10 nữ anh hùng liệt sĩ Ngã ba Đồng Lộc sống mãi tuổi đôi mươi
(Sóng trẻ) – Vừa qua, sinh viên khoa Quan hệ Quốc tế, Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã tiến hành nghi thức dâng hương tưởng niệm 10 nữ anh hùng liệt sĩ tại Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc trong không khí trang nghiêm và thành kính.
Trong chuyến hành trình thực tế tới tỉnh Hà Tĩnh, các thầy cô giáo cùng 184 đoàn viên thanh niên Khoa Quan hệ Quốc tế do TS. Lưu Thúy Hồng làm trưởng đoàn đã tổ chức nghi lễ dâng hương tưởng niệm 10 nữ liệt sĩ thanh niên xung phong (TNXP) và các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh để khai thông tuyến đường máu Bắc – Nam tại Ngã ba Đồng Lộc.
Vẹn nguyên những giá trị lịch sử
Hướng tới ngày kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Hội Liên hiện Phụ nữ Việt Nam (20/10/1930 – 20/10/2020), các đoàn viên thanh niên đã đến dâng hương để bày tỏ lòng biết ơn và sự tri ân sâu sắc đối với những hy sinh của các anh hùng liệt sĩ và 10 nữ liệt sĩ TNXP vĩnh viễn nằm lại nơi mảnh đất thiêng liêng của dân tộc và sống mãi tuổi 20 trong lòng những người dân đất Việt.
Ngã ba Đồng Lộc thuộc huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh là mảnh đất nằm trên tuyến đường huyết mạch Bắc – Nam, đồng thời cũng là nơi hứng chịu nặng nề bởi bom đạn chiến tranh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ trường kỳ của Tổ quốc. Tuyến đường Đồng Lộc, đường Khe Giao và thêm bao nhiêu con đường còn sống mãi lứa tuổi đôi mươi tươi đẹp, các anh chị đã ngã xuống và hòa máu thịt mình vào mảnh đất hồn thiêng của dân tộc, để Đồng Lộc xanh mãi tuổi hai mươi.
Trong những năm tháng kháng chiến chống Mỹ diễn ra ác liệt, những thất bại liên tiếp trên chiến trường hai miền Nam – Bắc buộc Mỹ phải tập trung bom đạn nhằm ngăn cản tuyến đường huyết mạch chi viện của hậu phương miền Bắc cho chiến chiến trường miền Nam. Ngã ba Đồng Lộc nằm trên tuyến đường 15A được xem như vùng trọng yếu nối liền mạch máu hậu phương – tiền tuyến, vậy nên Mỹ cũng quyết tâm biến nơi đây trở thành “mồ chôn xác” của quân dân ta.
Khi xác định rõ trọng điểm của Ngã ba Đồng Lộc, Mỹ tập trung toàn bộ binh lực, hỏa lực và không quân đánh phá ác liệt nhằm phá hoại tuyến đường huyết mạch chi viện cho tiền tuyến. Chỉ trong vòng 7 tháng, Mỹ đã ném xuống gần 50.000 quả bom các loại, gấp 2 lần tổng số bom Mỹ đã đánh phá năm 1965. Để ngăn chặn sự chi viện về lương thực, vũ khí, đạn dược và trang thiết bị thiết yếu của hậu phương miền Bắc cho tiền tuyến, Mỹ quyết tâm biến Ngã ba Đồng Lộc thành “điểm chết” trên con đường giao thông quan trọng hai miền Bắc – Nam.
Hơn 50 năm bom đạn khói và lửa chiến tranh đã trôi qua nhưng Ngã ba Đồng Lộc vẫn mãi là ngã ba bất tử - chứng nhân lịch sử cho những chiến thắng và tinh thần sẵn sàng “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” của quân dân ta.
Ngã ba Đồng Lộc được xếp hạng Khu di tích lịch sử cấp Quốc gia năm 1989; được Đảng, Nhà nước, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Hà Tĩnh dành sự quan tâm và xây dựng thành Khu tưởng TNXP toàn quốc. Đặc biệt, Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định trở thành Khu di tích lịch sử cấp Quốc gia Đặc biệt vào ngày 9/12/2013.
Nhớ ơn 10 nữ anh hùng có “trái tim thép” trên chiến trường
Trong buổi lễ dâng hương, TS. Lưu Thúy Hồng, đại diện các thầy cô giáo và toàn thể sinh viên đã đến đặt vòng hoa và dâng hương tưởng niệm tại Nhà bia tưởng niệm các liệt sĩ TNXP toàn quốc và Khu mộ 10 nữ liệt sĩ TNXP Ngã ba Đồng Lộc.
Nghiêng mình, kính cẩn trước anh linh các anh hùng liệt sĩ, nhiều đoàn viên thanh niên không kìm được lòng xúc động và sự biết ơn vô hạn đối với chiến công vang dội thấm đẫm máu và nước mắt của các anh, chị thanh niên xung phong ở lứa tuổi đôi mươi. Đối với toàn thể sinh viên, anh chị sẽ là tấm gương sáng cho tấm lòng yêu nước sâu sắc và bài học về sự kiên cường, quả cảm và tinh thần xung phong bảo vệ đất nước cùng sự nghiệp cách mạng của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam cả trong thời kỳ chiến tranh và hòa bình.
Ngã ba Đồng Lộc đã chứng kiến nhiều sự hy sinh anh dũng của các lực lượng bộ đội, công an, chiến sĩ cách mạng, cán bộ giao thông, thanh niên xung phong,...để giữ vững tuyến đường quan trọng của cách mạng Việt Nam lúc bấy giờ. Tiêu biểu nhất là sự hy sinh của tiểu đội 10 nữ TNXP vào ngày 24/7/1968. Những cô gái thanh niên xung phong tuổi mới mười tám, đôi mươi đã mãi mãi ra đi, nhưng hình ảnh về 10 nữ anh hùng có “trái tim thép” chiến đấu với bom đạn tử thần trên chiến trường vẫn sống mãi với quê hương đất nước thiêng liêng.
Xúc động trước sự hy sinh vĩ đại của các anh hùng liệt sĩ, sinh viên Tăng Thảo Nhi, lớp Truyền thông Quốc tế K39 tâm sự: “Đứng trước anh linh những nữ anh hùng thanh niên xung phong, đối với mình, người phụ nữ Việt Nam luôn sống và yêu thương tha thiết quê hương đất nước và sẵn sàng hy sinh cho sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc. Hình ảnh 10 nữ anh hùng liệt sĩ kiên cường và giàu lòng hy sinh sẽ sống mãi trong lòng mỗi đoàn viên thanh niên và nhân dân Việt Nam. Họ là những người có tuổi đời còn rất trẻ, dám đánh đổi quãng thời gian thanh xuân đẹp khi Tổ quốc gọi tên, đó sẽ luôn là điều dũng cảm và mạnh mẽ nhất”.
Chia sẻ về quyết tâm của bản thân, Thảo Nhi khẳng định các anh chị thanh niên xung phong và những chiến sĩ cách mạng đã hy sinh tại Ngã ba “bất tử” sẽ là tấm gương để thế hệ đoàn viên thanh niên hôm nay tiếp bước, không ngừng cố gắng nỗ lực học tập, rèn luyện để cống hiến sức lực phục vụ Tổ quốc, phát triển sự nghiệp cách mạng dân tộc, giữ gìn và phát huy những chiến thắng vẻ vang của các anh chị thanh niên xung phong đã hy sinh để giành lấy.
Trao đổi với PV, bạn Lê Thị Phương Hà, sinh viên Khoa Quan hệ Quốc tế chia sẻ những tình cảm trân trọng, biết ơn đối với công lao và sự hy sinh quên mình của 10 nữ anh hùng liệt sĩ Ngã ba Đồng Lộc. Hình ảnh 10 cô gái TNXP là hiện thân cho vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam trong thời kỳ chiến tranh khốc liệt với những phẩm chất dũng cảm, lạc quan, sẵn sàng hy sinh và tấm lòng yêu nước tha thiết.
Làm việc và trao đổi cùng sinh viên Khoa Quan hệ Quốc tế, ông Đào Anh Tuân – Phó Giám đốc Khu di tích bày tỏ niềm vui và sự xúc động trước những tình cảm chân thành của toàn thể thầy giáo, cô giáo và các sinh viên đối với những dấu tích lịch sử hào hùng của dân tộc, nhớ ơn những anh, chị thanh niên xung phong và các chiến sĩ cách mạng đã mãi mãi nằm lại Ngã ba Đồng Lộc – mảnh đất lưu giữ dấu ấn hào hùng của sự nghiệp cách mạng dân tộc Việt Nam.