nhất làm như vậy. Mình nhìn theo những gì người khác đã làm và làm mới hoặc đi theo một hướng riêng biệt.
14. Cuối cùng, nhà báo có thể chỉ ra những lợi thế của sinh viên báo chí với nghề sáng tạo nội dung này hay không?
Nhà báo Phạm Quý Trọng: Sinh viên báo chí đang có lợi thế hơn hẳn so với phần còn lại. Sinh viên báo chí chính là những người sản xuất nội dung, sáng tạo không ngừng khi làm việc tại các tòa soạn, các nhà đài... Các bạn phải luôn có sản phẩm báo chí và đây chính là sáng tạo nội dung. Và ở trường báo cũng đang đưa vào giảng dạy môn Sáng tạo tác phẩm báo chí để làm rõ tất cả các quy trình, giai đoạn làm nội dung. Và thay vì nói là làm nội dung trên MXH thì người làm báo chính là làm nội dung trên báo chí.
Sinh viên báo chí cần nhanh nhạy, nắm bắt thời cuộc và cộng thêm mộ chút may mắn. Các bạn sẽ thành công.
Toạ đàm kết thúc
Trang tin điện tử Sóng Trẻ chân thành cảm ơn quý đọc giả đã theo dõi, tương tác với buổi tọa đàm trực tuyến. Kính mong quý độc giả tiếp tục đón nhận các tác phẩm tiếp theo trên trang tin Sóng Trẻ và gửi phản hồi về hòm thư góp ý của trang tin: [email protected]
Xin trân trọng cảm ơn!
Cùng chuyên mục
- Gari Nguyễn: "Đam mê giúp chúng ta đi đường dài còn danh tiếng chỉ là nhất thời"
- 14h00 ngày 6/11: Giao lưu trực tuyến - Trò chuyện với "Những người truyền lửa"
- 13h15p chiều nay BBT Sóng trẻ tổ chức GLTT với phóng viên Hoàng Tuấn Anh - Người lan tỏa những hành động đẹp trong chương trình "Việc tử tế"