“Đi và Kể” - Bước ra khỏi sự an toàn để chấp nhận thử thách
(Sóng Trẻ) - Sau 3 tháng triển khai dự án dành cho những người trẻ làm báo, điều tra về buôn bán động vật hoang dã (ĐVHD), chuyến hành trình “Đi và Kể” đã khép lại với nhiều tác phẩm báo chí xuất sắc và tạo sự lan tỏa trong cộng đồng.
Khởi đầu cho nhiều trải nghiệm đặc biệt
Chuỗi hành trình chính thức được khởi động từ ngày 27/9 với khóa huấn luyện chuyên sâu về báo chí điều tra 3 ngày tại đảo Cát Bà do WCS Việt Nam tổ chức. Chuyến đi gồm 4 nhà báo hướng dẫn cùng 12 học viên được tuyển chọn từ 5 cơ sở đào tạo báo chí, truyền thông.
Tại đây, các nhà báo đã giúp cho sinh viên nhận thức được những kỹ năng tác nghiệp điều tra cơ bản, phương thức tìm đề tài, sử dụng các thiết bị chuyên dụng đặc biệt là trong điều tra về ĐVHD. Ngoài ra, học viên còn được lắng nghe những câu chuyện nghề ấn tượng từ các “tiền bối” đi trước.
Sau khóa tập huấn, nhận thấy kiến thức về báo chí là chưa đủ, Ban tổ chức (BTC) WCS tiếp tục tổ chức thêm 3 buổi trò chuyện để chia sẻ đến học viên các thông tin mới nhất về bảo tồn ĐVHD, khung pháp lý liên quan và nội dung liên quan đến nhận dạng loài. Nhằm trang bị cho cho các em tốt nhất về mặt kiến thức để có thể bắt tay ngay vào triển khai đề tài, sản xuất tác phẩm báo chí.
Với sự dẫn dắt của 4 nhà báo, cùng 5 chuyến đi thực địa các nhóm đã viết lên 18 chuyện ấn tượng về buôn bán ĐVHD. Tiêu biểu như các tác phẩm: “Chim trời Cát Bà”, “Tê Tê tại Ninh Bình Pù Mát ”, “Voi Sơn La”,... được đăng tải trên một số kênh báo chí, truyền thông như VTV1, báo Vietnamplus, VOV, báo Kiến thức, báo Giáo dục và Thời đại.
Dấu ấn “khó quên” cho một hành trình dài
Để nhìn lại những hoạt động của chuyến hành trình “Đi và Kể”, WCS đã tổ chức Gala tổng kết và trao giải cho các thành viên có tác phẩm xuất sắc vào ngày 20/12. Tham gia buổi lễ có đại diện Ban lãnh đạo Tổ chức WCS, Tổ chức bảo tồn Động Thực vật Quốc tế Fauna và Flora International (FFI), đại diện Ban Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền cùng giảng viên Khoa Phát thanh - Truyền hình (PT - TH). Đặc biệt là sự có mặt của các nhà báo và học viên đã đồng hành trong dự án.
Không lấy số lượng để đánh giá mà lấy chất lượng nhằm khẳng định sự thành công. Quy mô chương trình không lớn nhưng WCS tập trung đào tạo chuyên sâu vào các nhà báo trẻ, loạt phóng sự phản ánh về tình trạng buôn bán và bảo tồn ĐVHD chính là minh chứng cho kết quả của chuyến hành trình ý nghĩa.
Nói về cốt lõi của sự gắn kết trong suốt chuyến hành trình Th.S Đinh Ngọc Sơn - Phó Khoa PT - TH, Điều phối của khóa tập huấn nhấn mạnh sự khơi dậy tính chủ động của sinh viên. Hành trình kết thúc nhưng giá trị để lại là rất to lớn, lâu dài. Thông qua chương trình này Học viện Báo chí và Tuyên truyền cũng cho rằng đây là mô hình đào tạo mà nhà trường cần phải học hỏi, định hướng triển khai, nhân rộng.
Khép lại chuyến hành trình đầy cảm hứng là những câu chuyện tác nghiệp đầy tự hào và đáng nhớ của các học viên. Đó là lần đầu lên rừng, đổ đèo để tiếp cận nguồn tin, là những chuyến giải cứu tê tê đến nghẹt thở cùng nhiều câu chuyện điều tra thú vị khác. Chia sẻ tại buổi lễ bạn Đậu Hải Minh Sao (Học viện Báo chí và Tuyên truyền) cho biết “Khi đi tác nghiệp thực tế, em không chỉ học hỏi được từ người hướng dẫn các kỹ năng xử lý tình huống trong điều tra, mà hơn hết là có thể cảm nhận trực tiếp, một cách chân thực nhất về cuộc sống hoang dã của động vật đang bị tước đoạt. Không dừng lại ở đây, chúng còn phải chịu cảnh hành hạ dã man từ chính người nuôi”.
Ghi nhận sự cố gắng nỗ lực của các thành viên trong hành trình “Đi và Kể” Ban tổ chức đã tổng kết và trao giải cho các tác phẩm xuất sắc và trao giấy chứng nhận cho 12 học viên và 4 nhà báo đồng hành. Có mặt tại buổi lễ, bà Hoàng Bích Thuỷ - Giám đốc quốc gia Tổ chức WCS tại Việt Nam đánh giá “Mỗi tác phẩm là sự chứa đựng nỗ lực và làm việc nghiêm túc. Đó là niềm đam mê dấn thân của các nhà báo trẻ”.
Dù chỉ là bước khởi đầu từ những trải nghiệm nhỏ nhất. Nhưng chính kiến thức, kỹ năng và những bài học từ chuyên gia sẽ là hành trang quý báu cho các nhà báo trẻ, để trong tương lai họ sẽ luôn nắm vững cây bút, không ngừng theo đuổi con đường bảo vệ động vật hoang dã trước nguy cơ bị xâm hại, tuyệt chủng.