Ước mơ còn bỏ ngỏ của cô bé có cha mẹ và chị gái bị bệnh tâm thầ
(Sóng Trẻ) - 17 tuổi, ước mơ của em Phạm Thị Huệ (xóm 1, xã Nghi Công Nam, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An) chỉ là được ăn một bữa cơm đầm ấm bên gia đình, ngủ một giấc mà không bị đánh thức bởi tiếng la hét, được tâm sự với mẹ chuyện vui buồn trong cuộc sống,... Những điều rất đỗi bình thường ấy lại trở nên xa xỉ bởi không may, cha, mẹ và chị gái em đều mang trong mình căn bệnh tâm thần.
Khó khăn chồng chất khó khăn
Ghé thăm gia đình Huệ vào một ngày mưa tầm tã, tôi không khỏi chạnh lòng khi nhìn thấy trước mắt mình là căn nhà cấp bốn ọp ẹp, xập xệ, nền nhà vốn loang lổ sau cơn lũ lại càng thêm nát. Được biết, năm 2009 bà Trần Thị Yên (mẹ của Huệ) phát bệnh tâm thần. Một thời gian ngắn sau, cô con gái thứ 3 là Phạm Thị Hoa cũng mắc bệnh giống mẹ. Những tưởng mái ấm nhỏ bé của Huệ còn người cha chèo chống thì bất ngờ, ông Phạm Hữu Vượng (cha của Huệ) ngã bệnh và có những biểu hiện giống vợ và con gái.
Căn nhà sập xệ, chật chội với 6 người ở của gia đình Huệ
Đón tiếp tôi là anh Phạm Hữu Thành (SN 1988) - con trai đầu cũng là trụ cột chính trong gia đình suốt thời gian qua. “Cha mẹ và em gái phát bệnh nhưng vì hoàn cảnh không cho phép nên phải xin về nhà điều trị. Cha tôi bỏ nhà đi suốt, có hôm nhớ đường thì tự về, còn nhiều hôm tôi và cái Huệ phải đi tìm về” - Thành tâm sự. Cách đây hơn một tháng, cả xóm bị thức giấc bởi tiếng la hét vọng ra từ nhà bà Yên, vì Hoa cầm gạch đánh vào đầu mẹ khiến bà Yên bị thương nặng. Ngồi trò chuyện với Thành một lúc, tôi thắc mắc không biết Huệ đang làm gì, vì từ sáng tới giờ không thấy cô bé.
Sau khi tốt nghiệp cấp 3, Huệ quyết định không thi đại học để đi làm đỡ đần anh trai. Nhắc đến em, cô hàng xóm xót xa chia sẻ: “Tội lắm, cái chiếu lành lặn nhường cho mẹ và chị, Huệ nó nằm trên cái gường ọp ẹp với manh chiếu rách tả tơi.” Có lẽ vật có giá trị nhất mà tôi nhìn thấy trong căn nhà chính là cái vali cũ, trong đó cất giữ toàn bộ giấy tờ bệnh án của bà Yên, ông Vượng và Hoa, cùng với những tấm giấy khen của Huệ.
Trên đường đến thăm Huệ ở nơi làm việc hiện giờ của cô bé, Thành kể, lúc nhỏ, bị các bạn cùng trang lứa trêu chọc, Huệ tủi thân và điện thoại cho anh trai đang đi làm xa khóc suốt. Đến hiện tại, nhiều người đã hiểu hoàn cảnh gia đình cô bé, luôn giúp đỡ để em có thể tiếp tục con đường học tập. Hôm nào anh Thành ở nhà trông mẹ và chị, Huệ lại tranh thủ đi rửa bát thuê cho quán ăn gần nhà, vừa mua thức ăn vừa tích lũy một ít tiền cho năm học mới. “Muốn một bữa cơm đầy đủ các thành viên sao nó khó với gia đình mình thế hả anh?” - Thành ứa nước mắt khi nghĩ đến câu hỏi ngây ngô, đáng thương của Huệ suốt bao năm qua.
Ước mơ còn dang dở
Vượt hơn 80km, cuối cùng chúng tôi cũng đã đến nơi làm việc của Huệ. Trong chiếc áo đồng phục rộng thùng thình của nhà hàng, cô bé nhỏ nhắn làm việc thoăn thoắt mà không hề biết sự có mặt của Thành và tôi. Khi thấy anh trai bước vào, Huệ khá bất ngờ, nét vui mừng hiện rõ trên gương mặt. Đã gần 3 tháng, em chưa được về nhà thăm gia đình. “Bệnh tình cha mẹ và chị ở nhà thế nào rồi anh? Mọi người có khỏe không? Chị Hoa có hay đánh anh nữa không? Em nhớ nhà mình lắm nhưng đợi tháng sau mới được về.” - những câu hỏi dồn dập khiến Thành chực trào nước mắt thương đứa em gái bé bỏng.
Huệ rơi nước mắt khi được hỏi về ước mơ còn dang dở của mình
Nhắc về gia đình của mình, Huệ trải lòng: “Tết năm mô cha mẹ với chị gái đều vô bệnh viện chữa bệnh. Mình em ở nhà nhìn bạn bè được cha mẹ sắm đồ đẹp đưa đi chúc Tết, thấy ghen tị và tủi thân vô cùng”. Suốt 12 năm liền Huệ luôn đạt danh hiệu học sinh khá giỏi, đặc biệt năm lớp 12 cô bé còn đạt giải ba cấp tỉnh môn Giáo dục công dân. Nhưng vì hoàn cảnh gia đình, nên vừa tốt nghiệp cấp 3, Huệ quyết định đi làm phụ bàn trong một nhà hàng ở thành phố Vinh. “Làm việc từ 5h sáng đến 12h đêm lương chỉ được 3 triệu mỗi tháng, nhưng em thấy vui lắm chị à. Mình tự kiếm tiền bằng sức lao động của mình để gửi về cho anh trai ở nhà chăm sóc cha mẹ và chị gái, cực mấy em cũng chịu được”
Huệ bảo nếu được học tiếp, em sẽ thi ngành sư phạm văn, trường Đại học Vinh vừa theo đuổi ước mơ làm giáo viên từ nhỏ, vừa được về thăm cha mẹ, và anh chị vào dịp cuối tuần.“Em sẽ làm công việc phụ bàn thêm ít năm nữa để phụ giúp anh trai trang trải cuộc sống gia đình, sau đó sẽ tính tiếp chị à!” - Huệ gượng cười với nét mặt đượm buồn khi được hỏi về dự định tương lai.
Chia tay chúng tôi, cô bé lại tiếp tục công việc của mình. Hôm nay, ngày mai và cả những ngày tháng sau tới đây, có lẽ cuộc sống của em sẽ chưa thể đổi thay. Vẫn làm việc từ sáng tới đêm muộn, vẫn thui thủi một mình trong nỗi nhớ nhà, trong sự lo lắng cho bệnh tình của cha mẹ. Ước mơ được đứng trên bục giảng của em dường như đã bị chôn vùi bởi nỗi đau số phận. Nhìn những bạn cùng trang lứa vui vẻ bước vào trường đại học, Huệ không khỏi chạnh lòng…
Phan Thị Hải
Báo in K34A2
Cùng chuyên mục
Bình luận