Virus Adeno qua nhận định của chuyên gia
(Sóng trẻ) - Virus Adeno là một trong những loại virus gây bệnh viêm đường hô hấp phổ biến, đặc biệt là ở nhóm trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Hiện nay, ở miền Bắc đang là thời điểm giao mùa, các ca mắc virus adeno tăng cao không chỉ ở Hà Nội, tại tỉnh Quảng Ninh số lượng mắc cũng trội hơn so với mọi năm. Do đó, để tìm hiểu về bệnh và cách phòng tránh, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với bác sĩ Bác sĩ CKII. Phạm Ngọc Mười - Trưởng khoa Các bệnh nhiệt đới Bệnh viện Sản nhi Quảng Ninh về vấn đề nêu trên.
PV: Gần đây, các ca mắc Virus Adeno tăng mạnh trên cả nước, vậy xin bác sĩ cho biết, bệnh Adeno là gì và có nguồn lây từ đâu?
Trong thời gian vừa qua, rất nhiều chương trình, đài báo đã nói về tỉ lệ trẻ em nhiễm Adeno tăng so với mọi năm. Thực ra Adeno cũng không phải bệnh gì mới, bệnh có từ lâu rồi. Thế thì, Adeno là gì, nó là loại virus gây bệnh đường hô hấp, gây viêm nhiễm đường hô hấp. Cho đến bây giờ có khoảng trên 60 tuýp gây bệnh. Bệnh diễn ra quanh năm, thường diễn ra nhiều vào thời điểm giao mùa, đặc biệt là cuối mùa đông, từ mùa xuân sang mùa hè. Bệnh chủ yếu là lây truyền giữa người với người qua tiếp xúc giọt bắn cũng như qua tiếp xúc bề mặt. Bệnh thì có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhưng thông thường là gặp nhiều ở lứa tuổi dưới 5 tuổi, và đặc biệt là từ 6 đến 12 tháng tuổi.
PV: Dưới góc độ chuyên môn, bác sĩ có thể cung cấp một số kiến thức về những triệu chứng đặc trưng trên cơ thể người được không ạ?
Đây là bệnh do virus lây truyền, chủ yếu qua đường hô hấp, là bệnh truyền nhiễm nhóm B. Chính vì vậy, đã là bệnh truyền nhiễm thì sẽ trải qua các giai đoạn, các thời kỳ khác nhau, bao gồm: thời kỳ ủ bệnh, thời kỳ tản phát, thời kỳ lui bệnh và thời kỳ hồi phục. Cũng như bệnh lây qua đường hô hấp khác thì triệu chứng cơ bản của nó, cũng nhấn mạnh luôn chủ yếu là vấn đề về đường hô hấp. Thế thì đối với thời kỳ ủ bệnh, đối với trẻ có tiếp xúc với người bị nhiễm virus hoặc tiếp xúc với virus, thời gian ủ bệnh của nó có thể kéo dài từ 2 ngày đến 2 tuần. Sau thời gian ủ bệnh đấy thì là thời kỳ khởi phát, hay là thời kì có triệu chứng bệnh chủ yếu. Đối với triệu chứng khởi phát ở đây, lưu ý đây là bệnh do virus của đường hô hấp thì triệu chứng khởi phát có biểu hiện giống y hệt như cúm. Ví dụ như là sốt, đau mỏi người, chảy mũi, ho rồi hắt hơi,… Đứa trẻ có thể ho, từ đó gây viêm đường hô hấp trên ví dụ như viêm mũi họng, viêm tai giữa, viêm thanh quản,.. rồi viêm đường hô hấp dưới như viêm phế quản, viêm phổi,.. và khi đến giai đoạn biến chứng thì có thể là viêm phổi suy hô hấp, phải đưa vào ARDS, tức là hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển nhanh.
PV: Số lượng các ca mắc bệnh thường tăng lên vào những dịp chuyển mùa trong năm, nên rất dễ gây nhầm lẫn với các bệnh viêm đường hô hấp cấp do các chủng loại virus khác hay các bệnh cúm thông thường. Vậy khi xuất hiện các triệu chứng bệnh, bác sĩ có thể cho biết làm thế nào để phân biệt Adeno và các bệnh hô hấp khác?
Điều cần lưu ý ở đây, Adeno thì nó khác với cúm, đây là bệnh sốt rất là cao, có nhiều trường hợp khó đáp ứng với thuốc hạ sốt. Cái thứ hai, sốt của Adeno kéo dài hơn so với các bệnh cúm thông thường, trung bình thời gian sốt từ 5 đến 7 ngày. Có những cháu chúng tôi điều trị thì có thể thời gian sốt kéo dài từ 7 đến 10 ngày và cũng có thể lên đến 2 tuần. Đối với các cháu sốt cao và kéo dài như thế có thể có nguy cơ để lại biến chứng nhất định.
Ngoài ra, đặc điểm chúng ta thường thấy đối với trẻ nhiễm Adeno là viêm đỏ kết mạc, màng mắt đỏ, có triệu chứng phát ban, nổi hạch, và đối với Adeno thì thường có thêm biểu hiện của đường tiêu hóa: nôn, tiêu chảy. Hoạ hoằn thì có những triệu chứng ít gặp hơn nữa là triệu chứng của viêm đường tiết niệu, viêm bàng quan, viêm gan, viêm não. Đến giai đoạn nhiễm Adeno sau lành thì có thể có những biến chứng như là nhiễm khuẩn, viêm phổi mãn tính. Trong tất cả các triệu chứng đấy thì đa phần chúng ta thấy, đối với Adeno nó diễn biến nhẹ nhàng, có thể tự khỏi trong vòng 1 đến 2 tuần. Còn một số trường hợp có thể có những biến chứng nặng và biến chứng nặng thường gặp nhiều nhất là viêm phổi suy hô hấp, đến giai đoạn muộn nữa thì có thể có những biến chứng về xơ hóa phổi và gây những bệnh phổi mãn tính. Những đứa trẻ có nguy cơ tiến triển bệnh nặng hơn là những đứa trẻ có bệnh mãn tính, thường là những đứa trẻ suy giảm miễn dịch, suy dinh dưỡng, béo phì, những đứa trẻ sau ghép tạng, … Các bà mẹ có thể lưu ý!
PV: Số ca mắc đang tăng vọt, theo thống kê của CDC Hà Nội, bệnh nhân mắc Adenovirus phân bố tại 30/30 quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố Hà Nội. Tại nhiều tỉnh thành khác trên cả nước, người dân cũng đổ xô làm xét nghiệm tại nhà và xin nhập viện để yên tâm. Vậy ở riêng Quảng Ninh có xảy ra hiện tượng này không và thực trạng ca mắc tại Quảng Ninh hiện nay là như thế nào?
Đối với một dịch bệnh thì có thể xảy ra trong cả nước, đặc biệt là khu vực miền Bắc nói chung, Quảng Ninh thì cũng gần Hà Nội thôi nên xu hướng chung là ở Hà Nội tỉ lệ nhiễm virus Adeno cao thì ở Quảng Ninh, thời gian vừa qua, tỉ lệ nhiễm Adeno năm nay trội hơn một chút. Tỉ lệ trẻ đến khám, có triệu chứng nghi nhiễm Adeno và làm xét nghiệm có tăng lên, thứ hai là tỉ lệ nhập viện điều trị cũng tăng lên nhưng cũng không phải là quá tải. Trong quá trình chúng tôi điều trị, trẻ em có triệu chứng đường hô hấp là chủ yếu và cũng gặp một ca là viêm phổi suy hô hấp, nhưng sau đó các cháu điều trị khá ổn và đã được ra viện.
PV: Theo thông tin chúng tôi cập nhật được, Adeno có thể gây bệnh cho mọi đối tượng và mọi lứa tuổi. Trong đó, đối tượng trẻ em thường dễ mắc hơn do sức đề kháng kém. Hiện nay, cũng chưa có thuốc trị đặc hiệu, vậy theo bác sĩ, khi trẻ mắc bệnh , phụ huynh cần chăm sóc trẻ như thế nào và xin bác sĩ cho biết cách phòng ngừa cũng như cách phòng chống bệnh lây lan ra cộng đồng?
Vâng, Adeno có thể nhiễm mọi lứa tuổi, nhưng đa phần là nhiễm ở trẻ em, vì trẻ em thì sức đề kháng kém cũng như có thể kèm theo nhiều bệnh nền, sự thích ứng với sự thay đổi môi trường sẽ kém hơn của người lớn thì ở trẻ em tỉ lệ nhiễm cao hơn, đặc biệt là trẻ em dưới 5 tuổi. Cho đến thời điểm này chưa có thuốc điều trị đặc hiệu Adeno và chủ yếu là điều trị triệu chứng và chế độ chăm sóc, theo dõi để ngăn ngừa biến chứng nặng của Adeno.
Triệu chứng chính của Adeno là sốt, nếu các cháu sốt vừa sốt nhẹ thì các bà mẹ cho các cháu nới rộng quần áo, mở cửa phòng thoáng. Sốt cao thì có thể dùng các loại hạ sốt thông thường, dùng theo hướng dẫn của bác sĩ. Khi trẻ sốt có thể mất nước điện giải, có thể co giật, nên phải bù nước điện giải bằng nhiều loại nước, ozon thì tốt. Cho trẻ ăn các thức ăn lỏng, dễ tiêu và chia thành nhiều bữa. Ngoài ra có thể cho các cháu có triệu chứng ho uống thêm các siro ho thảo dược.
Song song với quá trình điều trị phải là quá trình chăm sóc, để phòng vì có thể lây cho các đứa trẻ khác, thường xuyên vệ sinh mũi họng cho các cháu, đảm bảo vệ sinh thân thể sạch sẽ. Đặc biệt là những người chăm sóc trẻ, cần thực hiện vệ sinh tay trước và sau khi chăm sóc trẻ. Đặc biệt nữa, để tránh lây lan Adenovirus ra ngoài cộng đồng thì cần thực hiện đeo khẩu trang cho trẻ và người nhà khi chăm sóc trẻ nhiễm Adeno.
PV: Xin cảm ơn những chia sẻ của bác sĩ rất nhiều!
Số ca mắc virus Adeno ngày càng tăng cao khiến phụ huynh không khỏi lo lắng cho sức khỏe của con em lúc giao mùa. Tuy nhiên, theo chia sẻ của Bác sĩ CKII. Phạm Ngọc Mười - Trưởng khoa Các bệnh nhiệt đới Bệnh viện Sản nhi Quảng Ninh, phụ huynh không cần quá lo lắng về virus Adeno và nguy cơ trẻ nhiễm phải virus Adeno, đa số bệnh nhân nhiễm bệnh đều có thể tự khỏi bệnh. Cách điều trị bệnh cũng giống như điều trị bệnh viêm hô hấp do virus gây ra. Chỉ nhập viện khi thực sự cần thiết để tránh xảy ra tình trạng bội nhiễm. Cũng theo Bác sĩ Mười cho biết, cho tới nay, vẫn chưa có vaccine phòng virus Adeno vì virus này có rất nhiều chủng. Vậy nên, phương pháp phòng bệnh hiệu quả nhất là: Rửa tay, khử khuẩn thường xuyên; |