Về mùa thi trực tuyến…
(Sóng trẻ) - Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 có những diễn biến phức tạp, nhiều trường học đã tổ chức thi kiểm tra giữa học kỳ I cho học sinh bằng hình thức trực tuyến. Học sinh, phụ huynh, giáo viên là 3 đối tượng trực tiếp “đương đầu” với những khó khăn của kỳ thi chưa có tiền lệ này.
Học sinh “điền đại”
Suốt 1 tuần qua, em Thiều Nam Giang, học sinh lớp 6B – Trường Trung học cơ sở Trung Châu (thành phố Hà Nội) phải tham gia kỳ thi giữa kỳ I năm học 2021-2022 bằng hình thức trực tuyến. 11 môn học, mỗi buổi sáng thi 2 môn, hầu hết các môn đều thi dưới hình thức trắc nghiệm trên phần mềm ở máy tính và điện thoại, riêng môn Văn thi trên giấy rồi chụp ảnh bài thi gửi vào nhóm Zalo đã tạo trước.
Theo Giang, đề thi có 40 câu, thời gian làm bài 30 phút. Mỗi khi bị thoát ra ngoài thì em đều phải làm lại từ đầu. Điều này khiến em cảm thấy bất lực: “Khi dùng điện thoại làm bài thì cô giáo bắt cả lớp giơ tay. Con không giơ tay thì cô tưởng con không vào được, mà khi bấm vào giơ tay thì con phải làm lại từ đầu. Con không biết làm kiểu gì nữa, nên nhiều câu con phải điền đại cho kịp giờ”.
Tương tự, em Thiều Thị Tuyến, học sinh lớp 10A3 - Trường THPT Hồng Thái (thành phố Hà Nội) cũng gặp khó khăn trong quá trình làm bài thi trực tuyến. Dù đã chuẩn bị đầy đủ thiết bị cho kỳ thi, nhưng những trường hợp gặp trục trặc về thiết bị là không thể tránh khỏi: “Nhiều khi máy tính có vấn đề khiến nhiều lúc dù đã xong bài, đến giờ nộp bài nhưng em không thể nộp bài được. Lúc đó em rất lo vì sợ mất bài thi, hơn nữa thời gian làm bài thi đã hết, dù em có làm lại cũng không kịp”. – Tuyến chia sẻ.
Phụ huynh lo lắng
Dù đã là năm thứ hai con trai của mình làm các bài kiểm tra quan trọng trong năm học bằng hình thức trực tuyến, nhưng chị Đỗ Thị Hằng (thành phố Hà Nội) vẫn không tránh khỏi lo lắng. Chị Hằng nói: “Vì vấn đề công việc nên mình không thể bên cạnh con những lúc con làm bài thi. Khi con làm bài thi trực tuyến mình rất lo. Lo mạng không ổn định khiến con không vào được phòng thi, lo nội dung học trên lớp của con không bám sát đề thi, lo thiết bị có vấn đề, lo ảnh con chụp bài thư gửi cô bị mờ, không rõ”.
Rõ ràng, đây là những vấn đề chị không phải lo lắng nếu thi bằng hình thức trực tiếp. Thi trực tuyến là biện pháp thi cử phù hợp trong điều kiện dịch bệnh nhưng xét về lâu dài, hình thức này không thể thay thế cho các bài kiểm tra trực tiếp.
“Đề thi trực tuyến tương đối dễ, dễ hơn so với học ở trên trường. Con mình kể nó thích thi trực tuyến hơn bởi không phải trình bày, chỉ cần ra nháp ra đáp án rồi chọn đáp án giống mình trên bài thi. Nhưng cái làm mình cảm thấy bất tiện nhất là việc làm bài thi ra giấy rồi chụp ảnh gửi vào nhóm Zalo đã tạo trước. Con mình viết văn ra 2,3 tờ thì phải gửi liên tiếp 2 ảnh để không bị trôi và lẫn bài. Nhưng lớp có tận hơn 40 học sinh, cô giáo yêu cầu gửi bài khi còn 5 phút nữa là hết giờ, vậy nên ảnh bài thi cứ được gửi liên tiếp, nhiều khi bài viết của con mình còn bị lạc mỗi phần một nơi. Thêm nữa, vì học lớp online không hiệu quả nên trước khi con thi, mình phải tìm thêm các bài tập khác cho con để con có thể có đủ kiến thức để làm bài” – chị Hằng chia sẻ thêm.
Giáo viên “đau mắt”
Ở thời điểm hiện tại, thi trực tuyến là hình thức thi cử có lợi nhất cho học sinh. Tuy nhiên, việc kiểm tra bằng hình thức trực tuyến cũng bộc lộ nhiều khó khăn trong khâu chấm thi của giáo viên. Đối với các môn trắc nghiệm, việc chấm thi sẽ dễ dàng hơn bởi kết quả thi của học sinh sẽ được phần mềm thi đưa ra kết quả; còn đối với các môn thi tự luận, học sinh cần chụp ảnh lại bài thi hoặc sử dụng một phần mềm để chuyển dữ liệu hình ảnh sang dạng chữ viết.
Cô Chu Thị Sen, giáo viên môn Văn, trường THPT Hồng Thái (Hà Nội) cho biết: “Việc chấm thi online đối với môn Văn thì bộc lộ nhiều khó khăn. Thứ nhất là các em chụp ảnh bài sau đó nộp bài cho giáo viên. Có bạn thì chụp ngược, chụp lệch, có bạn thì chụp mờ, chụp nhoè. Việc chụp hình này còn phụ thuộc vào một phần máy ảnh điện thoại. Thêm nữa chữ viết của mỗi bài đều khác nhau: có bạn chữ đẹp, chữ xấu, có bạn chữ không thể nào đọc được. Những điều này khiến giáo viên rất khó khăn trong việc chấm bài. Từ khi giảng dạy và chấm thi bằng hình thức online, mắt của cô và các cô giáo khác đều rất đỏ và nhức mỏi khi phải chấm thi hàng tiếng đồng hồ như vậy”.
Bên cạnh đó, thi trực tuyến sẽ rất khó trong việc đánh giá năng lực phẩm chất của học sinh. Có rất nhiều có vấn đề cần phải đảm bảo như khâu giám sát, ngân hàng đề thi có sự phân hoá và hệ thống đường truyền mạng, hệ thống camera, phần mềm thi trực tuyến,… Hơn nữa, việc đánh giá thực chất năng lực học sinh, sinh viên còn tuỳ thuộc vào từng bộ môn và cách thức ra đề của từng giáo viên.
Cô Sen thông tin cụ thể thêm: “Đánh giá năng lực thực chất của học sinh ở các bộ môn tự luận và trắc nghiệm sẽ khác nhau. Việc kiểm tra bằng hình thức trực tuyến cũng có thể đánh giá được năng lực của học sinh nhưng không thể đánh giá chính xác được 100%, nhưng theo tôi, nếu giải quyết được những vấn đề nêu trên thì nó đánh giá được khoảng 80, 90% năng lực thực chất”.
Dù trong bối cảnh dịch bệnh hiện tại, thi online là hình thức an toàn nhất nhưng cũng bộc lộ không ít các khuyết điểm gây ảnh hưởng đến chất lượng điểm số của học sinh, đến tâm lý của phụ huynh, giáo viên.