Tổng kết diễn đàn: Sinh viên y khoa có cần giỏi... Văn?
(Sóng trẻ) - Sau một tuần được mở để tranh luận, diễn đàn “Sinh viên y khoa có cần giỏi… Văn?” trên trang tin điện tử Sóng trẻ đã nhận được 30 ý kiến bình luận của quý vị độc giả. Thông qua những ý kiến bình luận thẳng thắn, đa chiều, diễn đàn đã phần nào bóc tách và hướng tới giải quyết được vấn đề “nóng” đang gây tranh cãi trong thời gian qua.
Đề xuất đưa môn Văn vào để xét tuyển thí sinh dự thi các trường Đại học ngành y, dược là sự kiện giáo dục gây chú ý trong thời gian qua và nhận được nhiều ý kiến trái chiều trong dư luận. Bàn luận về chủ đề trên, diễn đàn “Sinh viên y khoa có cần giỏi… Văn?” đã diễn ra rất sôi nổi, với nhiều bình luận phản hồi trái chiều từ quý vị độc giả.
Trong tổng số 30 bình luận được gửi tới và đăng tải trên trang, có 10 ý kiến (chiếm tỷ lệ 33%) đồng tình với đề xuất đưa môn Văn trở thành môn xét tuyển cho các thí sinh dự thi vào các trường Đại học ngành y, dược. Các ý kiến đồng tình chủ yếu đều chỉ ra rằng: việc học Văn sẽ giúp tăng cường ý thức đạo đức, phẩm chất nhân văn của những thế hệ bác sĩ tương lai, nài ra khắc phục một số điểm yếu của các y bác sĩ hiện nay như kỹ năng giao tiếp với bệnh nhân kém, viết đơn thuốc không rõ ràng, sai chính tả…
Độc giả ở địa chỉ [email protected] chia sẻ: “Làm bác sĩ mà ngay cả cách viết một đơn thuốc đúng chính tả còn khó khăn thì sao có thể cứu người. Đó là chưa kể những tình huống người bán thuốc vì không dịch nổi chữ bác sĩ cũng đành bó tay không thể bán thuốc cho bệnh nhân. Hơn nữa học Văn còn là học cách để làm người trong bối cảnh tình trạng xuống cấp về đạo đức của các y bác sĩ hiện nay cũng đang là vấn đề nhức nhối trong xã hội, khiến cho người dân vô cùng bức xúc. Mình nghĩ việc đưa môn Văn vào kì thi tuyển sinh đại học và chương trình giảng dạy là việc cần thiết, hướng tới mục tiêu xây dựng và phát triển con người toàn diện của nước ta".
Bổ sung cho quan điểm nêu trên, độc giả ở địa chỉ [email protected] bình luận: “Môn Văn không những chỉ cần thiết cho các y bác sĩ mà còn cần thiết cho tất cả mọi ngành nghề trong xã hội. Nhìn vào thực tế cuộc sống sẽ thấy, để đạt tới thành công thì năng lực chuyên môn và trí tuệ là chưa đủ, mà cần phải có khả năng giao tiếp cũng như phẩm chất đạo đức tốt. Việc đưa môn Văn vào điều kiện xét tuyển sẽ không chỉ giúp các y bác sĩ tương lai phát triển cả kĩ năng mềm - một kĩ năng rất cần thiết cho sự nghiệp tương lai”.
Ngược lại, có tới 20/30 ý kiến (chiếm tỷ lệ 66%) bày tỏ sự phản đối đề xuất đưa môn Văn vào để xét tuyển thí sinh dự thi các trường Đại học ngành y, dược. Các độc giả đã phân tích nhiều điểm còn thiếu hợp lý trong đề xuất trên, khiến việc dùng môn Văn để xét tuyển trong thời điểm này là việc làm chưa cần thiết ở thời điểm hiện tại.
Nói về sự thiếu đồng điệu giữa kiến thức môn Văn với kiến thức y khoa, độc giả ở địa chỉ [email protected] phân tích: “Mình không đồng tình với việc đưa môn văn vào xét tuyển sinh viên ngành Y. Thứ nhất, môn văn không liên quan đến tư duy khoa học. Mỗi người giỏi một dạng tư duy riêng và việc bắt học sinh phải có đủ các trí thông minh là không quá cần thiết. Nhiều sinh viên học chuyên, không giỏi văn nhưng lại rất có khả năng là bác sỹ giỏi, việc xét tuyển môn văn làm hạn chế cơ hội trúng tuyển và thành tài của họ. Thứ hai, việc giỏi ăn nói, giỏi diễn thuyết, giỏi ngữ pháp, giỏi viết báo cáo... không chỉ học văn mà thành, vả lại, bác sỹ - người lao động khá thầm lặng - có cần những thứ đó, hay là chúng ta đang cần những bác sỹ "thùng rỗng kêu to". Thứ 3, đạo đức của người hành nghề y không nằm ở chỗ người đó có giỏi văn hay không, không có căn cứ gì để khẳng định, một người học văn giỏi sẽ có đạo đức tốt và ngược lại”.
Nhiều độc giả cũng cho rằng, việc dùng môn Văn để xét tuyển sẽ không phát huy được tác dụng như mong muốn với thực trạng dạy và học Văn như hiện nay ở các trường phổ thông. Bạn đọc ở địa chỉ [email protected] bày tỏ: “Cách dạy văn hiện nay còn nhiều bất cập, học sinh còn phải bịa, bịa để đạt điểm cao, viết cứ như chém, cơ mà không hiểu bản chất, hoa lá quá mà thiếu thực tế. Cũng chưa chắc người điểm cao môn văn là có đạo đức hơn các môn khác đâu, còn tùy vào giáo dục và năng lực cảm thục thực sự. Người muốn đưa môn văn vào thi vì chưa hiểu thực tế có cách dạy và học văn hiện nay”.
Gay gắt hơn, nhiều bạn đọc cho rằng đề xuất này hết sức phiến diện, bởi việc học tốt hay không học tốt môn Văn sẽ không thể nào đánh giá được phẩm chất hay nhân cách của một con người. Độc giả ở địa chỉ [email protected] bức xúc: “Nhân cách của một con người được hình thành và bồi dưỡng trong cả một quá trình, từ khi sinh ra đến lúc trưởng thành, chịu tác động của nhiều yếu tố như gia đình, nhà trường, xã hội. Một bài thi môn Văn trong kỳ thi tuyển sinh sẽ chẳng thể nào đánh giá được phẩm giá hay nhân cách của một con người. Chi bằng các nhà giáo dục hãy tìm biện pháp để đổi mới cách dạy và học Văn trong nhà trường, để sao phát huy được hết giá trị của môn học, chứ đừng đưa ra những đề xuất nửa vời như vậy”.
Không chỉ nêu ra ý kiến đồng tình hay phản đối với đề xuất đưa môn Văn vào xét tuyển thí sinh dự thi các trường Đại học ngành y, dược; nhiều độc giả còn đề xuất những kiến nghị, giải pháp để giải quyết được vấn đề đang tranh cãi.
Độc giả ở địa chỉ [email protected] chia sẻ: “Dùng môn Văn để xét tuyển thí sinh thi ngành y - dược là một ý kiến hay, tuy nhiên phải xét tuyển như thế nào mới là vấn đề quan trọng. Ai cũng biết các trường y - dược luôn có điểm xét tuyển Đại học cao nhất cả nước, để vào được trường thí sinh cần phải có điểm Toán, Hóa, Sinh gần như ở mức tuyệt đối. Nếu như cũng đòi hỏi cao như vậy đối với môn Văn thì quá áp lực cho các thí sinh và không thiết thực. Theo tôi chỉ nên sử dụng môn Văn như một môn điều kiện, trong đó thí sinh phải có điểm thi môn Văn trong kỳ thi toàn quốc ở mức trung bình khá thì mới được xét tuyển vào trường y - dược, chứ không nên tính điểm môn Văn vào trong mức điểm xét tuyển của trường”.
Độc giả ở địa chỉ [email protected] bày tỏ quan điểm khác: “Việc suy đồi đạo đức của nhiều y bác sĩ ngày nay xuất phát từ rất nhiều yếu tố, trong đó có những yếu tố như môi trường xã hội, sự thay đổi của cuộc sống, chứ không phải lúc nào cũng do nhân cách hay quá trình con người đó được giáo dục từ nhỏ. Nài việc đề xuất những giải pháp xa xôi như dùng môn Văn để tuyển sinh ngành y dược thì các Bộ nên đề xuất những giải pháp thực tiễn hơn như cải thiện đời sống của công nhân viên ngành y tế, nâng cao chế độ đãi ngộ, chấn chỉnh đội ngũ quản lý y tế...”
Các ý kiến được nêu ra trong diễn đàn,dù đồng tình hay không đồng tình với đề xuất nêu trên, đều thống nhất với quan điểm: “Văn học là nhân học”, văn học là một môn học quan trọng, không chỉ với sinh viên y khoa mà còn với sinh viên ở bất kỳ ngành nghề nào khác.
Tuy nhiên, không thể vội vàng áp dụng ngay lý luận đó vào thực tiễn mà phải xem xét liệu lý thuyết đó đã phù hợp với thực tế cuộc sống hay chưa? Trước khi đề xuất đưa môn Văn vào phương án tuyển sinh được thực hiện, thì những nhà lãnh đạo giáo dục cần đánh giá xem hệ thống giáo dục ở nước ta đã đủ phù hợp để phát huy hết hiệu quả mong muốn của đề xuất; cũng như cân nhắc kĩ lưỡng để tìm ra phương án phù hợp áp dụng đề xuất trên.
Diễn đàn “Sinh viên y khoa có cần giỏi… Văn?” tuy không diễn ra trong một thời gian dài, nhưng đã phần nào giúp bạn đọc nhìn ra được những ưu và khuyết điểm của đề xuất đưa môn Văn trở thành môn xét tuyển cho các thí sinh dự thi vào các trường Đại học ngành y, dược; nhìn ra những điều còn để ngỏ và bước đầu đề ra được một số giải pháp, hướng đi cụ thể.
Diễn đàn xin được khép lại tại đây. Xin cảm ơn sự quan tâm theo dõi và đóng góp ý kiến của quý vị độc giả.
Rất mong nhận được sự ủng hộ của quý vị trong những diễn đàn tiếp theo!
Hoàng Minh
Nhóm 1
Báo mạng điện tử 31
Cùng chuyên mục
Bình luận