"Xóm sợ Tết" ở đất Hà Nội

(Sóng trẻ) - Những ngày giáp Tết, khắp phố phường Hà Nội hối hả người chuẩn bị về quê, người lo đi sắm Tết. Nhưng ở ngay giữa Thủ đô có một xóm nhỏ với những con người sống lặng lẽ. Đó là xóm chạy thận ở ngõ 121 Lê Thanh Nghị, Hai Bà Trưng, Hà Nội.

Nỗi buồn khi Tết đến

Trong con ngõ nhỏ tĩnh lặng, thời tiết lạnh càng làm cho khung cảnh thêm phần ảm đạm. Hôm chúng tôi đến, anh Mai Anh Tuấn, trưởng xóm chạy thận đang mải mê viết thông báo về thời gian nhận quà của các tổ chức từ thiện. Bảng thông báo đặt ngay cạnh cành đào. Nói là cành đào nhưng thực ra là cành ổi khô gắn những bông hoa đào nhựa buộc chằng chịt trước cổng nhà đầu xóm. Hỏi ra mới biết đây là cành đào do những người dân trong xóm tự làm treo lên để có không khí ngày Tết. 

Hiện nay trong xóm có tất cả 129 người từ các tỉnh khác nhau như Lạng Sơn, Yên Bái, Hòa Bình, Nam Định, Phú Thọ… lên đây thuê trọ để tiện cho việc đi sang bệnh viện chạy thận. Cuộc sống hàng ngày của cư dân trong xóm gắn liền với những lần chạy thận và lọc máu. Một tuần họ phải lên viện chạy thận ba lần. Vào những ngày cận Tết dường như cuộc sống cũng không có gì thay đổi. Nhiều người vẫn tranh thủ đi cắt tóc, đánh giầy, bán nước hay chạy xe ôm… để có thêm tiền trả viện phí ngày Tết.

6faec0baf_1.gif
Các bệnh nhân trong xóm chạy thận

Anh Phạm Văn Điều, 37 tuổi quê ở Nam Định chạy thận được 12 năm đang làm nghề cắt tóc cho biết về chi phí chữa bệnh: “Không có bảo hiểm thì tháng 15 triệu bình thường, có bảo hiểm rồi thì tháng mất tiền thuốc cũng tầm 3 triệu, tiền thuốc không thôi còn chưa tính tiền hồng cầu, tiền máu, đạm rồi albumin. Albumin triệu một lọ, đạm 125 nghìn chai tháng cứ phải 4,5 chai không truyền vào thì người nó mệt mỏi làm kém đứng nó mệt mỏi”.

Nhắc đến cái Tết đang đến gần, ai nấy đều lắc đầu ngán ngẩm. Chị Phạm Thị Xuân Lan, một người trong xóm, từng là giáo viên trường Tiểu học Tân Thịnh, huyện Văn Trấn của tỉnh Yên Bái. Chị làm bạn với những người trong xóm được 6 năm tâm sự: “Bản thân tôi chán, tôi chẳng muốn Tết đâu. Tại vì đến Tết người ta quây quần thậm chí lắm hôm Tết về trốn đi không dám ngồi ở nhà tại vì dân làng, đồng nghiệp rồi bạn bè người ta đến người ta chúc sức khỏe. Người ta bảo sao đi lâu thế không về với lại dạo này sức khỏe như thế nào kiểu như người ta đến người ta tỏ lòng thương hại.Hơn nữa đến nhà người ta cũng ngại vì năm mới mình bị bệnh hiểm nghèo. Thường thường ngày Tết có những món ăn nn đấy nhưng mình không dám ăn chỉ dám ăn miến hoặc bánh mỳ cho nó khỏi có nước.”

Mỗi người một số phận

Những tiếng niệm Phật vẫn vang lên hàng ngày ở phòng bà Mai Thị Hạnh (71 tuổi), ở xã Hưng Đạo, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên. Chồng là liệt sĩ, cô con gái duy nhất đi lấy chồng xa nên nhiều năm nay bà vò võ một thân một mình. Cánh tay của bà đã gầy nay lại chằng chịt những u cục vì những lần chạy thận. Trước khi lên đây bà đã có hàng chục năm chữa trị ở bệnh viện của tỉnh Hưng Yên. Căn phòng chưa đầy 10m2 với chiếc ti vi được coi là tài sản lớn nhất.

6faec0baf_anh_2_2.jpg

Bà kể, bị căn bệnh quái ác này rất dễ gặp biến chứng như huyết áp, tim mạch, khớp, dạ dày…nên phải thường xuyên uống các loại thuốc. Nói rồi bà giở túi thuốc mới mua cách đây vài ngày cho tôi xem. Bà kể: “Có hôm thằng cháu rể, con rể nhà tôi nó đón về, nó bảo mẹ ơi nay con đón mẹ về. Thế là nó lên đón về thì tôi cũng chuẩn bị thuốc thang rồi bỏ vào cái túi khoác rơi nó mới lấy trộm mất túi thuốc với cái điện thoại. Thế là tôi bảo thế này mất thuốc quay lại không về được về là không có thuốc uống có mà chết luôn. Thế là lại phải quay lại đấy, khổ lắm”.

Có lẽ anh Tuấn, trưởng xóm chạy thận là một trong những người may mắn bởi anh luôn có vợ và con ở bên cạnh động viên. Vợ anh là chị Phùng Thị Nghĩa vốn cùng quê và từng là bạn học cùng với anh. Biết anh bị bệnh nhưng chị vẫn đến với anh bằng sự yêu thương mặc dù bố chị không đồng ý. Xác định lấy anh là khổ, là vất vả nhưng cuộc sống có những khó khăn mà chính chị cũng không lường hết được. 

Quê hai vợ chồng ở Ba Vì, Hà Nội, không cách xóm trọ này là bao nên Tết năm nào gia đình anh Tuấn, chị Nghĩa cùng cố gắng về quê sum họp gia đình. Thường, đến 28 Tết là cả gia đình về, nhưng cũng không có nhiều thời gian đi chúc Tết họ hàng vì mùng 2 anh Tuấn đã phải vào viện chạy thận. Với chị Nghĩa Tết đến đồng nghĩa với nỗi lo tiền sinh hoạt tháng mới: “Bây giờ lo tiền nhà chuẩn bị bắt đầu tiền nhà tháng này. Sang tháng 2 thì có làm được mấy đâu thì bắt đầu lại chuẩn bị nhà tháng cho tháng 3. Tóm lại chỉ làm để lo tiền nhà thôi đã đủ mệt rồi. Còn Tết thì cũng chả có gì để mà sắm cả, bênh nhân thì có cái gì đâu mà sắm. Tết người ta có tiền, Tết mình thứ nhất là không có tiền, thứ hai nữa là lo đủ mọi thứ đi về tiền xe cộ các thứ”.

Mong ước đơn giản

Ngóng ra ngõ thấy người ta lỉnh kỉnh đồ đạc về quê trong lòng những con người này lại xốn xang, có người rớt nước mắt vì nhớ nhà, có người ngóng trông một niềm hy vọng được về quê ăn Tết. Căn bệnh mà nhiều người gọi là “bệnh nhà giàu” buộc họ phải ăn Tết ở nơi đất khách quê người, không người thân, không bạn bè, không đào, không quất, không bánh chưng. Năm nái có gần 20 người ở lại đây. Còn năm nay về hay ở lại với họ vẫn còn là một ẩn số. Điều đó phụ thuộc vào ca chạy thận cuối cùng ngày 29 và 30 Tết.

Không ít người đã quen dần với những cái Tết xa nhà vì điều kiện không cho phép họ về. Ở lại đây họ thường rủ nhau ra trước cổng ngõ ngồi nói chuyện, kể những câu chuyện quá khứ cho nhau nghe rồi cười xòa cho qua cái Tết. Tết đến, người ta vẫn mong ước những điều lớn lao nhưng với những bệnh nhân chạy thận này từng ngày phải  trải qua những cơn đau về thể xác và tinh thần. Điều ước của họ cũng giản đơn như chính cuộc sống của chính mình. Anh Mai Anh Tuấn, trưởng xóm chạy thận cho biết: “Cũng như các bệnh nhân trong xóm, làm sao được các nhà hảo tâm người ta quan tâm hơn hoặc là kể cả bên các nhà tài trợ thì người ta sẽ giúp đỡ được cho xóm nhiều hơn”.

6faec0baf_anh_3_2.jpg
Anh Mai Anh Tuấn, trưởng xóm chạy thận mong các bệnh nhân chạy thận được cộng đồng quan tâm hơn nữa

Tâm sự của cư dân xóm chạy thận thật khiến người ta phải suy nghĩ. Ở nơi ranh giới giữa sự sống và cái chết trở nên mong manh, tình người lại thêm thắm lại. Dẫu Tết với họ không sung túc như trong ký ức nhưng dù đón Tết ở đâu thì mỗi phút giây với những con người ở "xóm sợ Tết" được sống đều trở nên vô cùng quý giá.

Quỳnh Trang
Phát thanh K31
(ảnh: Internet)

Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Tin nổi bật3 ngày trước

(Sóng trẻ) - Nhiều trường học trên cả nước đã tổ chức các hoạt động thiết thực nhằm hướng tới Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, tạo không khí thi đua phấn khởi cho học sinh, sinh viên và đội ngũ nhà giáo.

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Tin nổi bật4 ngày trước

(Sóng trẻ) - 94 năm qua, Mặt trận Thống nhất Việt Nam đã trở thành biểu tượng của sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, góp phần quan trọng trong sự nghiệp giải phóng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

Tin nổi bật4 ngày trước

(Sóng trẻ) - Ra đời vào năm 1950, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (Vietnam Union of Friendship Organizations - VUFO) đã góp phần to lớn trong việc xây dựng và phát triển mối quan hệ hữu nghị, hợp tác với các quốc gia và tổ chức quốc tế.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN