Vỉa hè bến xe Mỹ Đình xuống cấp nghiêm trọng
(Sóng trẻ) - Vỉa hè đường Phạm Hùng (xung quanh bến xe Mỹ Đình) sau thời gian đưa vào sử dụng đã xuống cấp nghiêm trọng, trở nên nhếch nhác bởi rác thải và tồn tại nhiều vi phạm trật tự đô thị.
Tuyến đường Phạm Hùng đoạn xung quanh bến xe Mỹ Đình dài khoảng 500m. Hiện trạng đoạn vỉa hè trên tuyến đường này đang bị hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng. Qua quan sát, nhiều đoạn vỉa hè xuất hiện các vết nứt, sụt lún, nhếch nhác bởi rác thải bị đổ bừa bãi, gây khó khăn cho người đi bộ.
Bên cạnh đó, tình trạng lấn chiếm vỉa hè đường Phạm Hùng để kinh doanh, đỗ xe trái phép cũng diễn ra phổ biến, làm thu hẹp đáng kể không gian đi lại cho người dân và gây mất mỹ quan đô thị.

Bà Bích Thủy (trú tại quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, do mỗi ngày tuyến đường phải gồng gánh lượng lớn phương tiện lưu thông, nhiều thời điểm xảy ra ùn tắc, đã dẫn đến tình trạng giao thông hỗn loạn, xe cộ đi trên vỉa hè khiến mặt nền vỉa hè bị cày xới, bong tróc.
Cũng theo người dân sống quanh khu vực này, nguyên nhân dẫn đến sự xuống cấp của vỉa hè đường Phạm Hùng chủ yếu là do ý thức tham gia giao thông. Bến xe Mỹ Đình hằng ngày nhận lượng lớn hành khách, người đi lại đông đúc nhưng ý thức còn kém dẫn đến sự xuống cấp của vỉa hè.

Anh Quốc Anh (kinh doanh quán ăn tại đường Phạm Hùng, Nam Từ Liêm) than thở, vỉa hè hẹp lại bị trưng dụng là của riêng khi được nhiều hộ kinh doanh tận dụng để bày bán nhiều sản phẩm. Việc này đã vô tình đẩy người dân đi bộ dưới lòng đường.
“Một nguyên nhân khác dẫn đến vỉa hè đường Phạm Hùng bị ảnh hưởng là do điều kiện thời tiết khắc nghiệt như mưa bão đã ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng vỉa hè. Cây xanh bị bật gốc, lộ rễ và thậm chí phần gạch lát mặt nền cũng bị bật tung nhưng chưa được khắc phục kịp thời” - anh Quốc Anh nói.
Cả một bến xe lớn, hàng trăm người và phương tiện ra vào mỗi ngày nhưng hình ảnh nhếch nhác, bẩn thỉu vẫn cứ hiện diện. Việc này khiến cho bộ mặt thủ đô trở nên tồi tệ trong mắt khách du lịch, lẫn người dân.
Chị Huyền Dịu (45 tuổi, Bắc Ninh) thường xuyên lên xuống bến xe Mỹ Đình để thăm con gái, chia sẻ: “Mỗi dịp đến bến xe vào giờ tan tầm, vỉa hè thì bị quán nước chiếm đóng, đường thì đông đúc, tôi thật sự không biết chen chân vào đâu để về đến trọ con. Rác thì nằm ngổn ngang, chó chạy lung tung thật sự khung cảnh vô cùng hỗn loạn”.

Tại khu vực ngay sát bến xe, một bãi tập kết rác thải được mở ra. Nhiều xe chở rác nối đuôi nhau đổ về đây, biến khu vực thành một bãi rác lớn ngay tại ngã ba đường dẫn vào cổng phụ của bến xe. Tình trạng này gây ra mùi hôi thối nồng nặc, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường xung quanh và làm mất mỹ quan đô thị. Vào mỗi buổi chiều, xe tải đến thu gom rác khiến cho việc di chuyển của các phương tiện, đặc biệt là ô tô, trở nên khó khăn hơn bao giờ hết.
Chị Thanh Thảo (34 tuổi, Nam Từ Liêm) đã quen với hình ảnh lôi thôi, xộc xệch của khu vực: “Người ta tập kết rác ở đây cũng có rào lại, lắp biển báo nhưng xe rác thì nhiều mà khu tập kết rác thì bé, xe rác cứ vậy mà tràn hết ra đường. Kể từ khi tôi đến đây buôn bán thì con đường này đã sụt lún, nứt nẻ hết rồi nên cũng quen”.

Bến xe Mỹ Đình là cửa ngõ của thủ đô, nằm trên trục đường lớn, định hướng phát triển vùng theo Quy hoạch Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Người dân nơi đây đang trông chờ chính quyền đầu tư thực hiện cải tạo vỉa hè, kỳ vọng chỉnh trang đô thị, giúp giao thông thuận lợi và phục vụ tốt hơn việc di chuyển, đi lại của người đi bộ tại khu vực này.
Để việc cải tạo vỉa hè diễn ra thuận lợi, cải thiện văn đô thị, cần có sự phối hợp và cam kết từ cả chính quyền và người dân. Về phía chính quyền, với vai trò quản lý đô thị, cần xây dựng kế hoạch cải tạo vỉa hè hiệu quả, đồng thời thực hiện các chính sách cải tạo một cách hợp lý và minh bạch. Về phía người dân, với vai trò là người trực tiếp sử dụng vỉa hè, cần nâng cao ý thức giữ gìn và bảo vệ vỉa hè, cũng như tôn trọng các quy định về trật tự an toàn giao thông và đô thị.