Tự do ngôn luận hay miệt thị giới tính
(Sóng trẻ) - Ý thức bị lỗi, bỗng dưng xu hướng tình dục cũng thành “lỗi” theo. Sau khi ghi nhận ca nhiễm cộng đồng mới nhất - hàng loạt những lời chửi bới từ rất nhiều cư dân mạng đã nhắm đến BN 1342. Thậm chí, một số người còn công kích xu hướng tính dục của nam BN này (dù chưa rõ thực hư) và đổ vấy tội lỗi lên cộng đồng LGBT là một trong những nguồn cơn lây lan dịch COVID-19.
Hành vi sai là do ý thức hay do giới tính?
Ngay khi thông tin ca bệnh của BN 1342, nam tiếp viên hàng không Vietnam Airline được công bố, “cơn bão” phẫn nộ đã bắt đầu xuất hiện ở trên các trang mạng xã hội và cụ thể nhất đó là Facebook.
Sự thiếu ý thức của BN1342 đã chấm dứt chuỗi 88 ngày Việt Nam không có ca lây nhiễm mới COVID-19 trong cộng đồng. Cùng với đó là hàng trăm ngàn học sinh, sinh viên tại TP.HCM phải nghỉ học; người dân cũng sống trong tâm trạng hoảng loạn vì không biết liệu bản thân có nguy cơ nhiễm bệnh hay không.
Cộng đồng mạng đều bày tỏ lo ngại trước nguy cơ bùng dịch trở lại tại TP.HCM và chỉ trích hành vi vi phạm quy định phòng, chống dịch của 2 bệnh nhân. Trên diễn đàn mạng xã hội Facebook, tài khoản N.M.T thắc mắc: "Tại sao đang tự cách ly lại sống chung cùng người khác?”, nick T.L.N bình luận: “Thiết nghĩ cần đưa ra những chế tài xử lý thật nặng những cá nhân không tuân thủ đúng quy định phòng chống COVID-19, làm giáo viên mà ý thức quá tệ”. Trong khi đó chủ nhân tài khoản U.H lại bức xúc: “Quá chủ quan, phải xử lý nghiêm khắc”.
Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây là thay vì dừng lại ở việc lên án hành động thiếu ý thức của 2 bệnh nhân này thì nhiều cư dân mạng lại tập trung vào chỉ trích xu hướng tính dục của họ bằng những lời lẽ cay nghiệt. Việc đáng lên án là những hành động thiếu ý thức thì ít mà công kích cá nhân, miệt thị giới tình thì nhiều.
Dù ở bất kỳ giới tính nào, lây nhiễm là lây nhiễm và đều xứng đáng bị xử phạt. Vậy tại sao một số người lại đề cập theo hướng “Gay đi gì mà lắm thế?” hay “Tụi này chuyên lăng nhăng, chết cho đáng”... Cùng với đó, Bộ Y tế cũng công bố lịch trình di chuyển cụ thể của hai BN 1342 và 1347 với mục đích để hỗ trợ công tác truy vết F1,F2,... Tuy nhiên, ngay lập tức cộng đồng mạng đã đưa ra hàng loạt những đồn đoán về mối quan hệ cá nhân cùng đời sống riêng tư của 2 người này.
Thực tế rằng, khi sử dụng MXH Facebook trong suốt những ngày qua thì không khó để bắt gặp được những bình luận châm biếm, cười cợt về 2 BN này. Mỗi bình luận ác ý, chế giễu về giới tính hay xu hướng tính dục đều sẽ góp phần đẩy người nghe đến gần hơn với suy nghĩ tiêu cực về cộng đồng LGBT.
Chị Chế Thị Diễm Quyên – admin page Mượt, một trang facebook comic xây dựng các hình tượng nhân vật thuộc cộng đồng LGBT thu hút gần 350.000 người quan tâm và theo dõi, chia sẻ: “Việc bệnh nhân 1342 bị lên án chắc chắn là có ảnh hưởng tới giới LGBT+. Ví dụ hơi phiến diện, bệnh nhân này là “thẳng” thì câu chuyện sẽ như bệnh nhân 17. Vốn dĩ thực tế việc xã hội lên án bệnh nhân này là lên án về mặt ý thức. Bất kì ai, bất kì xu hướng tính dục nào cũng sẽ bị lên án nếu đó là việc làm ảnh hưởng tiêu cực tới xã hội.”
“Việc giới tính của bệnh nhân ấy bị lôi ra không hẳn là tốt hay xấu, bởi từ đó đến giờ việc LGBT+ sẽ được người ta đem ra nói nhiều hơn và quan tâm hơn. Tích cực thì sẽ ngày càng có nhiều người biết phân biệt đúng sai, bảo vệ lẽ phải và không vơ đũa cả nắm cho rằng cứ “bê đê” là không đúng mực, là lố lăng hay thích vi phạm pháp luật. Nhưng tiêu cực thì cũng nhiều vô số kể, quan điểm mình trước giờ luôn là không quan tâm thị phi nhưng sau sự việc kia cũng có nhiều khi xu hướng tính dục của mình bị những người thiếu tế nhị xung quanh lôi ra bàn tán, chỉ chỏ”, chị Quyên cho biết thêm.
“Công kích giới tính” - không đơn thuần chỉ là đùa cợt
Thời gian gần đây, cộng đồng mạng không ngừng xôn xao khi ca sĩ Lynk Lee bất ngờ công khai giới tính. Trên trang cá nhân, ca sĩ sinh năm 1988 đã thay đổi thông tin thành giới tính nữ và đăng tải nhiều hình ảnh với ngoại hình nữ tính.
Dù chỉ là việc công khai giới tính thật của mình Lynk Lee cũng phải hứng chịu "gạch đá" từ dư luận, không dừng ở việc chỉ trích mà một bộ phận cộng đồng mạng còn dùng những lời lẽ thô tục, cay nghiệt để tấn công nữ ca sĩ.
Nhiều người cứ cho rằng tự do ngôn luận thì nói gì cũng được nhưng thực tế họ chỉ đang ích kỷ với chính những suy nghĩ hẹp hòi của mình và áp đặt người khác. Dùng lời lẽ cay nghiệt để miệt thị giới tính gây tổn thương cho người khác là một hành động xấu và cần được nghiêm túc nhìn nhận lại.
Chia sẻ trên mạng xã hội, anh Huỳnh Minh Thảo, chuyên gia về thúc đẩy quyền LGBT tại Việt Nam bày tỏ quan điểm: “Hành động thiếu ý thức, sai phạm quy định cách ly của nam tiếp viên hàng không gây hậu quả nghiêm trọng đến toàn xã hội là việc không bàn cãi. Nhà nước cũng đã vào cuộc và đang truy cứu trách nhiệm đối với những cá nhân, tổ chức có những hành vi sai phạm này. Tuy nhiên, theo tôi, việc cộng đồng mạng suy đoán từ thông tin tiếp xúc của bệnh nhân (do Bộ Y Tế công bố) rồi quy kết thành những mối quan hệ thân mật hay xu hướng tính dục của họ, thậm chí tiết lộ thông tin, đăng tải những hình ảnh, câu chuyện chưa được xác thực, và chửi lây sang cả cộng đồng LGBT+,... cũng là những hành vi cần phải dừng lại”.
António Guterres, Tổng Thư ký Liên hợp quốc, khẳng định LGBT chính là những đối tượng dễ bị tổn thương và thiệt thòi nhất trong bối cảnh đại dịch Covid-19. "Họ gặp khó khăn, bị tấn công chỉ đơn giản vì họ là ai và họ yêu ai", ông nói. Làn sóng kỳ thị giới tính nếu trở thành một xu hướng công kích mạnh mẽ sẽ là một rào cản rất lớn cho công tác phòng chống dịch của Việt Nam bởi những người đồng tính có thể sẽ không dám trung thực khi kê khai y tế.
Chia sẻ với phóng viên, bạn Vũ Trường Giang – sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền bức xúc cho ý kiến: “Việc công khai miệt thị giới tính được bao biện dưới quyền tự do ngôn luận là một điều rất đáng lên án. Họ quy chụp cả một cộng đồng chỉ vì một vài cá nhân thiếu ý thức như vậy là rất vô lý. Là một người trong cộng đồng LGBT mình rất bức xúc và cảm thấy bị tổn thương. Sau vụ việc xảy ra giới tính của mình bị lôi ra trêu chọc rất nhiều bằng những lời nói thực sự quá đáng.”
Tự do ngôn luận nên được thể hiện và đặt đúng nơi, đúng hoàn cảnh và trên tinh thần bình đẳng, khách quan thì ý kiến đó sẽ trở nên hữu ích và tích cực còn nếu "tự do ngôn luận" mà theo kiểu miệt thị, trì triết, công kích cá nhân thì những ý kiến không những gây tổn thương cho người nghe mà nó còn có thể trở thành một công cụ "giết người" thông qua lời nói.
Theo luật sư Vũ Văn Huê, thuộc văn phòng Luật Đức Năng, Hà Nội: Hành vi thông tin sai sự thật nhằm bôi nhọ người khác trước tiên vi phạm Điều 34 Bộ luật Dân sự 201 và Điều 16, Khoản 3, Luật An ninh mạng năm 2019. Theo đó, người vi phạm sẽ bị xử phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng sẽ bị xử theo NĐ 174/NĐCP – Điều 66 Khoản 3/ NĐCP 2013. Nếu cấu thành tội phạm có thể bị truy tố theo Điều 155 Bộ Luật Hình sự 2015 phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm. |