Xóm Phao – “nốt nhạc trầm” nơi Hà thành náo nhiệt
(Sóng trẻ)-“Núp bóng” phía dưới những ngôi nhà cao tầng là một cuộc sống mưu sinh vất vả, quanh năm lênh đênh trên mặt nước của những cư dân xóm Phao. Hơn 30 năm “tồn tại”, cuộc sống của họ dường như vẫn chưa tìm được lối thoát.
Xóm Phao nằm lọt thỏm trong khu đất dưới cầu Long Biên. Gọi là xóm Phao, vì những người dân nơi đây, họ lấy mặt nước làm nơi tá túc. Xóm Phao hiện có 27 gia đình sinh sống với đủ lứa tuổi từ trẻ nhỏ tới già yếu. Đứng trên cầu, khó ai có thể phát hiện ra nơi đây vì xóm Phao được “canh gác cẩn mật” bởi những rặng cây cối um tùm. Ông Thảo, một người dân trong xóm cười: “Cái gì mà xóm Phao, nói thẳng ra thì nó là xóm bụi, vì toàn người tứ xứ nghèo khổ, vào tù ra tội ở”.
Những căn “nhà” dựng tạm nổi trên mặt nước giúp dân xóm bụi tránh cái nắng cái mưa của cuộc đời. Ở cái xóm bụi này, mỗi người một cảnh đời: Vợ bỏ, không con cái, già yếu, tật nguyền…Ông Hùng, một người dân khác không ngại chia sẻ: “ Trước bác buôn ma túy, xong rồi bị bắt. Ra tù không có tiền thuê nhà trọ lại về đây”. Cái nuôi sống họ cho tới bây giờ là tiền và quà tài trợ được phát vào dịp lễ tết, là đồng tiền hiếm hoi kiếm được do nhặt rác, bán đồ thủ công,…
Ảnh: người dân vo gạo nấu cơm bằng nước sông
Ảnh: Vợ chồng ông Thảo, bà Xuân, xóm Phao
Ảnh: căn “nhà” của người dân xóm Phao
Những ngày mưa to, nước ngập,ngôi “nhà” nổi lềnh phềnh mặc cho dòng nước đưa đẩy. Sinh hoạt của người dân nơi đây từ nấu cơm, nước uống, giặt giũ, tắm rửa…đều dựa vào sông nước. Ông Thảo năm nay đã 82 tuổi, vợ chồng ông là người Nam Định, bỏ quê lên Hà Nội lập nghiệp đã mấy chục năm nay, và cái nghèo cái khổ đeo đẳng ông bà đến tận bây giờ. Vợ ông Thảo bị cao huyết áp, ông thường xuyên phải vay mượn mỗi nhà đôi ba chục để đạp xe hàng chục cây số đưa bà lên phố khám bệnh.Thân hình ông gầy gò,đôi mắt hỏng 1 bên, những vết chân chim sâu và dài in hằn trên khuôn mặt đã trải qua hơn 82 năm cuộc đời bôn ba sóng gió của ông.”Tre già thì quý, chứ người già thì vô dụng, ai người ta cần”, ”khi nào cảm thấy sức khỏe không trụ nổi nữa thì tôi với bà ấy dắt nhau lên phố chết ở nài đường cho “ông Nhà nước” giải quyết”, ông Thảo vui vẻ cười nói tự “lên kế hoạch” cho quãng đời còn lại của mình, đằng sau tiếng cười sang sảng đó phải chăng chất chứa bao nỗi tủi hờn và nhục nhã của tuổi già?!
Người dân xóm bụi, họ mong muốn gì? Mong có cái ăn hằng ngày như vợ chồng ông Thảo, ước ao cuộc sống yên bình thanh thản tránh xa quá khứ đen tối và đầy tội lỗi như ông Hùng,hay đơn giản chỉ là mơ ước một chỗ an nghỉ tử tế khi trở về với cát bụi?...
Xa xa kia là những khu chung cư cao cấp, những công trình hiện đại đang đựợc xây dựng, là dòng người vội vã chạy theo guồng quay hối hả của mảnh đất Hà thành,…và nơi bãi giữa sông Hồng này, vẫn tồn tại một xóm bụi với những phận người như thế, những “góc khuất” như thế…
Nhóm tác giả: Phượng, Minh Anh, Yến, Sang, Thúy
Lớp Báo mạng điện tử k35
Cùng chuyên mục
Bình luận