Vứt rác bừa bãi, vấn nạn nhức nhối giữa lòng Hà Nội
(Sóng trẻ) - Rác nằm trên vỉa hè, rác tràn xuống lòng đường, rác nổi lềnh bềnh dưới sông...; những bãi rác tự phát gây ô nhiễm môi trường, mất mỹ quan đô thị ngang nhiên tồn tại từ năm này qua năm khác.
Dù cho đã có Chỉ thị số 06/CT-UBND từ Thành uỷ Hà Nội về việc vận động Nhân dân thực hiện nếp sống văn minh, trang trí, vệ sinh môi trường trên địa bàn thành phố. Thế nhưng hiện tượng vứt rác bừa bãi vẫn tiếp tục xảy ra trên những con phố, chung cư, sông hồ giữa lòng Hà Nội.
Trên đường Lĩnh Nam thuộc quận Hoàng Mai, Hà Nội nhiều bãi rác lớn nằm ngổn ngang, bốc mùi nồng nặc, làm mất mỹ quan đô thị. Dù cho hàng ngày thường xuyên được các đội công nhân vệ sinh dọn dẹp, thế nhưng lượng rác thải trên đường phố vẫn luôn xuất hiện dày đặc.
Chị Đới Thị Cẩm Tú (ngụ ở đường Lĩnh Nam, Quận Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết rằng suốt bao nhiêu năm nay lượng rác thải rên đoạn đường Lĩnh Nam lúc nào cũng dày đặc từ sáng đến tối. “Ở đoạn đường này có rất nhiều chợ, nhà hàng cũng như nhà trọ sinh viên nên cứ khoảng từ 6 giờ tối là dân lại vứt ra đường. Đường thì nhỏ tí tẹo mà rác thì rất nhiều. Cứ một người vứt rồi sẽ có thêm nhiều người vứt ở vị trí đấy, đỉnh điểm những ngày cuối tuần thì rác nhiều đến mức bịt kín cả đầu ngõ làm cho tôi không thể đi xe vào nhà của mình nữa”.
Tại chân cầu trên đoạn đường Lĩnh Nam, những bãi rác thải sinh hoạt cũng tràn lan, đầy ruồi nhặng, thậm chí còn rơi suống sông gây bốc mùi hôi thối khủng khiếp khiến ai đi qua cũng không thể thốt lên lời.
Không chỉ ở con đường Lĩnh Nam nhỏ bé ở Quận Hoàng Mai, mà thậm chí ở khu vực đường lớn nổi tiếng với cái tên “Con đường vàng” Phạm Hùng thuộc quận Nam Từ Liêm. Một bãi đất trống nằm ngay cạnh Viettel Post Mỹ Đình chính là nơi mà một lượng lớn bao bì rác thải xây dựng, buôn bán được đem đến đổ suốt bao năm tháng mà không được dọn dẹp.
Theo những người buôn bán trà đá và trái cây gần khu vực này, bãi rác này hình thành là do những cá nhân bán buôn, bán lẻ các loại hoa quả và chủ yếu là dừa thường đem vỏ dừa đến đây vứt, thi thoảng cũng có vài đội công nhân cũng đem vài bao bì rác đá, gỗ đến và ném vào đấy. Ông Lại Văn Thi (Bán trà đá gần bãi rác) chỉ biết lắc đầu ngao ngán vì đống rác hôi hám, bẩn thỉu gây ảnh hưởng đến việc kinh doanh của ông: “Nhiều người đi ngang khu vực này lại tưởng đây là bãi rác nên cũng tiện tay vào ném, từ những cái ghế, sofa hỏng hay chăn đệm cũng đều đem đến đây. Vì thế nên công việc buôn bán của tôi cũng khó khăn hơn so với ngày xưa, thậm chí cái trạm dừng xe buýt cũng ít người hơn vì cái bãi rác này”.
Ở chung cư Tecco Thanh Trì cũng xuất hiện những hiện tượng vứt rác bừa bãi, không biết từ bao giờ khu vực này đã trở thành bãi rác của cả khu chung cư và hiếm khi được dọn dẹp.
Cuộc sống phát triển không ngừng với đa dạng các hoạt động dịch vụ tiện ích, công nghệ phát triển. Thế nhưng, ở nước ta, cho dù là ở đô thị lớn, ý thức bảo vệ môi trường của người dân vẫn còn rất kém, trong đó hành vi đổ rác bừa bãi diễn ra từ năm này qua năm khác, như một căn bệnh kinh niên, bất chấp báo chí phản ánh liên tục; các cấp chính quyền đã nỗ lực quản lý, xử lý lượng rác thải trên địa bàn; tăng cường các biện pháp xử phạt...