Trái tim người thầy

(Sóng Trẻ) - “Hai mươi mốt năm được gắn bó với ngôi trường này là khoảng thời gian hạnh phúc nhất trong cuộc đời tôi”. Đây là những lời tâm huyết từ thầy Phạm Đình Thắng, giáo viên phụ trách nội trú của trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu, Hà Nội - Một người thầy đã dành cả cuộc đời vì đàn em thân yêu. 

Vào thăm ngôi trường dành cho học sinh khiếm thị, chúng tôi đã được trò chuyện và tâm sự cùng thầy. Tuy đã bước sang cái tuổi “thất thập cổ lai hy”, những nếp nhăn của tuổi tác đã hằn sâu trên khuôn mặt nhưng trông thầy vẫn rất minh mẫn và nhanh nhẹn. Thầy vẫn ngày đêm gắn bó, chăm lo cho các em học sinh từng bữa ăn, giấc ngủ. “Thật khó để kể hết những gì thầy đã làm cho chúng em, chỉ biết rằng chúng em rất yêu quí thầy”- Những em học sinh ở đây chia sẻ như vậy.

Được nghe kể về chặng đường đời và nghiệp “gõ đầu trẻ” của thầy, chúng tôi càng hiểu hơn cái “tâm” cao quí của người làm thầy. Thầy Thắng tâm sự: “Bây giờ già rồi tôi  cũng không nhớ mình đã dạy ở bao nhiêu ngôi trường và đặt tên cho bao nhiêu em học sinh nữa”.

Sau khi tốt nghiệp hệ Trung cấp sư phạm của ĐH Sư phạm Hà Nội, năm 1960 thầy Phạm Đình Thắng tình nguyện lên vùng cao Lạng Sơn giảng dạy theo tiếng gọi của phong trào thanh niên “ba sẵn sàng”. Với sức trẻ cộng với lòng nhiệt huyết nghề nghiệp, thầy đã nỗ lực hết mình để đem “cái chữ” đến cho những đứa trẻ nơi vùng cao. Hai mươi bảy năm trời không thể nhớ hết tên bao nhiêu quả đồi, bao nhiêu làng bản đã in dấu chân người thầy miền xuôi. Không thể đếm được bao nhiêu mồ hôi, sức lực, trí tuệ đã được bỏ ra để  đổi lấy sự trưởng thành của lớp lớp thế hệ học sinh nới đây.  

Thầy không có gia đình riêng, không có những đứa con riêng nhưng thầy không cảm thấy cô đơn bởi bên cạnh luôn có tiếng cười, tiếng học chữ và tiếng gọi thầy ơi của các em học sinh. Thầy coi tất cả những em học sinh nghèo đều như con riêng, như tài sản quí giá của cuộc đời mình. Chỉ tiếc là vì lý do sức khoẻ và mắt kém nên thầy Thắng không thể gắn bó lâu hơn nữa với trẻ em vùng dân tộc thiểu số. Với 27 năm gắn bó với vùng đất heo hút nhất của Tổ quốc, thầy đã hoàn thành sứ mệnh xoá mù chữ cho trẻ em miền núi.

Năm 1987, nhận lời mời của thầy Nguyễn Như Thạch – người bạn đã từng cũng giảng dạy ở Lạng Sơn và là Hiệu trưởng đầu tiên của trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu, thầy đã về đây công tác. Đó là mốc đánh dấu những kỷ niệm gắn bó với học sinh khiếm thị của thầy.

Hỏi về lý do khiến thầy gắn bó với trường, thầy chỉ cười rồi trả lời hết sức đơn giản: “Do tôi mắt kém (mắt phải không thấy hoàn toàn, mắt trái thị lực 1/10) nên giữa tôi và các em học sinh khiếm thị ở đây có sự đồng cảm sâu sắc giữa những người đồng tật. Và tôi thực sự tìm thấy được niềm vui trong cuộc sống từ chính các em học sinh của mình”.

Cô giáo Nguyễn Thị Tuyết - phó Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ với chúng tôi: “Thầy gắn bó với các em học sinh khiếm thị ở nội trú 24/24 giờ, hiểu và chia sẻ, đồng cảm với mọi buồn vui của các em nên mặc dù đã đến tuổi về hưu cách đây 14 năm nhưng BGH vẫn  rất tin tưởng và yên tâm khi giao phó các em cho thầy chăm sóc, dạy dỗ.”

Gắn bó với các em khiếm thị, thầy Thắng luôn ấp ủ một mong muốn là làm sao để người khiếm thị chẳng khác gì người bình thường. Với mong muốn nung nấu đó, 21 năm qua thầy đã đào tạo được nhiều thế hệ học sinh khiếm thị “tàn nhưng không phế”. “Thầy Thắng như là cha của chúng em vậy. Được thầy quan tâm chúng em như vơi đi nỗi buồn thiếu vắng tình cảm gia đình”, em Ngọc Văn Quỳnh nói trong xúc động.

Chia tay thầy, tôi cứ nhớ mãi về căn phòng nhỏ với chiếc bàn làm việc đơn sơ, những kệ sách cũ kỹ và cả những bức ảnh về các em học sinh khiếm thị ở rất xa gửi về... Tôi thấy lòng mình thật ấm áp, ấm áp bởi cảm giác ở đó có một người thầy mà biết bao thế hệ học trò khiếm thị đã tìm được niềm tin cũng như nghị lực để sống và phấn đấu trở thành người có ích cho xã hội.

    Trần Thị Huyền
Lớp Phát thanh K26

Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
Bế mạc Hội báo toàn quốc năm 2024: Học viện Báo chí và Tuyên truyền đạt giải B Gian hàng trưng bày xuất sắc

Bế mạc Hội báo toàn quốc năm 2024: Học viện Báo chí và Tuyên truyền đạt giải B Gian hàng trưng bày xuất sắc

Tin nổi bật1 tháng trước

(Sóng trẻ) - Sáng 17/3/2024, tại TP Hồ Chí Minh, Hội Báo toàn quốc 2024 với chủ đề “Báo chí Việt Nam - Tiên phong, Đổi mới vì sự nghiệp cách mạng của Đảng và Nhân dân” đã bế mạc trọng thể.

Thời tiết Noel 2023: Miền Bắc chìm trong rét đậm, Trung và Nam Bộ khả năng có mưa lớn

Thời tiết Noel 2023: Miền Bắc chìm trong rét đậm, Trung và Nam Bộ khả năng có mưa lớn

Tin nổi bật4 tháng trước

(Sóng trẻ) - Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia dự báo thời tiết trong 10 ngày tới, từ đêm nay 17/12 đến ngày 27/12, cho các khu vực trên cả nước.

Chấp nhận ngủ lề đường "chờ mua iPhone 15"

Chấp nhận ngủ lề đường "chờ mua iPhone 15"

Tin nổi bật7 tháng trước

(Sóng trẻ) - Như thường lệ, thời điểm tháng 9 sẽ là lúc Apple - một tập đoàn công nghệ về ngành công nghệ thông tin lớn bậc nhất thế giới cho “trình làng” các sản phẩm mới nhất. Vào ngày 13/9, Apple đã cho ra mắt iPhone 15.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN