Trẻ em trên phố, chơi ở đâu bây giờ?
(Sóng trẻ) - Số lượng điểm vui chơi công cộng dành cho trẻ em ở các đô thị hiện chiếm một phần rất nhỏ trong các kết cấu cơ sở hạ tầng phục vụ dân sinh. Phải chăng, chúng ta đang mải mê với những chung cư chọc trời hay những trung tâm thương mại sầm uất mà quên đi rằng những đứa trẻ - thế hệ tương lai của đất nước cũng xứng đáng có một không gian cho riêng mình.
Mỏi mắt tìm chỗ chơi cho con
TP Hà Nội hiện nay không có nhiều những điểm vui chơi đặc thù dành cho trẻ em. Chỉ tính riêng tại quận Cầu Giấy, những không gian này chỉ đếm trên đầu ngón tay , bao gồm: công viên Cầu Giấy, công viên Nghĩa Đô, hay không gian vui chơi trong nhà Tiniworld là những địa điểm mà các em nhỏ có thể lui tới. Đó không hẳn là những không gian cho trẻ, mà nó dành cho mọi tầng lớp, độ tuổi.
Vào những ngày cuối tuần, những kì nghỉ ngắn ngày, nếu ở trong nội thành Hà Nội, các bậc phụ huynh vẫn thường phải “đau đầu” nghĩ địa điểm chơi mới cho con, để chúng không thấy nhàm chán khi chỉ có từng ấy địa điểm mà bọn trẻ thì đã… chơi quá nhiều.
Một góc sân chơi dành cho các em nhỏ tại công viên Cầu Giấy (Hà Nội)
Chị Bùi Huyền (quận Cầu Giấy – Hà Nội) chia sẻ: “Thường chị cùng chồng đưa con đến Tiniworld cho chúng chơi, vẽ vào cuối tuần. Nếu nghỉ lễ thì đưa lên Bờ Hồ vì ở Hà Nội cũng chỉ có quanh quẩn mấy địa điểm đấy.” Chị tâm sự thêm: “Nhiều lúc chị cũng muốn thay đổi không gian vui chơi cho chúng nhưng không biết đi đâu”.
Qủa thực, bài toán muốn con có không gian vui chơi, muốn cho con hoạt động nài trời nhưng lại không có nhiều địa điểm đang là trăn trở của không ít các bậc phụ huynh. Chị Khánh Xuân (nhân viên văn phòng) đã cho biết: “ Vì con đi học cả tuần nên cuối tuần chị rất muốn cho con chơi ở nài trời. Những chỗ có nhiều cây xanh trong thành phố rất ít địa điểm, chơi đi chơi lại mãi những mấy chỗ quen thuộc cũng chán mà đi chơi xa thì gia đình lại không có điều kiện”.
Nhiều quan điểm cho rằng trẻ em thành phố bây giờ thiệt thòi tuổi thơ vì chỉ biết đến công nghệ, cứ ngồi ôm cái điện thoại, máy tính suốt cả ngày. Thế nhưng, thói quen xấu ấy của con trẻ không phải bắt nguồn sâu xa từ việc chúng đang thiếu không gian vui chơi, thiếu những khoảng sân để bọn trẻ thỏa sức chạy nhảy, tham gia các hoạt động nài trời hay sao?
Hàng chục năm nay, thành phố vẫn thiếu sân chơi cho trẻ nhỏ, để rồi thường xuyên chúng ta bắt gặp hình ảnh các em kéo nhau xuống lòng đường trượt patanh, đá cầu, đá banh, chơi mèo đuổi chuột trong những con hẻm nhỏ hay say mê với thế giới điện tử trên màn hình di động.
Không khỏi xót xa khi các cơ quan chức năng chỉ ra Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ trẻ em chết vì tai nạn thương tích nhiều nhất khu vực Đông Nam Á. Và một phần nguyên nhân đến từ việc thiếu không gian giải trí lành mạnh. Bên cạnh sự mất cân bằng trong quy hoạch đô thị, khiến nơi quá tải, nơi lại trong tình trạng phủi bụi “đắp chiếu”, thì việc người lớn chiếm dụng khu vui chơi để làm chỗ trong xe, bán hàng ăn, quán nhậu cũng là vấn đề nan giải.
Những giải pháp vẫn chỉ nằm trên giấy.
Không phải là chúng ta không có những quy chế rõ ràng cho vấn đề này.Trong các văn bản pháp luật đã nêu rõ việc chuẩn hóa sân chơi cho trẻ em, cụ thể:
Quyết định 37/2010/QĐ - TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định: tạo môi trường sống an toàn, thân thiện với trẻ em, để tất cả trẻ em đều có sự khởi đầu tốt đẹp nhất trong cuộc sống, có cơ hội phát triển toàn diện cả về thể chất, trí tuệ, tinh thần và nhân cách.
Đề án chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2010 - 2020 cũng đặt ra mục tiêu đến năm 2020, 45% xã, phường hoàn thiện điểm vui chơi dành cho trẻ em; 40% huyện và 100% tỉnh có nhà văn hóa thiếu nhi; quy hoạch mạng lưới các trung tâm vui chơi, giải trí, thể dục, thể thao dành cho trẻ em.
Những giải pháp được đưa ra, như ưu tiên dành quỹ đất để xây dựng sân chơi, phát hiện và xử lý đối với những trường hợp lấn chiếm, chỉ đạo rà soát, tham mưu để có giải pháp tổng thể, phấn đấu mỗi phường bố trí tổ chức sân chơi riêng cho trẻ em nhưng đến nay, kết quả vẫn không mấy khả quan.
Đến bao giờ, trẻ con không còn phải “mỏi mắt” tìm chỗ chơi
Ông Nguyễn Hoàng Việt - giám đốc trường đào tạo kỹ năng sống Dream&Do School Việt Nam cho biết: “Trên thực tế, sân chơi đúng nghĩa dành cho trẻ em hiện nay chưa đạt yêu cầu cả về chất lượng lẫn số lượng. Và theo tôi là không thể giải quyết được chỉ trong ngày một ngày hai. Sau thời gian trên lớp trẻ cần có không gian giải trí lành mạnh để tiếp tục học tập nhưng nhiều bậc phụ huynh hiện tại chưa nhìn thấy nguy hiểm đang rình rập xung quanh con, hoặc để bảo vệ mà bắt chúng loanh quanh trong nhà, chơi ipad, iphone. Thay vì chờ đợi đến lúc vấn đề được giải quyết, tôi nghĩ, bố mẹ có thể thay đổi bằng cách dành nhiều thời gian hơn cho con, dẫn con ra nài vào dịp cuối tuần và tìm cách đưa con đến những không gian mở bên nài thành phố. Truyền cho trẻ năng lượng tích cực trước khi chúng trở thành con nghiện của internet”
Những đứa trẻ thành thị đang bị “bỏ rơi” trong lòng thành phố đông đúc, giữa các khu chung cư, trung tâm thương mại, nhà hàng, sân ft mọc lên như nấm.. Cho đến lúc những giải pháp đồng bộ có thể khả thi, những đứa trẻ vẫn sẽ mang gạch ra lòng đường để làm cột gôn, căng khăn quàng ra giữa vỉa hè để đá cầu, và lại chạy loạn khi bị tiếng loa của trật tư đô thi hay giọng nói của một anh tài xế nóng tính vang lên.
Hương Giang - Hà Linh