Tại sao lại kỳ thị người Thanh Hóa?
(Sóng trẻ) “Ôi trời dân lại Thanh Hóa à? Ở đây không tuyển Thanh Hóa nhé!”. Đó là những câu nói mà người Thanh Hóa thường được nghe nhiểu nhất mỗi khi đi xin việc làm thêm. Hay ở những thông báo ở ghép phòng trọ thường có kèm theo ghi chú in đậm “yêu cầu không phải là người Thanh Hóa”... Ai sinh ra cũng có quyền bình đẳng vậy tại sao lại kỳ thị dân Thanh Hóa?
Mỗi vùng miền, mỗi mảnh đất đều sinh ra những loại người khác nhau, có người tốt, có kẻ xấu. Và Thanh Hóa cũng vậy, cũng có người này, người nọ vì vậy mọi người đừng “góp” chung người Thanh Hóa vào cùng một thể loại với nhau để rồi đưa ra nhận định : “ghét dân Thanh Hóa”.
Đa số những người “kì thị dân Thanh Hóa” đều đưa ra một nhận định chung đó là “người Thanh Hóa ki bo, bủn xỉn”. Có lẽ bởi bạn sinh ra ở một nơi không bao giờ biết đến lũ lụt, không bao giờ biết đến cảnh mất mùa, đói kém, không bao giờ được thử cái cảm giác ngồi trên nóc nhà để ngắm cảnh biển nước mênh mông mùa lũ. Không được tận mắt thấy những tài sản mình tích góp bao năm trôi theo dòng nước nên ít ai hiểu được cái hoàn cảnh “ki bo” của người Thanh Hóa.Thay vì những bữa cơm nn với đầy đủ thịt cá như những vùng khác thì người Thanh Hóa phải sống nhờ vào củ khoai củ sắn cho qua mùa lũ. Đó là sự chắt chiu, tiết kiệm chứ không phải 'ki bo".
Tôi đưa ra lí do trên không phải lấy hoàn cảnh ra để kêu gọi lòng thương từ mọi người nhưng tôi chỉ muốn cho các bạn hiểu rằng, hãy hiểu và nghĩ theo cách khác, ở đâu cũng vậy cả thôi, tất cả cũng là do môi trường sống tạo nên cách sống.
Sự kì thị đối với người Thanh Hóa
“Dân Thanh Hóa ăn rau má, phá đường tàu” hay “người Thanh Hóa ước lá rau má to bằng lá sen” những nói này có thể gọi là “lớn lên” cùng với mỗi người dân Thanh Hóa, nó như một câu nói mỉa mai, khinh miệt cho sự đói khổ cũng như bủn xỉn của người Thanh Hóa, nhưng có ai biết rằng chính nhờ “rau má” đấy mà đã nuôi sống được biết bao người đói khổ, cứu được nhiều bộ đội trong những năm tháng kháng chiến cứu quốc để góp phần đưa nước ta được như ngày hôm nay.
3 năm sống ở Hà Nội là khoảng thời gian không dài nhưng cũng đủ điểu kiện cho tôi được va đập với cuộc sống, rời xa vòng tay yêu thương của bố mẹ tôi luôn cố gắng để sống tự lập, cũng tập tành đi xin việc làm thêm với mong muốn đỡ được khoản tiền nào giúp bố mẹ ở quê.
Tôi nhớ rất rõ một lần đi xin việc ở một quán bán quần áo. Qua màn chào hỏi khá thân mật, trình bày lí do là đến giới thiệu và câu đầu tiên đó là “Em quê ở đâu” khi nghe câu “em quê Thanh Hóa ạ”, thì câu chuyện dường như thay đổi, chỗ chị đang tuyển ca chiều thôi em ạ,(rõ ràng là thông báo tuyển nhân viên làm ca sáng) hay và cũng không ít lần tôi nhận được câu trả lời thẳng thắn “ ở đây không tuyển Thanh Hóa em nhé”...
Hay chỉ cần nhấp chuột vào ogle tìm kiếm “dân Thanh Hóa” chỉ sau một vài giây ta đã có rât nhiều kết quả “ghét người dân thanh hóa”... và gần đây trên trang mạng xã hội facebook còn có một hội những người cực kỳ ghét dân Thanh Hóa - trang này chỉ chuyên vào nói xấu, mỉa mai và tẩy chay người Thanh Hóa, tự hỏi tại sao mọi người lại không làm gì có ích cho xã hội hơn là chỉ vào đây để nói xấu?
Thật sự mà nói sống trên đời này ai cũng có quan điểm sống của mình, người ghét cái này, người thíc cái kia nhưng xin đừng theo thói quen a dua để rồi làm ảnh hường xấu đến cả một cộng đồng, có người chưa hề tiếp xúc với người Thanh Hóa nhưng nghe mọi người “đồn” người Thanh Hóa thế này người Thanh Hóa thế kia cũng đâm ra ghét người Thanh Hóa và tỏ ra không muốn tiếp xúc, hay nói quá hơn đó là “kỳ thị và phân biệt người Thanh Hóa”.
Hãy chỉ đừng nhìn vào điểm xấu của người khác để rồi nhận xét toàn diện, Thanh Hóa từ xưa đến nay luôn nổi tiếng với truyền thống hiếu học, bằng chứng là mỗi năm Thanh Hóa lại cống hiến cho đất nước rất nhiều thủ khoa đại học các trường khác nhau. Nổi tiếng như em Lê Thị Lan ( Hoằng Vinh,Hoằng Hóa, Thanh Hóa) em đã đổ thu khoa khoa Luật Đại học Quốc gia Hà Nội. Hay em Nguyễn Thị Mai Thơ (Hoằng Thái, Hoằng Hóa, Thanh Hóa) vượt qua hoàn cảnh khó khăn đã đỗ thủ khoa Đại học Y Hà Nội với số điểm 29,5. Và còn rất nhiều tấm gương vượt khó học giỏi khác nữa.
Ở Hà Nội, Sài Gòn, Hà Nam, Đà Nẵng...và tất cả mọi nơi đều có người tốt kẻ xấu, chúng tôi những người dân Thanh Hóa cũng là tế bào của xã hội này, chúng tôi cũng muốn được sống bình đẳng như bao người dân ở các tỉnh khác. Cũng đang cố gắng để hoàn thiện mình hơn loại bỏ những cái xấu. Cố gắng vươn lên sau mỗi mùa lũ để không trở thành gánh nặng cho xã hội. Vậy sao lại phân biệt kỳ thị với Thanh Hóa chúng tôi?
Lương Hồng Gấm
Phát Thanh k31
Học viện Báo chí và Tuyên truyền
Cùng chuyên mục
Bình luận